Đề xuất có trường đào tạo về quản lý doanh nghiệp nhà nước

00:00 12/10/2020

Tăng cường tính tự chủ, để DN hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy thước đo là hiệu quả kinh doanh; đặt mục tiêu, nhiệm vụ đủ cao; có trường đào tạo về quản lý vốn nhà nước… là những đề xuất được nêu tại Hội nghị về đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN vừa diễn ra.

Các đại biểu tham dự Hội nghị về đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN, diễn ra ngày 21/11. Ảnh: T.N

Đánh giá DNNN theo hiệu quả tổng thể 

Tại hội nghị, các đại biểu đến từ bộ, ban, ngành, các tập đoàn, tổng công ty, chuyên gia…  đã phân tích, mổ xẻ từ nhiều góc nhìn khác nhau về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nêu nguyên nhân và từ đó đề xuất các giải pháp, kiến nghị để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN thời gian tới. 

Trong đó, đề xuất về quản lý, đánh giá hoạt động của DNNN, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN (UBQLVNN) Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, cần tiếp cận hoạt động của DN và quản lý của Nhà nước với DN theo mục tiêu cuối cùng là hiệu quả. Đồng thời, các DN phải hoạt động theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về kết quả. Công tác quản lý nhà nước của cơ quan đại diện chủ sở hữu cũng phải theo cơ chế thị trường, chấp nhận sự biến đổi của thị trường, chấp nhận sự điều chỉnh, thích ứng linh hoạt của DN. Nếu DN không thích ứng, điều chỉnh được với sự thay đổi của thị trường thì phải sắp xếp lại, thay đổi người quản lý đúng lúc, phù hợp khả năng. 

Trên cơ sở mục tiêu là hiệu quả, Chủ tịch UBQLVNN cũng đề nghị lấy thước đo bảo toàn và phát triển vốn làm nguyên tắc, kim chỉ nam cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đánh giá công tác quản lý. Theo đó, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ sở hữu cần tôn trọng trách nhiệm này của DN. Các DN cần điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh sao cho phát triển vốn, đánh giá rõ hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao, để đảm bảo tính công bằng khách quan với các DN thuộc thành phần kinh tế khác.  

Tỷ lệ lợi nhuận của DNNN phải cao gấp đôi lãi suất vay

Ủng hộ việc để các DN thực sự hoạt động theo nguyên tắc thị trường, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, trong nhiệm kỳ này đã có nhiều sự thay đổi trong áp dụng nguyên tắc thị trường. Theo đó, không có những chỉ đạo về ưu đãi, vay vốn với DNNN, không còn việc cấp vốn để tái cơ cấu, bù lỗ cho các DN thua lỗ, áp dụng xử lý DN thua lỗ theo nguyên tắc thị trường. 

Tuy nhiên, việc áp dụng nguyên tắc thị trường với DNNN có 3 điểm đáng lưu ý. Đó là chưa tính đúng, tính đủ chi phí với DN, chỉ khi cổ phần hoá mới đánh giá lại DN theo giá thị trường mà lẽ ra phải đánh giá với tất cả DNNN. Từ đó, chúng ta mới biết được hiện tại tài sản DN theo giá thị trường là bao nhiêu, để thấy rõ sức mạnh của DNNN. 

Lưu ý thứ hai là chúng ta đang giao cho những người quản lý và DN những chỉ tiêu thấp, chẳng hạn chỉ tiêu lợi nhuận/vốn chủ sở hữu còn thấp hơn lãi suất đi vay. Cuối cùng, DNNN không được tự chủ trong hoạt động kinh doah, phổ biến là không được tuyển dụng cán bộ, người lao động theo nguyên tắc thị trường. "Nếu ai đó được trả lương 1 tỷ đồng thì người ta nói là rất cao, nhưng vấn đề không phải họ nhận bao nhiêu tiền mà họ làm ra bao nhiêu tiền", TS Nguyễn Đình Cung nói. 

Trong khi đó, về tiêu chí nâng cao quản trị, chúng ta còn cách khá xa so với tiêu chuẩn của OECD. Tuy nhiên, ngay cả nguyên tắc đơn giản là công khai minh bạch thông tin thì các DN cũng chưa thực hiện đúng yêu cầu, dù Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều lần. Theo ông Nguyễn Đình Cung, đây là ý thức trong thực hiện, dường như chưa có áp lực buộc DN hoạt động theo nguyên tắc thị trường. 

Để khắc phục những tồn tại này, Viện trưởng CIEM đề nghị Chính phủ, qua UBQLVNN, giao cho các tập đoàn, tổng công ty những nhiệm vụ, chỉ tiêu đủ cao, "để chỉ những người nỗ lực tối đa mới có thể hoàn thành, chứ không giao những nhiệm vụ mà bất cứ ai cũng có thể hoàn thành". Chẳng hạn, mức lợi nhuận/vốn chủ sở hữu không thể thấp hơn lãi suất, ít nhất phải cao hơn hai lần lãi suất cho vay. Theo đó, phải chọn đầu tư, tập trung vào những DN làm ăn có hiệu quả, có tỷ suất lợi nhuận 20 - 30%, hơn là đầu tư tràn lan, vào bất cứ DN nào. Có như vậy, sau vài năm nữa, chúng ta mới có những tập đoàn kinh tế lớn lọt vào top 500 DN lớn của thế giới. 

Về quản trị, phải tập trung tháo bỏ những ràng buộc với DNNN để họ được tự chủ kinh doanh, để hội đồng quản trị và giám đốc tự quyết định thay vì hành chính hoá các quyết định đầu tư, kinh doanh. Về cổ phần hoá, TS Nguyễn Đình Cung đề nghị, nên tập trung vào chất lượng hơn là số lượng, tiếp tục cơ cấu lại danh mục đầu tư nhà nước, chuyển đổi được từ tài sản kém thành tài sản tốt mà không làm ngược lại, biến tài sản tốt thành không tốt. Như vậy mới củng cố được nền tảng, sức mạnh của khu vực DNNN nói riêng và khu vực DN nói chung. 

Kiên định quan điểm, chính sách về cơ cấu lại DNNN

Chia sẻ thực tế từ 12 năm hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên cho rằng, chưa có khi nào chính sách về tái cấu trúc, đổi mới hoạt động DNNN rõ ràng, đồng bộ như hiện nay, từ chủ trương của Đảng cho đến chính sách, chỉ đạo của Chính phủ. Thủ tướng đã có Quyết định 58 về tiêu chí DN, Quyết định 1232 xác định rõ DN phải tái cấu trúc đến năm 2020, Chính phủ ban hành nhiều chính sách về cổ phần hoá như Nghị định 126, Nghị định 32...

Tuy nhiên, ông Chi cũng kiến nghị với Chính phủ phải kiên định lập trường, chính sách này vì ngay tại hội nghị cũng có ý kiến băn khoăn về việc giữ lại tài sản tốt, mà theo quy định phải thoái vốn. "Nếu không kiên định lập trường, chính sách, chỉ đạo xuyên suốt thì sẽ khó thực hiện, khó đạt tiến độ trước những ý kiến ngược xuôi", ông Nguyễn Đức Chi đề nghị. 

Đồng thời, về đánh giá hiệu quả DN, lãnh đạo SCIC cũng đề nghị thể chế hoá quy định về đánh giá hiệu quả các tổng công ty, tập đoàn theo tổng thể hoạt động kinh doanh, không đánh giá riêng lẻ. Việc xem xét hiệu quả từng dự án hay hoạt động của DNNN chỉ thực hiện khi có những biểu hiện vi phạm pháp luật, lợi ích nhóm hay tham ô, tham nhũng, còn lại phải đánh giá . Theo ông, việc thể chế hoá quy định này sẽ là động lực để các DN mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, dám chịu rủi ro vì hiệu quả DN. 

Liên quan đến hoạt động của SCIC, lãnh đạo DN một lần nữa đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm việc chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước về SCIC. Bởi, mặc dù đã có các nghị định, quyết định, có chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, nhưng đến nay vẫn còn 35 DN chưa chuyển về SCIC theo quy định. Theo Quyết định 1232 của Thủ tướng, có 78 DN nếu năm 2018 không thoái vốn thì phải chuyển về SCIC, nhưng đến nay các cơ quan cũng chưa thực hiện. 

Nên coi quản lý DNNN là một nghề để đào tạo

Nhiều năm kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý DNNN, ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Đảng uỷ Khối DN Trung ương cũng nêu nhiều kiến nghị, giải pháp để nâng cao hiệu quả DNNN. Theo đó, ông đánh giá những vi phạm gây hậu quả lớn cho DN thời gian qua, có lỗi quan trọng của hệ thống kiểm soát nội bộ không hiệu quả, thậm chí tê liệt. Do đó, cần phục hồi lại hoạt động kiểm soát nội bộ để phát hiện kịp thời, xử lý ngay các vấn đề, tránh để đến khi thanh tra, kiểm toán phát hiện thì đã qua thời gian dài, không còn khắc phục được. 

Đồng thời, ông cũng kiến nghị tách bạch rõ ràng giữa nhiệm vụ kinh doanh và dịch vụ công ích để tính đúng tính đủ, đánh giá đúng hiệu quả kinh doanh của DN. Từ đó, giao nhiệm vụ cho DNNN minh bạch, đánh giá DNNN công bằng hơn. 

Một kiến nghị được Bí thư Đảng uỷ Khối DN Trung ương nêu là nên xem lãnh đạo DNNN là một nghề, đã là nghề thì phải học, có kinh nghiệm, bài bản. "Chúng ta không có trường lớp nào dạy quản lý trên 1,5 triệu tỷ đồng vốn nhà nước. Nên có trường đào tạo, xem đó là nghề, thử thách qua thực tế để giao nhiệm vụ cho cán bộ", ông Phạm Viết Thanh đề nghị. 

Hoàng Yến