Đề xuất 'mất bằng lái phải thi lại': Không thể tùy tiện

00:00 12/10/2020

“Muốn quản lý bằng đó có bị thu hồi do vi phạm pháp luật giao thông, có bị mất thật hay không thì các phần mềm, các phương pháp quản lý nhà nước hoàn toàn có thể làm được, chứ không phải vì anh không quản lý được nên bắt người dân thi lại Việc đó hoàn toàn vô lý, không có cơ sở, không đạo lý”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nêu quan điểm."

Viện trưởng Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp

Là người trực tiếp tham gia phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp, cá nhân ông thấy sao về đề xuất “ai mất bằng lái phải thi lại toàn bộ” mà Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã nêu ra tại phiên giải trình này?

Tại phiên giải trình hôm đó, tôi có nói đến một trong những nguyên nhân rất quan trọng là tại sao dân mình khi ra nước ngoài chấp hành nghiêm, mà ở trong nước lại không nghiêm? Lý do bởi vì việc thực thi nhiệm vụ không nghiêm, việc phát hiện và xử lý không nghiêm nên mới xảy ra như thế.

Còn về chính sách, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nói như vậy là không có cơ sở. Bất kỳ quy phạm pháp luật nào cũng phải dựa trên cơ sở, căn cứ thực tiễn và nó phải có đạo lý chứ không phải anh là cơ quan quản lý nhà nước anh muốn ban hành cái gì cũng được. Mỗi chính sách khi được ban hành phải dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học.

Trong cuộc sống có nhiều trường hợp bất khả kháng, không mong muốn xảy ra. Chẳng hạn như khi đi chợ bị kẻ cắp rút mất ví, hay đi đường không may bị mất. Trong trường hợp đó bắt người ta phải thi lại làm sao được. Điều này không có cơ sở.

Nhiều người cho rằng, đề xuất như vậy là quản lý yếu kém rồi lại đổ khó cho người dân?

Cần phân biệt giữa việc vi phạm pháp luật và quản lý bằng lái xe hoàn toàn là hai việc khác nhau. Hai cơ quan chịu trách nhiệm chính trong bảo đảm an toàn giao thông mà cho tới nay chưa kết nối được phần mềm với nhau. Điều này rất lạ. Tại sao Bộ GTVT và Bộ Công an lại không kết nối được trang phần mềm quản lý về trật tự an toàn giao thông để phục vụ công tác quản lý và bảo đảm trật tự an toàn giao thông? Đó là bất cập trong quản lý nhà nước. Hơn nữa, tất cả bằng cấp đều có lưu trữ hồ sơ cơ mà.

Muốn quản lý bằng đó có bị thu hồi do vi phạm pháp luật giao thông, có bị mất thật hay không thì các phần mềm, các phương pháp quản lý nhà nước hoàn toàn có thể làm được, chứ không phải vì anh không quản lý được nên bắt người dân thi lại. Việc đó hoàn toàn vô lý, không có cơ sở, không đạo lý.

Không phải cứ không quản lý được thì cấm, quản lý không được lại bắt người ta thi lại. Nguyên tắc của nhà nước pháp quyền là, nhà nước không quản lý được thì trách nhiệm thuộc về nhà nước và không bao giờ được đổ phần khó lại cho người dân. Tôi hoàn toàn không đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng.

Để việc quản lý hiệu quả hơn, theo ông hai bộ này có nên ngồi lại với nhau để tìm được tiếng nói chung?

Cả hai bộ đều liên quan tới trật tự an toàn giao thông thì phải kết nối được với nhau. Nếu hai bộ không xử lý được thì Thủ tướng, Chính phủ phải đứng ra giải quyết. Cái đó là phân cấp quản lý nhà nước chứ không thể chia cắt, cát cứ như thế được. Nếu không có sự phối hợp, liên kết thì hiệu quả quản lý nhà nước không cao, mặt khác khi xảy ra khó khăn lại có thể đổ phần khó khăn về cho người dân.

Cảm ơn ông!

“Tất cả những gì liên quan đến hạn chế quyền của công dân thì phải do luật định, Bộ hay Chính phủ không thể ban hành được. Điều 14 Hiến pháp quy định, chỉ có luật mới hạn chế được quyền công dân trong 4 trường hợp, nên không thể tùy tiện được”.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền

THÀNH NAM