Điểm tập kết, trung chuyển rác: Nỗi lo sợ của người dân thành phố

00:00 12/10/2020

Dân số tăng lên chóng mặt đồng nghĩa với việc lượng rác thải sinh hoạt và các hoạt động khác của người dân cũng tăng lên. Và, dù lực lượng môi trường đô thị đã hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm nhưng một lượng lớn rác vẫn còn tồn đọng tại các điểm tập kết, trạm trung chuyển gây mùi hôi thối, ô nhiễm trầm trọng ở các khu dân cư. Điều này đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân thành phố, đặc biệt là trong mùa mưa.

Dịch bệnh, tai nạn! Theo thống kê, trên toàn địa bàn TP.HCM hiện nay có 31 trạm trung chuyển và hàng ngàn điểm tập kết rác lớn, nhỏ ở khắp các quận, huyện (bao gồm cả các điểm tập kết tự phát của người dân). Đáng nói hơn, phần lớn các trạm trung chuyển, bô rác hay điểm tập kết đều đang nằm trong lòng các khu dân cư. Trong số đó, chỉ vỏn vẹn vài trạm trung chuyển bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn về môi trường. Riêng các điểm tập kết rác trái quy định do người dân tự tạo ra ngày càng nhiều hơn. Các chuyên gia về môi trường cũng nhận định rằng với một thành phố rộng lớn và đông dân như TP.HCM thì cần phải có nhiều hơn các trạm trung chuyển rác, bảo đảm các quy định về môi trường.
1
Dù đã làm việc hết công suất nhưng lượng rác tồn đọng tại trạm trung chuyển, điểm tập kết là không thể tránh khỏi. Ảnh: Võ Nguyễn.
Một số trạm trung chuyển rác nằm trong lòng khu dân cư, có đông người dân sinh sống đã trở thành “điểm đen” khiến người dân TP.HCM ngán ngẫm như: Trạm trung chuyển ở P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức; trạm dưới chân cầu Chánh Hưng, Q.8; trạm trong khu dân cư Nam Hùng Vương, Q.Bình Thạnh; trạm trên đường Tân Hóa, Q.11, trạm trung chuyển trên đường Đào Trí, Q.7... Ngoài ra còn nhiều điểm trung chuyển, tập kết khác ở Gò Vấp, Bình Thạnh kể cả các ở các quận trung tâm như Q.1, Q.3 cũng khiến người dân ám ảnh. Trạm trung chuyển rác trong lòng khu dân cư đồng nghĩa với việc người dân hằng ngày phải đối chọi với ô nhiễm toàn diện về cả không khí lẫn nguồn nước. Hệ thống máy móc thô sơ, lạc hậu tại phần lớn các trạm trung chuyển đã làm chậm quá trình xử lý, khiến rác tồn đọng tạo mùi hôi thối nồng nặc và rò rỉ nước thải ngấm vào đất gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Đặc biệt nhất vào mùa mưa, khi rác ứ đọng nhiều gặp mưa xuống gây ngập úng trên diện rộng khiến rác thải trôi lềnh bềnh khắp nơi. Nước bẩn từ trạm trung chuyển lại có thêm cơ hội phát tán nhanh chóng vào khu dân cư làm tiềm ẩn nguy cơ dịch, bệnh. Cũng theo các chuyên gia, tỷ lệ người dân sống tại các trạm trung chuyển rác sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, mãn tính, đặc biệt nhất là bệnh về da liễu do ô nhiễm gây nên.
4
 Điểm tập kết rác trên đường Tân Sơn - Quang Trung, Gò Vấp. Ảnh: Tuấn Vương.
Ngoài ra ngay các cổng ra vào của trạm trung chuyển rác còn thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, thậm chí là tai nạn nghiêm trọng. Người dân cho rằng, các xe tải vào đổ rác trong trạm trung chuyển sẽ mang theo nước thải và các chất dơ từ bên trong trạm ra ngoài đường, lâu dần các chất “bẩn thỉu” sẽ bám chặt xuống nhựa đường ngay trước cổng trạm trung chuyển. Và, chỉ chờ mưa đến khiến mặt đường trở nên nhầy nhụa, trơn trượt gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông ngang qua đây. Đó là chỉ tính riêng các trạm trung chuyển rác, còn các điểm tập kết rác tự phát của người dân thì không cần phải bàn cãi thêm. Từ 0h trở đi, lượn một vòng các tuyến đường ở quận 3, Gò Vấp, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh... khi những con phố bắt đầu thưa người, dễ nhận ra Sài Gòn dường như đã chìm trong rác thải từ rất lâu. Rác chất đầy ở góc các ngã 4, vỉa hè - lề đường, thậm chí nghênh ngang ra cả lòng đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Thủ phạm của những điểm tập kết rác tự phát này không ai khác chính là bộ phận không ít người dân thiếu ý thức. “Tất cả những nơi nào trống đều có nguy cơ trở thành điểm đổ rác tự phát của người dân, miễn họ thấy trống mà không phải nhà mình là quăng thôi. Khi nào mình đến phát hiện sớm thì thu dọn còn không thì xe cộ chạy rồi chó, mèo vạch tung tóe lên thành một bãi chiến trường” - chị Ngân, nhân viên thu gom rác trên đường Lũy Bán Bích, Q.Tân Phú thở dài ngao ngán.
2
Điểm tập kết trên đường Lê Đức Thọ, P.7, Gò Vấp. Ảnh: Tuấn Vương
Bức xúc trước thái độ thiếu ý thức của một bộ phận người dân, anh Hoài - công nhân thu gom rác trên đường Phan Huy Ích, Q.Gò Vấp cho biết “làm gì có điểm tập kết tự phát, vì điểm tập kết của chúng tôi nghĩa là điểm tập trung lượng rác đã được thu gom ở nhiều nơi về có nơi có chỗ quy định, có thùng hoặc xe đẩy chứa đàng hoàng rồi chờ xe lớn đến chuyển đi. Còn đằng này người dân thiếu ý thức cứ thấy chỗ nào trống là mang rác ra đổ bừa ra ngoài, người này thấy người kia đổ lại tiếp tục đổ thêm, đổ miết thì thành một đống to đùng như thế. Đó gọi là bãi đổ rác chứ không tập kết tự phát gì cả!” Không chỉ có vậy, nhiều người dân còn thiếu ý thức đến độ mang rác đi giấu, nhét trong kẹt trụ đèn, tường nhà, hàng rào hay lùm cây những chỗ mà nhân viên thu gom rác khó thấy, đến khi nào bốc mùi hôi thối thì mới phát hiện. Giải pháp nào? Thống kê cho thấy, lượng rác tại thành phố thải ra ở thời điểm hiện nay khoảng 8.000 m3/ngày, con số này dự đoán sẽ tăng thêm 5% mỗi năm. Trong khi đó, toàn địa bàn TP.HCM hiện tại chỉ có 2 khu xử lý rác thải gồm khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước 5.000 tấn/ngày và khu liên hợp xử lí chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi với 2 công ty: Việt Star thực hiện phân loại, tái chế và làm phân compost 1.200 tấn/ngày; Tâm Sinh Nghĩa khoảng 1.000 tấn/ngày. Ngoài ra, thành phố còn có 31 trạm trung chuyển rác nhưng trong đó chỉ có 5 trạm đạt tiêu chuẩn, 13 trạm đã được cải tạo sơ bộ và 13 trạm còn lại chỉ hoạt động mang tính chất cầm chừng.
3
Điểm tập kết rác đường Bình Long, Q.Tân Phú. Ảnh: Tuấn Vương.
Có thể thấy, 2 khu xử lý chất thải rắn ở vị trí xa trung tâm, trong khi đó lượng xe chuyên dụng để vận chuyển rác vẫn còn rất hạn chế, vì vậy các rác được tập trung về các trạm trung chuyển và điểm tập kết trước khi chuyển đến khu xử lý là điều tất yếu. Điều này giúp giảm áp lực và tiết kiệm chi phí vận chuyển nhưng lại gây nguy hại cho đời sống và sức khỏe người dân vì trạm trung chuyển không bảo đảm chất lượng và nằm ngay trong khu dân cư. Ngày 14/9 vừa qua, trong buổi làm việc với UBND thành phố về các nguồn ô nhiễm môi trường và đề xuất các giải pháp khắc phục, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường cho rằng: Thành phố cần quan tâm kêu gọi công nghệ xử lý rác phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt là triển khai hiệu quả vấn đề phân loại rác tại nguồn. Bà đề xuất các đơn vị triển khai thí điểm ít nhất phải trên địa bàn một phường. Trong đó, rác dù đốt hay chôn lấp vẫn phải được phân loại. Bên cạnh đó để thực hiện nghiêm chỉnh và hiểu quả thì thành phố cần ban hành các quy định cụ thể, chú ý các biện pháp, chế tài xử lý. Nhiều chuyên gia môi trường cho rằng để xử lý tình trạng ô nhiễm tại các bãi trung chuyển và điểm tập kết rác cần phải có lộ trình. Trước mắt ở những trạm quá tải và gây ô nhiễm nghiêm trọng sẽ cho đóng cửa và điều chuyển rác đi nơi khác. Bên cạnh đó sẽ đẩy nhanh tiến độ cải tạo, sửa chữa và trang thiết bị máy móc hiện đại đối với các trạm đạt yêu cầu về diện tích. Ngoài ra sẽ đưa ra phương án điều chỉnh thời gian, cung đường cũng như tăng cường xe chuyên dụng để vận chuyển rác phát sinh, không để tồn đọng lại ở trạm trung chuyển. Về lâu dài là như vậy, tuy nhiên các trạm trung chuyển rác ở thời điểm hiện tại hầu hết đang bắt buộc phải xử dụng các chế phẩm phun xịt khử mùi nhằm giảm thiểu ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống của người dân
Tiêu chuẩn trạm trung chuyển rác – Vị trí thuận lợi, bảo đảm an toàn, thông thoáng về mặt giao thông. – Thiết kế xây dựng bảo đảm mỹ quan, được cách ly với khu dân cư bởi cây xanh. – Tiếp nhận 60-200 tấn rác/ngày (nội thành). – Sử dụng công nghệ tiên tiến để ép chất thải. – Quá trình hoạt động không gây tiếng ồn, mùi hôi, khói bụi... – Bảo đảm các giải pháp xử lý nước thải, bụi, mùi hôi, tiếng ồn...
Góp ý từ người dân: Theo quy định diện tích tối thiểu để xây dựng khu trung chuyển rác là 500 m2, nhằm hạn chế ảnh hưởng tới người dân, nhưng chỉ có vài trạm đạt diện tích cho phép. Vấn đề then chốt của các trạm trung chuyển là vốn đầu tư. Để giải quyết được triệt để cần xin nguồn vốn, quỹ đất từ nhà nước. Tuy nhiên rất khó hoặc thời gian rất lâu, cần phối hợp giữa các cấp quản lý ở địa phương cũng như quản lý trạm tìm kiếm các nguồn đầu tư khác mang tính an sinh. Cố gắng xây dựng trạm trung chuyển kín, có khu xử lý nước rỉ rác, xử lý mùi bằng thuốc khử mùi chuyên dụng.
(Theo nguoitieudung.com.vn)