Để bán lẻ truyền thống không bị loại khỏi cuộc chơi

00:00 12/10/2020

Dẫu phải đối mặt với nhiều thách thức từ sự cạnh tranh của các nhà bán lẻ nước ngoài với tiềm năng vốn lớn đủ sức cho một cuộc chơi dài lâu trên thị trường, song các nhà bán lẻ truyền thống của Việt Nam vẫn đang cố gắng tìm chỗ đứng chắc chân trên thị trường, để không bị loại khỏi cuộc chơi.

Những khảo sát mới nhất trên thị trường cho thấy, các hộ kinh doanh bán lẻ Việt Nam đang gặp phải một số yếu tố không thuận lợi, trong đó nổi lên là chỉ số niềm tin nhà bán lẻ (RCI). Theo đó, RCI trung bình ở mức 100; trên mức 100, các nhà bán lẻ tự tin; dưới mức 100, các nhà bán lẻ không tự tin. Hiện, RCI ở Việt Nam vào khoảng 66-68, nghĩa là họ chưa có sự lạc quan về tiềm năng của thị trường bán lẻ và cần nhiều sự hỗ trợ hơn để tăng sức ủng hộ của người tiêu dùng.

 Tăng niềm tin của người tiêu dùng vào hàng nội

Mặc dù được xem là khá mới mẻ với khu vực kinh tế cá thể, song những thành quả của Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN) đã từng bước hiện diện trong một số lĩnh vực có sự tham gia đông đảo của hộ kinh doanh cá thể như: Trong sản xuất và kinh doanh hàng tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề, kinh doanh hàng nông sản, phân phối, bán lẻ theo chuỗi hay thương mại điện tử. Điều đó cho thấy, CMCN 4.0 không phải khái niệm xa vời mà đang hiện hữu và tác động lên sự phát triển của hộ kinh doanh cá thể, nhất là trong lĩnh vực bán lẻ.

Theo các chuyên gia, lợi thế của các hộ kinh doanh bán lẻ ở Việt Nam là số lượng đông đảo, bám sát nhu cầu, sở thích thiết yếu của người tiêu dùng. Thêm vào đó, họ có khả năng xoay chuyển chiến lược kinh doanh linh hoạt. Tuy nhiên, điểm yếu cơ bản là vốn đầu tư không lớn, tính liên kết thành chuỗi hầu như còn rất xa vời với gần 2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ trong khi đây là yếu tố sống còn để tồn tại và cạnh tranh trên thị trường.

Một số chuyên gia khuyến nghị, nhà nước cần có những chính sách khuyến khích các hộ kinh doanh bán lẻ tập hợp thành các chuỗi cửa hàng để tăng khả năng cạnh tranh, xa hơn là khuyến khích họ chuyển đổi thành doanh nghiệp để hướng tới mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp. Để làm được, việc cần nhất có chính sách thuế ưu đãi, linh hoạt hơn theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là dưỡng nguồn thu.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, nhất là địa phương cần chủ động tổ chức các khóa tập huấn, cập nhật tình hình thị trường cũng như cung cấp các kiến thức cơ bản về chuẩn mực, pháp luật kinh doanh, đưa họ gần hơn với mục tiêu phát triển thị trường bán lẻ và phát triển thương mại điện tử. Một việc nữa rất cần là đẩy mạnh tuyên truyền Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tăng niềm tin của người tiêu dùng vào hàng nội.

Để các hộ kinh doanh bán lẻ truyền thống tiếp cận thị trường xa hơn, rộng hơn, cần thiết có sự vào cuộc của các hiệp hội ngành hàng thông qua triển khai các chương trình hàng Việt, thậm chí khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ truyền thống của Việt Nam.

Quang Lộc