Dịch chuyển vốn ngoại hậu Covid: Làm gì để đón 'đại bàng' chứ không phải 'chim sẻ'?

00:00 12/10/2020

Trước cơ hội từ làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài hậu Covid-19, việc đón “đại bàng” hay “chim sẻ”, thời gian sẽ sớm trả lời. Chỉ cần có sự chuẩn bị đầy đủ, Việt Nam chắc chắn sẽ thu "quả ngọt".

Những nhận định mới đây từ các chuyên gia, tổ chức nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước đều cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ sẵn sàng bật dậy sau dịch Covid-19 và nắm bắt được các cơ hội đón nhận làn sóng dịch chuyển dòng vốn ngoại. 

Ứng cử viên thích hợp

Theo đánh giá của nhà kinh tế Edward Teather của UBS Research: Nền kinh tế Việt Nam chịu một số tổn thương do tác động của dịch Covid-19, nhưng vẫn có triển vọng sáng nhất khu vực châu Á. 

HINH-2863-1594978156.jpg

Đang có làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam của các “ông lớn” công nghệ

“Doanh số bán lẻ, nhập khẩu và sản xuất công nghiệp của Việt Nam đều tăng trong tháng 6/2020 so với cùng kỳ năm trước. Rõ ràng là tình hình Việt Nam tốt hơn hầu hết nền kinh tế châu Á khác”, ông Edward nói.

Còn theo ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam: “Không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam đã chuyển mình từ đất nước “kém minh bạch” sang “bán minh bạch” trong Bảng xếp hạng Chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu mới nhất của chúng tôi". 

Trong 10 năm qua, Việt Nam đã từng bước trở thành điểm đến hàng đầu cho ngành công nghiệp sản xuất tại Đông Nam Á và thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài đáng kể. Tuy vậy, ông Stephen Wyatt cho rằng, Việt Nam sẽ cần tiếp tục cải thiện tăng thứ hạng nếu muốn thu hút thêm nguồn vốn ngoại.

Nhiều ý kiến đánh giá Việt Nam hiện đang ở vị trí thuận lợi để tái khẳng định vai trò là đối tác tạo ra giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Những việc cần xem xét bao gồm đào tạo lực lượng lao động bán lành nghề, hỗ trợ hình thành các cụm sản xuất, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và buộc tuân thủ các tiêu chuẩn quản trị chặt chẽ hơn.

Việt Nam được cho là ứng cử viên thích hợp giúp các nhà đầu tư giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Việt Nam nổi tiếng có lực lượng lao động bán lành nghề dồi dào, thiết lập được nhiều quan hệ và hiệp định thương mại, có nền kinh tế nhanh nhẹn và linh hoạt có thể đáp ứng nhanh với tốc độ đổi mới sản phẩm chóng mặt như hiện nay. 

Theo Ts. Burkhard Schrage, Chủ nhiệm bộ môn Quản trị thuộc Khoa Kinh doanh và Quản trị tại Đại học RMIT Việt Nam, chắc chắn có một số lý do khách quan để nghĩ rằng Việt Nam sẽ hút nhiều công ty sản xuất từ Trung Quốc. 

Đó là, chi phí nhân công sản xuất khoảng 3 USD/giờ, chưa bằng một nửa Trung Quốc (6,5 USD/giờ). Việt Nam còn có nhiều hiệp định thương mại tự do và trình độ học vấn nhìn chung là tốt...

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong sản xuất khi muốn vượt qua Trung Quốc. Một trong số đó là lực lượng lao động của Trung Quốc nhiều hơn 14 lần so với Việt Nam.

Chung tay “xây tổ”

Lấy lĩnh vực công nghệ làm một trong những dẫn chứng cho việc thu hút dòng vốn ngoại hậu Covid-19, ông Nguyễn Hữu Bình, Tổng giám đốc TopDev - công ty chuyên về nghiên cứu thị trường và nhân lực trong ngành công nghệ, cho rằng lĩnh vực này ở Việt Nam đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của của các tập đoàn công nghệ nước ngoài như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và châu Âu.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp (DN) cần cùng nhau chung tay để “xây tổ” - cải tiến và thúc đẩy công nghệ để sẵn sàng cho những cuộc chuyển mình lớn trong tương lai. Đón “đại bàng” hay “chim sẻ”, thời gian sẽ sớm trả lời, chỉ cần có sự chuẩn bị đầy đủ, Việt Nam chắc chắn sẽ thu "quả ngọt".

Như đánh giá mới đây của TopDev, làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam là có thật. Đơn cử như những động thái mở nhà máy và trung tâm nghiên cứu, tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam của những "ông lớn" công nghệ như HCL, Samsung, Apple, Qualcomm hay Panasonic...

Tuy nhiên, để đón được “đại bàng” và tận dụng làn sóng dịch chuyển dòng vốn ngoại trong lĩnh vực công nghệ hậu Covid-19 thì câu chuyện cơ sở hạ tầng tại Việt Nam đã sẵn sàng hay chưa?

Theo một chuyên gia kinh tế, có 2 vấn đề “nút thắt cổ chai” cần được tối ưu hóa.

Thứ nhất, các khu công nghệ ở Việt Nam chưa được khai thác đúng mức trên vốn đầu tư, còn có nhiều cơ sở bỏ hoang. Các công nghệ phụ trợ chỉ mới phù hợp chào đón các hãng vừa tầm và nhỏ.

Thứ hai, khả năng chuyên môn còn chưa vững, còn thiếu về cả chất và lượng. Giải pháp sâu xa không chỉ về mặt nâng cao tay nghề, mà còn về mặt tư duy của lao động Việt, thay đổi tư duy để đóng góp vào sự phát triển của các nhà đầu tư.

Và để giải quyết được các vấn đề đã nêu cần sự phối hợp giữa Chính phủ và DN. Về phía các chính sách, Chính phủ nên bắt đầu với chương trình hợp tác công - tư (PPP) để tối ưu ngân sách quốc gia, sau đó là hỗ trợ các DN vừa và nhỏ bằng những biện pháp miễn giảm các loại thuế phí, hay ổn định giá điện nước đầu vào của DN, hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn hậu Covid-19.

TS. Burkhard lưu ý là dù trước đây Việt Nam đi chào mời các nhà đầu tư nước ngoài, việc các công ty sản xuất cần lượng lớn nhân công hiện đang tìm kiếm địa điểm có cấu trúc chi phí cạnh tranh hơn thực ra lại là một mối nguy. 

“Với việc các nhà máy tự động hóa ngày càng trở nên hấp dẫn thì chi phí lao động không còn là yếu tố đáng kể, mà chính địa điểm và khả năng huy động lao động có tay nghề mới đóng vai trò lớn trong quy trình đưa ra quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Burkhard nói.

 Thế Vinh