Điểm sáng xuất khẩu giữa cơn bĩ cực

00:00 12/10/2020

Khi bức tranh u ám của dịch Covid-19 như cơn bĩ cực ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, thì vẫn có những điểm sáng tích cực từ những nhóm ngành tỷ đô ở những thị trường xuất khẩu chủ lực.

Điển hình như xuất khẩu (XK) gỗ và sản phẩm gỗ. Đây là một trong những nhóm ngành XK hơn 1 tỷ USD và đang giữ đà tăng trưởng từ đầu năm 2020 đến nay có dấu ấn lớn của các doanh nghiệp (DN) nội cũng như tự chủ nguồn cung trong nước dù gặp không ít khó khăn do tác động của dịch Covid-19. 

Vững vàng nhóm ngành tỷ đô

Số liệu thống kê cho thấy riêng 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm đạt 1,53 tỷ USD, tăng 10,1% so cùng kỳ năm ngoái. Trong nửa đầu tháng 3/2020, theo Tổng cục Hải quan, XK nhóm hàng này đạt 485,4 triệu USD. 

xuat-khau-5630-1584625712.jpg

XK nhóm hàng linh kiện điện tử vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt giữa mùa dịch

Như vậy, tính từ đầu năm đến giữa tháng 3, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt hơn 2 tỷ USD. Đây là con số đáng khích lệ khi mà XK của rất nhiều ngành hàng gặp vận đen từ các thị trường XK trước dịch Covid-19.

Chẳng hạn như với thị trường Mỹ, XK gỗ và sản phẩm gỗ trong 2 tháng qua ước đạt 781,5 triệu USD, tăng 22,7% so cùng kỳ năm 2019. Đà tăng trưởng này gợi nhớ lại dự báo trước đó của ông Điền Quang Hiệp, Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), đó là tăng trưởng XK đồ gỗ nội thất vào Mỹ trong năm 2020 có thể sẽ tăng khoảng 30%.

Trong khi đó, nếu so sánh nhóm hàng này với một số quốc gia lân cận thì thấy rằng họ đang gặp không ít khó khăn. Do tác động của dịch Covid-19 nên ngành gỗ cao su Thái Lan được cho là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất vì XK sang Trung Quốc bị trì hoãn.

Hoặc như Trung Quốc, các nhà sản xuất và XK sản phẩm gỗ nước này đang đối mặt với thuế nhập khẩu tăng thêm khi vào thị trường Mỹ sau khi thua kiện chống bán phá giá từ các đối thủ cạnh tranh ở Mỹ, dù cho hai nước đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào tháng 1/2020.

Tuy XK sản phẩm gỗ của Việt Nam đang là điểm sáng nhưng giới chuyên gia lưu ý vẫn cần hết sức thận trọng nhằm tránh nguy cơ mất thị trường vì dịch Covid-19 có thể làm cho gián đoạn cung ứng nguyên liệu gỗ, sản xuất bị đình trệ và làm chậm trễ trong việc XK các đơn hàng.

Một điểm sáng XK khác không thể không kể đến là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện, tính đến giữa tháng 3/2020, số liệu sơ bộ cho thấy đã đạt kim ngạch hơn 10,2 tỷ USD. Riêng 2 tháng đầu năm nay, mức tăng trưởng XK của nhóm hàng này tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngoài ra, một số nhóm ngành có mức kim ngạch khá tốt tính từ đầu năm đến ngày 15/3, như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 6,96 tỷ USD); hàng dệt, may (5,88 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (3,93 tỷ USD); giày dép (3,42 tỷ USD); hàng thuỷ sản (1,26 tỷ USD)…

Nỗ lực giữ đà tăng trưởng

Xét về mặt thị trường XK, tính đến thời điểm này, dù có tác động từ dịch Covid-19 thì Mỹ vẫn là thị trường có mức tăng trưởng tốt của một số nhóm hàng từ Việt Nam, như nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện, dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện…

Điều này được thể hiện qua tổng trị giá XK sang Mỹ trong 2 tháng đầu năm đạt 10,26 tỷ USD, chiếm đến 26,3% tổng kim ngạch XK của cả nước, tăng 25,7%, tương đương tăng thêm gần 2,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngay cả với thị trường Trung Quốc, dù XK hàng hoá của Việt Nam sang nước này liên tục bị trì hoãn do rủi ro dịch bệnh thì một số nhóm hàng chủ lực vẫn giữ được đà tăng trưởng.

Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), kim ngạch XK của Việt Nam sang Trung Quốc trong 2 tháng đạt 5,5 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2019. 

Một số nhóm hàng XK ghi nhận tăng trưởng tốt: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 1,4 tỷ USD, tăng 36%); điện thoại các loại và linh kiện (1,2 tỷ USD, tăng 278,3%).

Hay như thị trường Nhật Bản, theo Thương vụ Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch XK hàng hóa sang nước này đạt 3,1 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 8% trong tổng kim ngạch XK của Việt Nam.

Từ một số điểm sáng như vậy, có thể tin rằng hoạt động XK của Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực để sớm thoát khỏi cơn bĩ cực giữa mùa dịch bệnh. Điều này rất cần sự thay đổi tích cực từ các nhà sản xuất và XK. 

Như chia sẻ của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, khi đi thăm một số DN lớn ở Tp.HCM như Nhựa Duy Tân, Bút bi Thiên Long, Bóng đèn Điện Quang... được xem là điểm sáng giữa mùa dịch, thấy rằng họ có rất nhiều cái mới, sáng tạo và ứng biến hay.

Theo bà Hạnh: “Các DN nên chủ động tới những DN như vậy để tìm cho ra những điểm sáng tạo của họ nhằm học hỏi. Đó là một cách để tự cứu mình, lùi lại và nghĩ sâu hơn và phải biết làm như thế nào giữa mùa dịch này”.

Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, với dịch Covid-19 thì trong “nguy” luôn có “cơ”, để thoát khỏi cơn bĩ cực đòi hỏi các DN XK thay đổi, tái cơ cấu sản xuất, tìm thêm thị trường, tìm thêm đối tác mới, tránh “bỏ trứng cùng một giỏ”.   

Thế Vinh