"Địa chỉ Đỏ"...

00:00 12/10/2020

Tọa lạc trên một đỉnh đồi cao nằm ở dốc Kho Tàu, thuộc xã Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, Nhà bia tưởng niệm 50 liệt sỹ - nhà địa chất trên các cương vị và nhiệm vụ khác nhau đã anh dũng hy sinh trong công cuộc tìm kiếm quặng và bảo vệ Vùng mỏ đồng biên giới Sin Quyền (1960 - 1980) thực sự là một “địa chỉ Đỏ” hun đúc truyền thống cho những người con Khoáng sản. Tháng 7 - mùa tri ân này, đến nơi đây, kính cẩn nghiêng mình thắp nén hương thơm tưởng nhớ, bỗng ùa về trong chúng tôi những cảm xúc thật lạ - đó là niềm tự hào, lòng biết ơn - bởi chắc chắn giá trị của cuộc sống hôm nay được bắt đầu từ quá khứ và sự hy sinh quên mình của các anh...

                            Nhà bia tưởng niệm

Không bao giờ lãng quên

Dường như ký ức về những năm tháng ông cùng đồng đội sống, làm việc và chiến đấu, cống hiến tuổi xuân của mình cho sự nghiệp tìm kiếm thăm dò mỏ đồng nơi biên cương của Tổ quốc được ông cất giữ trân trọng ở một góc đặc biệt nơi trái tim mình nên mỗi khi nhắc đến, ông Nguyễn Văn Tuyến (hiện đang là Phó Chủ tịch hội Địa chất tỉnh Lào Cai - thuộc Chi hội Địa chất Tây Bắc) như lắng lại.  Giọng ông trầm xuống. Ông xúc động, bồi hồi kể cho chúng tôi về những dấu ấn mà với ông sẽ không bao giờ lãng quên.

Mỏ đồng Sin Quyền được Đội 5 - Đoàn Địa chất 135 phát hiện trong hành trình khảo sát địa chất dọc bờ suối Ngòi Phát nằm giữa ranh giới hai xã Cốc Mỳ và Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Chính vì lẽ đó, năm 1961, Đoàn Địa chất 5 thuộc Liên đoàn Địa chất số 3 được Cục Địa chất Việt Nam - Bộ Công nghiệp giao nhiệm vụ tìm kiếm thăm dò quặng đồng Sin Quyền. Thời kỳ cao điểm (năm 1965 - 1970), Đoàn Địa chất 5 có hàng ngàn cán bộ công nhân viên, được Tổng Cục Địa chất đầu tư các loại thiết bị hiện đại lúc bấy giờ để thi công Đề án. Từ việc phát hiện vết lộ quặng đồng nho nhỏ bên suối Ngòi Phát thuộc bản Sin Quyền, đã xác lập được Vùng mỏ đồng Sin Quyền có quy mô trữ lượng 600 ngàn tấn kim loại và khoảng 34 tấn vàng kèm theo - đây là mỏ đồng có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của những người thợ địa chất - tiên phong khai phá tìm kiếm nhiều hơn nữa nguồn tài nguyên cho đất nước mà trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ Vùng mỏ thân yêu, các chiến sỹ tự vệ Đoàn Địa chất 5 đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh anh dũng. Các anh được công nhận là liệt sỹ, trong đó Kỹ sư địa chất Nguyễn Bá Lại được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Kể đến đây, giọng nói của ông như nghẹn lại, miên man suy nghĩ như chất chứa bao nỗi niềm tâm tư với đồng đội - đồng nghiệp. Ông chia sẻ tiếp, từ năm 1967 đến trước tháng 9 năm 1978, ông là Đại đội trưởng chuyên trách tự vệ, còn các tổ sản xuất là các tiểu đội, ngày đó thời gian chiến đấu là chủ yếu. Đoàn Địa chất 5 (đoàn 305 cũ) của ông được biên chế thành tiểu đoàn, có ba đại đội là Đại đội Ná Lùng, Đại đội Nậm Mít và Đại đội khu hành chính và kỹ thuật. Trong cuộc chiến tranh biên giới này, vì là Đại đội nằm ở bản Sin Quyền - chính là “điểm nóng” nhất của cuộc chiến tranh nằm ngay bên bờ sông Hồng nên Đại đội khu hành chính và kỹ thuật có nhiều đồng chí hy sinh nhất.

Tháng 9 năm 1978, ông lên đường đi bộ đội. Khi chiến tranh lùi xa, ông được chuyển về công tác tại địa phương huyện Bát Xát. Điều ông luôn đau đáu, khắc khoải là không được chứng kiến đồng đội của mình đã anh dũng chiến đấu, góp phần đánh lui nhiều đợt phản kích của địch từ bên kia biên giới tràn sang ngày 17/2/1979; đặc biệt kỹ sư - liệt sỹ - Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Bá Lại đã mưu trí dùng thân mình che quả lựu đạn của giặc ném vào phía đội hình của ta bảo vệ kịp thời 6 đồng đội, góp phần bảo đảm an toàn đường rút lui về phía sau cho 300 người dân địa phương, gia đình công nhân địa chất, trong đó có nhiều cụ già, em nhỏ và toàn bộ tài liệu thăm dò, khảo sát địa chất Mỏ đồng Sin Quyền.

Hướng đôi mắt xa xăm, ông bảo, quả thực cuộc sống với ông như định mệnh, định mệnh khiến ông “phải sống” để đau lòng chứng kiến nhiều đồng đội đã anh dũng hy sinh cho Vùng mỏ. Nhưng từ sâu thẳm ông thực sự hãnh diện bởi những đồng đội của ông đã sống và chiến đấu tới hơi thở cuối cùng, dẫu luôn biết trước rằng, trong khúc ca khải hoàn của ngày mai chiến thắng sẽ chẳng có mình. Sau này, cũng chính tại nơi các đồng đội của ông yên nghỉ, Công ty Mỏ tuyển đồng Sin Quyền đã dựng Nhà bia tưởng niệm - trân trọng lưu danh các liệt sỹ sống mãi trong lòng những người con Khoáng sản và ngành Địa chất Việt Nam.

Giờ đây, cuộc sống trên vùng biên giới này đã yên bình trở lại, tất cả đã đổi thay, từ diện mạo đến kinh tế - xã hội ở địa phương ngày càng phát triển không ngừng. Dẫu vậy, những hình ảnh quá khứ, những hoài niệm vẫn luôn hiển hiện vẹn nguyên trong tâm trí ông. Hội Địa chất ở Lào Cai do ông làm Phó Chủ tịch hiện nay có 18 người, trong đó chỉ có 3 người được hưởng chế độ hưu trí, còn lại đều nghỉ theo chế độ một lần, cuộc sống hết sức khó khăn. Để duy trì hoạt động của Hội, ông và mọi người đều tích cực đi vận động quyên góp thiện nguyện của các cơ quan đoàn thể, cá nhân ông cũng tự nguyện đóng góp thêm một phần kinh phí. Ông xác định đây cũng là một việc làm nhân văn, để vào ngày Giỗ hàng năm của đồng đội mình, mọi người được tề tựu đông đủ và thắp nén hương thơm tri ân.

Lãnh đạo và Đoàn thanh niên TCT Khoáng sản viếng Nhà bia tưởng niệm

Nơi "tình yêu ở lại" - lòng biết ơn ghi dấu

Tháng 7 năm nào cũng vậy, ở Nhà bia tưởng niệm này như ấm áp hơn khi đón những cuộc "trở về" rưng rưng, ăm ắp cảm xúc của các thế hệ trẻ huyện biên giới Bát Xát, những người con Khoáng sản từ khắp mọi miền đất nước... tới thăm viếng, dâng hương. Hương và hoa hòa quyện, lan tỏa trong chốn linh thiêng như nghĩa cử tri ân thành tâm nhất gửi đến các liệt sỹ.

Từ dưới sân chờ ngước nhìn lên phía xa xa, Nhà bia tưởng niệm nằm thấp thoáng bên những tán cây đa, cây si xanh mướt, đứng uy nghiêm trường tồn với thời gian, như thách thức nắng mưa khí hậu khắc nghiệt trên vùng biên ải này. Từng bước, từng bước "chinh phục" 167 bậc đá dốc đứng để lên đến Nhà bia tưởng niệm, chúng ta như thấm thía và hiểu hơn ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trước biết bao biến cố lịch sử mà lớp lớp thế hệ cha anh sẵn sàng hy sinh vì độc lập chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, vì Mỏ đồng thân yêu.

Mỗi khi được hòa mình vào đoàn người viếng thăm các liệt sỹ - cho dù là đoàn cán bộ lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn TKV, của Tổng Công ty Khoáng sản   hay đoàn đại biểu đại diện cho địa phương và Lãnh đạo ngành Công thương tỉnh Lào Cai, ta đều cảm nhận được không khí trang nghiêm, kính cẩn, dâng lên niềm tự hào và bồi hồi xúc động trong lòng mỗi người. Được chứng kiến những thế hệ hậu bối thành kính thắp nén hương thơm tri ân và báo công tại Nhà bia tưởng niệm 50 liệt sỹ, chúng ta như lắng nhịp tim mình, thêm cảm nhận những tình cảm yêu thương chân thành của những người con Khoáng sảnđược vun đắp từ bao thế hệ, từ những truyền thống tốt đẹp. Và với mỗi cán bộ công nhân viên Mỏ tuyển đồng Sin Quyền - đơn vị đóng quân trên địa bàn hai xã Bản Vược và Cốc Mỳ (huyện Bát Xát) lại càng tự hào, không bao giờ lãng quên và ý thức hơn bao giờ hết, những "trái ngọt" hôm nay được đơm hoa kết trái từ thành quả của chính các anh -  những liệt sỹ đã không tiếc máu xương cống hiến cho Vùng mỏ đồng Sin Quyền, cho chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, cũng để thiết thực tri ân, thời gian tới đây, UBND tỉnh Lào Cai sẽ chọn một con đường ở thành phố Lào Cai mang tên liệt sỹ - Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Bá Lại.

Xin mượn lời tri ân của đồng chí Lê Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai - cũng là một Kỹ sư địa chất, nguyên Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lào Cai để thay cho lời kết bài viết này: “Ngày 17/2/1979 - ngày Giỗcủa các liệt sỹ địa chất đã hy sinh vì sự nghiệp tìm kiếm, thăm dò khoáng sản vùng biên giới Việt - Trung và chiến đấu bảo vệ Vùng mỏ đồng Sin Quyền sẽ mãi mãi được những người con Khoáng sản nói riêng và thế hệ CBCNV - LĐ ngành Công thương tỉnh Lào Cai nói chung ghi lòng tạc dạ. Cuộc sống vốn vận động và đổi thay từng ngày, nhiều thứ có thể mất đi nhưng chắc chắn "địa chỉ Đỏ" này sẽ là nơi "tình yêu ở lại", lòng biết ơn ghi dấu bởi chính sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ đã hun đúc thêm lòng yêu nước nồng nàn và niềm tự hào cho lớp lớp các thế hệ nối tiếp".

Thật vậy, các anh sẽ mãi là những "nốt trầm xao xuyến" trong bản hoà ca chung của đất nước và góp những "mùa xuân nho nhỏ" để làm thành mùa xuân lớn của đất nước Việt Nam - một dân tộc anh hùng! Và, tháng 7 luôn "ở lại" trong lòng mỗi người khi sự linh thiêng, tri ân được kết nối và lan toả - như là tình cảm, trách nhiệm và lẽ sống của mỗi chúng ta hôm nay và mai sau./.

Theo THIÊN HÀ/website Tổng Công ty Kháng sản -Vinacomin