Để sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai

00:00 12/10/2020

Đây là một trong những điểm nhấn mới được đưa vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2019 (Nghị quyết 02) được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giới thiệu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, sáng 28/12

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giới thiệu về Nghị quyết 02, sáng 28/12. Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Những kết quả mang tính lan toả

Nhìn lại quá trình xây dựng, thực hiện các Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh (nay là Nghị quyết 02), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Nghị quyết đã tiếp cận, sử dụng các bảng xếp hạng lớn liên quan đến năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh nhưng cũng có đầy đủ các tiêu chí xã hội, đặc biệt y tế giáo dục, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.


“Từ năm 2014, Nghị quyết sử dụng các chỉ tiêu theo Báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) sau đó mở rộng ra Báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và đến năm 2018 là 4 bộ chỉ số của WB, WEF, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) về đổi mới sáng tạo và của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) về Chính phủ điện tử. Năm 2019, để phù hợp với bối cảnh thế giới và bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dự thảo Nghị quyết 02 bổ sung thêm một số chỉ số về du lịch, dịch vụ hậu cần (logistic), năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên 4.0 và đặc biệt là chỉ số trong báo cáo sự sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai của WEF”, Phó Thủ tướng nói.

Bắt đầu từ những mục tiêu cụ thể, bức xúc nhất (thuế, hải quan…) qua từng năm đến nay việc thực hiện Nghị quyết 19 đã lan toả đến tất cả các bộ ngành, các cấp.

Nhờ thực hiện Nghị quyết 19 và nhiều giải pháp tổng thể ở Trung ương và địa phương, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng được 13 bậc, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng được 5 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 14 bậc, chỉ số Chính phủ điện tử tăng 1 bậc. Từng chỉ tiêu cụ thể đều có mức cải thiện như tiếp cận điện năng tăng 69 bậc; thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH) tăng 36 bậc; khởi sự kinh doanh tăng 17 bậc…

Đáng chú ý, nếu so sánh với mức thu nhập bình quân của người dân Việt Nam tính theo sức mua tương đương (PPP) hiện đạt 7.378 USD, đứng thứ 124 trên thế giới, thì tất cả các chỉ số đều được xếp hạng cao hơn. Ví dụ năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành đứng thứ 67, chỉ số logistic đứng thứ 39, năng lực đổi mới sáng tạo thứ 45…

Chính sách đúng nhưng phải quyết liệt

Bên cạnh các kết quả trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết mục tiêu lọt vào tốp 4 nước ASEAN theo Nghị quyết 19 qua các năm còn rất khó khăn khi phần nhiều chỉ số đứng thứ 5, có những chỉ số đứng thứ 6-7 nhưng cũng có chỉ số đứng thứ 3.


Đối với đánh giá của cộng đồng DN trong nước, qua khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về 11 chỉ tiêu trọng điểm thì có 6/11 chỉ tiêu được đánh giá tốt, rất tốt, có cải thiện nhanh; 5/11 chỉ tiêu còn kém, ít được cải thiện như phá sản DN, bảo vệ nhà đầu tư, thủ tục xuất nhập khẩu, hoặc những chỉ tiêu được quốc tế đánh giá tốt như thủ tục xây dựng đứng thứ 21 nhưng 51% DN vẫn chưa hài lòng.

“Nhiều chuyên gia độc lập đánh giá chính sách chung của chúng ta tốt nhưng thực hiện cụ thể ở bên dưới liên quan đến đội ngũ công chức chưa thực sự tốt”, Phó Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chỉ đạo quyết liệt, tập trung thực hiện, Phó Thủ tướng nhắc lại quá trình sửa đổi, ban hành Nghị định 15 về kiểm tra an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu.

Phó Thủ tướng đã trực tiếp chủ trì 4 cuộc đối thoại trực tiếp giữa DN với Bộ Y tế, các bộ ngành để sửa đổi, Nghị định, từ đó giảm 95% lô hàng thực phẩm xuất nhập khẩu phải kiểm tra, tiết kiệm 8 triệu ngày công, 3.000 tỷ đồng một năm.

“Quá trình đối thoại về Nghị định 15, trong 10 kiến nghị của DN chỉ có 2 kiến nghị đúng, 3 kiến nghị vừa đúng, vừa sai, 5 kiến nghị thì các cơ quan quản lý nhà nước có lý. Qua đó có thể thấy chúng ta luôn luôn phải cân đối yêu cầu quản lý đồng thời tạo điều kiện thuận lợi chứ không tạo điều kiện thuận lợi một chiều mà buông lỏng quản lý”, Phó Thủ tướng nói.

Nhận diện hạn chế, phát huy kinh nghiệm

Qua thời gian thực hiện Nghị quyết 19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng vai trò hướng dẫn của các bộ ngành xuống các địa phương dù đã có cố gắng nhưng chưa thật rõ nét.

Hiện mới chỉ có Bộ KHCN có sổ tay hướng dẫn xuống bên dưới, còn lại mới chỉ triển khai ở Bộ mà chưa hướng dẫn xuống ngành dọc.

Cùng với đó, việc thực hiện mới chỉ tập trung vào các chỉ tiêu trực tiếp liên quan đến DN mà chưa chú trọng đúng mức đến chỉ tiêu về an sinh, xã hội.

Sự phối hợp giữa các bộ ngành, các cấp chưa thực sự chủ động. Một số cải cách còn hình thức, chưa thực chất. Thái độ phục vụ một bộ phận công chức còn nhiều vấn đề qua phản ánh của DN.

Phó Thủ tướng cũng nêu 5 kinh nghiệm nổi bật cần phát huy nhằm tạo chuyển biến về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh.

Đó là sự kiểm tra, đôn đốc của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Tổ công tác của Thủ tướng; chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu bộ ngành, địa phương; đối thoại trực tiếp giữa các bộ ngành với hiệp hội, DN; công khai minh bạch, tăng cường truyền thông; cung cấp số liệu theo mẫu của các tổ chức quốc tế xếp hạng, đánh giá.

Kiên trì mục tiêu ASEAN 4

Với tinh thần bứt phá trong năm 2019, bước vào cách mạng công nghiệp 4.0 và sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết dự thảo Nghị quyết 02 kiên trì mục tiêu lọt vào tốp ASEAN 4 vào năm 2021 hoặc đa phần các chỉ số lọt vào tốp ASEAN 4 để giảm chi phí cho DN, người dân; và trực tiếp là tăng DN thành lập mới, giảm tỷ lệ DN ngừng hoạt động, đóng cửa, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.


Cụ thể, dự thảo Nghị quyết 02 dựa trên 7 bộ chỉ số xếp hạng của các tổ chức quốc tế, có mục tiêu phấn đấu cụ thể cho năm 2019 và năm 2021. Trong hơn 300 tiêu chí của dự thảo Nghị quyết 02 có 71 tiêu chí được xác định là trọng tâm, trọng điểm, có sự lan toả.

Nói thêm về bộ tiêu chí sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai, Phó Thủ tướng cho biết, từ năm 2017, WEF đã thay đổi bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia thành bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên 4.0 và thêm một báo cáo đánh giá về sự sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai. Đây là lý do tại sao năm 2018, điểm số tuyệt đối của Việt Nam tăng nhưng xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia lại giảm 1 bậc.

Về báo cáo sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai, WEF nghiên cứu 100 nước trên thế giới chiếm 96% GDP thế giới chia làm 4 nhóm. Nhóm dẫn đầu gồm 25 quốc gia, ở ASEAN có Malaysia và Singapore; nhóm thứ hai là những nước có tiềm năng gồm 7 nước; nhóm thứ ba có nền sản xuất trước là tốt nhưng chưa sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai có 10 nước, trong ASEAN có Philippines và Thái Lan; nhóm cuối cùng nền tảng sản xuất cũ chưa tốt, cũng chưa sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai trong đó ASEAN có Việt Nam, Indonesia, Campuchia. Vì vậy, Việt Nam phải tập trung vào chỉ tiêu này với hai trụ cột là đổi mới sáng tạo và đào tạo nhân lực chất lượng cao.

4 nhóm giải pháp chính

Trong triển khai Nghị quyết 02, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu lên 4 nhóm giải pháp chính.


Thứ nhất là tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh bởi dù đến năm 2018 các bộ ngành đã cắt giảm được 50% điều kiện kinh doanh nhưng thực tế các DN phản ánh và khảo sát các chuyên gia độc lập thì thực chất mới cắt giảm được 30%, còn 20% vẫn trên lý thuyết. Vì vậy, Nghị quyết yêu cầu các bộ ngành phải rà soát lại các văn bản chỉ đạo để việc cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh là thực chất.


Cũng với tinh thần đó, trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành (KTCN), Phó Thủ tướng dẫn số liệu hiện có 78.000 nhóm hàng/mặt hàng thuộc diện phải KTCN, trong đó thời gian ở khâu hải quan chỉ chiếm 28%, còn 72% liên quan đến việc thực hiện KTCN do 12 bộ ngành phụ trách.

“Chúng ta đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ nhóm hàng/mặt hàng phải KTCN trước khi thông quan xuống 10% nhưng đến nay mới được 19% và 57% DN đánh giá thủ tục xuất nhập khẩu chưa có cải thiện rõ nét. Thời gian thông quan của Việt Nam so với các nước trong khu vực thì gấp 2 lần Thái Lan và Malaysia, gấp 5 lần Singapore; chi phí cao gấp 2 lần các nước này. Đây là nhiệm vụ phải tập trung mạnh trong năm tới và trong nhiều giải pháp thì đặc biệt phải kiên quyết một mặt hàng chỉ một cơ quan làm đầu mối KTCN và tăng cường các tổ chức đánh giá phù hợp cả công lẫn tư”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Về nhóm giải pháp thứ ba về đẩy mạnh thanh toán điện tử và dịch vụ công trực tuyến mức 4, Phó Thủ tướng cho biết đây là nhóm giải pháp mới được nhấn mạnh trong Nghị quyết 02, không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn liên quan đến công khai, minh bạch, chống tham nhũng.

Theo Phó Thủ tướng, chủ trương không dùng tiền mặt được nói đến từ lâu nhưng thực tế chuyển biến rất chậm. Đơn cử tổng tỷ trọng thanh toán tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán ở Việt Nam là 11,49%, cao hơn nhiều so với các nước như Trung Quốc 4,1%, Malaysia 5,39%, Thái Lan 3,16%, ngay Campuchia 10,37%. Tiền mặt sử dụng cho 90% chi tiêu, 99% cho mặt hàng dưới 100.000 đồng, gần 85% giao dịch tại ATM là rút tiền. Vì vậy, việc cung cấp dịch vụ công mức 4 hiện chỉ đạt 6,98%, trong đó chỉ 20% phát sinh hồ sơ, có một nguyên nhân là thiếu phương thức thanh toán điện tử.

Trong nhiều giải pháp đã được nêu trong dự thảo Nghị quyết 02, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường chi trả không dùng tiền mặt bằng cách lên danh mục những nhóm giao dịch phải thanh toán không dùng tiền mặt; các cơ quan nhà nước (Bộ LĐTBXH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam) phải thanh toán các khoản trợ cấp thông qua tài khoản, dịch vụ thanh toán; các ngành điện lực, bưu điện… phải thanh toán qua ngân hàng.


Điểm mới cuối cùng trong dự thảo Nghị quyết 02 là đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trên tinh thần DN là trung tâm, cổ vũ cho sáng tạo, đẩy mạnh tự chủ cho các viện nghiên cứu, trường đại học, “đặc biệt cần phải làm chủ các công nghệ ngoại nhập và tham gia phát triển”.

Cùng với đó là tạo điều kiện cho các DN khởi nghiệp sáng tạo (Start-up), hiện mới chỉ có khoảng 3.000 DN trên tổng số hơn 600.000 DN của cả nước trong khi Singapore có 5 triệu dân nhưng đã có 2.400 DN Start-up, số vốn huy động gấp 4 lần Việt Nam.

“DN Start-up cần hỗ trợ về thuế, vốn, không gian sáng tạo… nhưng quan trọng nhất là cần tạo cho họ thị trường ban đầu, nhất là thị trường do Nhà nước quản lý và dữ liệu lớn để các DN này cùng tham gia và phát triển trên nền tảng công nghệ mới”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh nhiệm vụ của các bộ ngành phải xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết 02 trong năm 2019 và trong 3 năm 2019-2021 nhưng quan trọng hơn là phải có sổ tay hướng dẫn xuống địa phương; đôn đốc kiểm tra; kết nối các tổ chức quốc tế, nhất là hiểu rõ các đánh giá và cung cấp thông tin, số liệu chính xác, kịp thời.

“Tuy phân công cho các bộ ngành nhưng 80% chỉ tiêu cụ thể trong Nghị quyết 02 đều có tính liên ngành như khởi sự kinh doanh liên quan đến ngành KH&ĐT, ngân hàng, tài chính, thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hay về thủ tục xây dựng còn liên quan đến cả ngành tài nguyên môi trường, công an”, Phó Thủ tướng lưu ý và nhấn mạnh tinh thần thực hiện có trọng tâm, khắc phục “tình trạng trên nóng, dưới lạnh, nóng lạnh không đều để làm sao cho tất cả đều nóng”, tăng cường liên kết, đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền… để tạo bước chuyển mới, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 01 của Chính phủ về phát triển kinh tế, xã hội và và Dự toán NSNN năm 2019.

Đình Nam