Đề xuất tăng mức đóng bảo hiểm y tế

00:00 12/10/2020

Tại dự thảo Luật bảo hiểm y tế có đề xuất tăng mức đóng bảo hiểm y tế. Cụ thể, mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng, tối đa lên mức 6% lương cơ cơ sở, thay vì mức 4,5% như hiện tại, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt kết quả nổi bật.

Từ 71,3% năm 2014 tăng lên qua các năm và hiện đạt 89,8%. Năm 2015, có khoảng 130 triệu lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; con số của năm 2018 là trên 176 triệu lượt.

Công tác giám định bảo hiểm y tế từng bước được ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa.

Năm 2018, hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế đã tiếp nhận và giám định trên 176 triệu hồ sơ điện tử; kết nối với 12.132 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; tỷ lệ liên thông dữ liệu toàn quốc đạt 95,12%; phần mềm giám định đảm bảo thực hiện trên 10 nghiệp vụ, tích hợp trên 200 quy tắc phát hiện trùng lặp, sai mức hưởng, sai danh mục, sai về giá…

Mặc dù vậy, quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế trong giai đoạn vừa qua cũng còn tồn tại một số hạn chế nhất định trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật; còn khoảng 10% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế dù theo quy định của Luật là bắt buộc.

Bên cạnh đó, chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là ở các tuyến cơ sở, tình trạng quá tải ở một số bệnh viện còn xảy ra; tình trạng trục lợi bảo hiểm xã hội ngày càng phức tạp, xuất phát từ cả phía người dân (cố tình đi khám bệnh nhiều lần) và các cơ sở y tế chỉ định dịch vụ kỹ thuật quá mức cần thiết.

Một số quy định của Luật cũng đòi hỏi phải có sự điều chỉnh do quá khó thực hiện trong thực tiễn, như quy định về gói dịch vụ y tế cơ bản, phương thức toán, thực hiện bảo hiểm y tế hộ gia đình…

 Điều chỉnh quyền lợi bảo hiểm y tế theo hướng công bằng, hiệu quả

Đáng chú ý, tại dự thảo Luật bảo hiểm y tế có đề xuất tăng mức đóng bảo hiểm y tế. Cụ thể, mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng, tối đa lên mức 6% lương cơ cơ sở, thay vì mức 4,5% như hiện tại, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3.

Dự thảo luật cũng yêu cầu tất cả thành viên thuộc hộ gia đình phải tham gia cùng một thời điểm (thay vì có thể tham gia từng cá nhân như hiện nay). Tuy nhiên, mức đóng của thành viên thứ hai trong gia đình sẽ bằng 80% của người thứ nhất, thay vì mức 70% như hiện nay.

Như vậy, cùng với các đợt tăng lương cơ sở đều đặn, mức đóng bảo hiểm y tế trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng. Hiện tại, lương cơ sở đang là 1.490.000 đồng, với mức đóng 4,5%, tương đương mức đóng bảo hiểm y tế là 804.000 đồng/năm, nếu tăng lên 6%, mức đóng sẽ lên gần 1.100.000 đồng.

Theo giải thích của Vụ Bảo hiểm y tế, việc giảm mức hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho các thành viên hộ gia đình là để ngang bằng với mức hỗ trợ 30% của học sinh, sinh viên hiện nay.

Theo quy định hiện hành, mức đóng bảo hiểm y tế trong giai đoạn hiện nay được Chính phủ quy định bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Liên quan đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, dự thảo cũng đưa ra nội dung, khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến chỉ được thanh toán 95% chi phí thay vì 100% như hiện hành.