Đi lò khe Chàm cùng chuyên gia Nhật

00:00 12/10/2020

(DNHN): Hôm 15 tháng 7, chúng tôi xuống Công ty than Khe Chàm để phản ánh kết quả bước đầu áp dụng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ (CGHĐB) của Công ty. Đây là giàn CGHĐB thế hệ thứ 3 của Than Khe Chàm mới lắp đặt tại lò chợ ở mức âm 100 thuộc Khe Chàm III. CGHĐB có thể hiểu nôm na là các công đoạn khai thác than ở lò chợ, từ khâu phá than đến việc bốc xúc, vận tải than hoàn toàn bằng máy; việc chống giữ  lò chợ bằng giàn thủy lực. Cùng đi lò với chúng tôi hôm đó có anh OGAWA, là kỹ sư khai thác mỏ, người Nhật. Trước khi xuống lò, anh Vũ Quang Tuyến, Phó giám đốc Công ty than Khe Chàm hỏi tôi, "Nom bác nặng nề thế này, đi bộ có ngại không?”. Tôi quả quyết. Không sao! Tôi đã nhiều lần xuống lò Khe Chàm rồi. Anh Tuyến bảo, vâng, vâng, tôi biết rồi. Chính tôi đã có lần đưa bác đi lò. Thật vậy, tôi đã từng xuống âm 50 Mỏ Khe Chàm, tận thấy hình ảnh máy khấu than đưa lưỡi cắt vào vỉa than nục nạc, xoắn, than rơi rào rào xuống máng cào rồi theo hệ thống băng tải chảy cuồn cuộn của máy khấu MG200-W1 thế hệ thứ nhất, lần đầu tiên áp dụng ở Ngành Than. Tôi cũng đã từng chứng kiến nỗi vất vả của thợ lò Khe Chàm khi chuyển diện, tức là chuyển giàn CGHĐB thế hệ thứ 2 tới vị trí sản xuất mới ở mức âm 160. Hai thế hệ CGHĐB của Than Khe Chàm mang lại hiệu quả cao, đến nay vẫn hoạt động. Tuy nhiên, cả hai thế hệ trên đều bộc lộ nhược điểm nên Than Khe Chàm quyết định đầu tư dàn CGHĐB thế hệ thứ ba, hiện đại hơn, công suất cao hơn và nhiều tính năng ưu việt hơn. OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Kỹ sư OGaWa (thứ 3 từ phải sang) với lãnh đạo Than Khe Chàm và phóng viên tại lò chợ CGHĐB thuộc Khe Chàm III - Ảnh chụp bằng máy ảnh phòng nổ. Để tới được lò chợ CGHĐB này, chúng tôi theo giếng gió (lò giếng nghiêng thông gió cho toàn mỏ), đi xe song loan chừng 1,5 km, sau đó đi bộ chừng 2 km nữa. Anh OGAWA đi sau tôi. Trên mình anh lủng củng nào máy đo khí, máy đo gió, bình tự cứu... Tôi bám theo hông lò giếng hun hút, bước thập thững, đầu gối rung bần bật. Thi thoảng ngoái lại, tôi  thấy anh OGAWA cùng người phiên dịch dần mất hút. Tôi nghĩ, có lẽ anh OGAWA mệt quá, đi một đoạn phải nghỉ nên bảo anh Tuyến, chờ. Anh Tuyến bảo, bác yên tâm. Ông kỹ sư người Nhật này đi lò kiểm tra, phát hiện những vấn đề về kỹ thuật, an toàn để góp ý với Tập đoàn nên ông ấy dò dẫm, soi xét, ghi chép cẩn thận lắm. Khi tập kết ở lò chợ, tôi hỏi anh OGaWa về công nghệ này có khác với công nghệ ở bên Nhật? (thiết bị và công nghệ lò chợ CGHĐB ở đây nhập từ Trung Quốc). Anh OGaWa trả lời rằng, bên Nhật và một số nước trên thế giới đều áp dụng công nghệ này, năng suất cao và rất an toàn. Khi lên mặt đất, chúng tôi không đi bằng xe song loan mà leo bộ. Mặc dù có tời trợ lực nhưng lò dốc, leo rất mệt. Quần áo tôi ướt sũng vì mồ hôi, miệng khô khốc vì khát. Thật may, cạnh nhà ăn Công ty có dây chuyền chế biến nước đậu. Chị phục vụ đon đả rót nước mời chúng tôi. Đang khát, tôi tu một mạch hết cả ca nước đậu, mát tận gan ruột. Tôi hỏi chị phục vụ, nước đậu này chỉ dành cho khách hay là?... Chị niềm nở, nước đậu dành cho cho thợ lò, miễn phí, các bác cứ dùng, đủ thì thôi. Ngoái sang, thấy anh OGaWa cũng uống nước đậu với vẻ khoan khoái, bèn hỏi, bên Nhật khi đi lò lên có nước giải khát phục vụ không? Anh OGaWa bảo, có, nhưng ai cần uống thì mua, không miễn phí, uống thả cửa như ở đây. Lại hỏi, việc ăn uống của thợ lò bên Nhật ra sao? Anh OGaWa bảo, thợ lò phải mang cơm ở nhà đi; không được phục vụ chu đáo như ở đây. Việc giặt quần áo cũng vậy. Tan ca, thợ lò phải trả tiền cho người giặt; nếu không muốn mất tiền thì mang về nhà, tự giặt. Đang đói, mùi xào nấu từ nhà ăn tỏa ra thơm lừng khiến tôi ứa nước miếng. Tôi nhìn vào nhà ăn. Bàn ghế sáng choang. Xoong nồi, bát đĩa cũng sáng choang. Các chị cấp dưỡng đang chuẩn bị bữa trưa cho công nhân. Rất nhiều món ăn được bày ra nghi ngút tỏa hơn, nom thật hấp dẫn. Tôi đã biết, đây là nhà ăn tự chọn với thiết bị, phương tiện hiện đại; cung cách phục vụ văn minh. Tôi đã biết, không riêng gì Than Khe Chàm mà hầu hết các công ty than hầm lò đều có nhà ăn tự chọn với chất lượng phục vụ cao như khách sạn hạng sang. Tôi đã biết, các công ty đều có nhà ở khang trang; có nhà giặt sấy quần áo cho thợ lò…Và tôi tự hỏi, chẳng lẽ thợ lò của ta được phục vụ chu đáo hơn thợ lò bên Nhật? Để kiểm chứng thông tin, tôi hỏi anh Vũ Quang Tuyền – người đã được đào tạo công nghệ hầm lò bên Nhật. Anh Tuyến khẳng định, đúng là như vậy! Bên Nhật, thợ lò phải tự túc ăn uống và mất phí cho các dịch vụ; không “free” (miễn phí) như thợ lò ở ta. Là người từng làm thợ lò và làm báo lâu năm trong ngành Than, tôi đã biết, chế độ phục vụ của Tập đoàn với thợ lò những năm gần đây so với trước là bước tiến rất dài. Bây giờ, tôi biết thêm, chế độ dành cho thợ lò của ta còn ưu việt hơn cả Nhật Bản và nhiều nước châu Âu. Mong sao, năng suất lao động và tiền lương thợ lò của ta mau chóng đuổi kịp với thợ lò nước bạn. Cao Minh