Thanh Hóa: Dấu xưa ở ngôi làng cổ bên bờ sông Mã

00:00 12/10/2020

Đến với làng cổ Đông Sơn là đến với không gian văn hóa lâu đời, đến với những ngôi nhà cổ có tuổi đời hơn 200 năm. Ẩn chứa trong mỗi ngôi nhà ấy, di tích lịch sử ấy không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, văn hóa thẩm mỹ mà còn mang trong mình những câu chuyện thú vị và đầy ý nghĩa.

Làng cổ Đông Sơn nằm trên địa bàn phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa, nằm bên bờ Nam sông Mã. Đây cũng chính là vùng đất đầu tiên tìm được trống đồng Đông Sơn, nơi gắn liền với tên gọi của một nền văn hóa cổ có vai trò quan trọng trong lịch sử - văn hóa Đông Sơn.
 Những cổng ngõ cổ kính và ý nghĩa.
Làng cổ Đông Sơn nằm giữa một thung lũng nhỏ, phía trước là cánh đồng rộng lớn, màu mỡ. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, các tầng văn hóa khai quật được tại di chỉ khảo cổ Đông Sơn đã thể hiện rõ nơi đây có lịch sử định cư liên tục từ thời cổ cho tới nay. Ngày nay, với những lối đi nhỏ được lát bằng gạch hoặc đá còn tồn tại đã cho thấy kết cấu, kiến trúc xóm làng mang đậm dấu ấn của một làng Việt cổ. Cấu trúc làng cổ Đông Sơn theo kiểu hình xương cá, trục đường chính giữa làng với nhiều nhánh nhỏ rẽ ra các hướng gọi là ngõ xóm. Và ở đầu ngõ, mỗi cổng vào đều mang một cái tên ý nghĩa, sâu sắc như ngõ Dũng, ngõ Trí, ngõ Nhân, ngõ Nghĩa.
Ông Hà Huy Tâm - Trưởng phòng VHTT TP Thanh Hóa cho biết, cư dân người Việt xưa chọn mảnh đất Đông Sơn dựa theo yếu tố phong thủy hài hòa, kỹ lưỡng. Làng nằm trên thung lũng được xem là yếu tố âm, xung quanh các ngọn núi là yếu tố dương, như vậy là âm dương hòa hợp, lại có thêm dòng sông Mã ở bên, là yếu tố nước, mang đến sự thịnh vượng cho ngôi làng. Bên cạnh đó, người Việt xưa không chỉ áp dụng yếu tố phong thủy cho toàn bộ ngôi làng mà còn rất chú trọng yếu tố phong thủy cho những ngôi nhà cổ. Hiện nay, ít có nơi nào có nhiều điều đặc biệt, chất chứa nhiều trầm tích văn hóa, giá trị lịch sử như làng cổ Đông Sơn. Và ngôi làng này cũng là nơi hội tụ những yếu tố đặc trưng của một làng quê Việt Nam truyền thống.
Cuộc sống bình yên của người dân làng cổ Đông Sơn.
 
Trong số 13 ngôi nhà cổ của làng, theo lời kể và chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi đã có dịp tham quan tìm hiểu ngôi nhà của ông Lương Trọng Duệ. Được biết đây là ngôi nhà cổ có kiến trúc điển hình ở thế kỷ XIX còn sót lại, vẫn tương đối nguyên vẹn và có giá trị về mọi phương diện. Trong đó có cổng cũ ngày xưa có đề hai dòng chữ Hán với nội dung: Tổ tông công đức thiên niên thịnh (bên trái); Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh (bên phải). Đi tiếp vào sâu trong ngôi nhà, chúng tôi càng cảm nhận thêm được vẻ đẹp của một ngôi nhà cổ thoáng mát, rộng rãi. Ngôi nhà được kết cấu bằng gạch chỉ mỏng, trước hè ngôi nhà, mái hiên nhô ra cũng được lợp ngói, hai đầu cột gắn mành trúc đan hình vuông, với mục đích tạo ra bức bình phong cho ngôi nhà để chắn gió lớn thổi trực tiếp vào chính giữa ngôi nhà, đồng thời buộc mỗi người khi đi ra hay đi vào đều phải đi từ hai bên, thể hiện sự tôn nghiêm, lòng thành kính của bề dưới với bề trên. Bởi phía sau tấm mành trúc, bên trong ngôi nhà là nơi thiêng liêng nhất, có đặt bàn thờ tổ tiên. Đây cũng chính là một quan niệm phong thủy truyền thống của người Việt xưa.
Theo lời kể của những thành viên trong gia đình ông Lương Trọng Duệ, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ thì ngôi nhà này đã bị bom đánh trúng làm sụt mái sau và hư hỏng một số bộ phận nên đã được tu sửa lại.
Cùng với ngôi nhà, gia đình ông Duệ vẫn còn lưu giữ, bảo vệ rất nhiều hiện vật cổ có giá trị lớn như: khám thờ, mâm bồng, bát hương sứ (có từ thời Lê), đài gỗ, lục bình gỗ, quả hộp gỗ, giá chuông, bàn thờ, bức đại tự, ống nhổ trầu bằng đồng… và nhiều hiện vật khác.
Với những giá trị kiến trúc nghệ thuật còn lưu giữ được, năm 2006, ngôi nhà của gia đình ông Lương Trọng Duệ đã được Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thanh Hóa (nay là Sở VH,TT&DL) công nhận di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Hiện ngôi nhà của ông Lương Trọng Duệ nói riêng và làng cổ Đông Sơn nói chung là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Làng cổ Đông Sơn không chỉ là nơi bảo tồn, gìn giữ dấu ấn của cha ông, mà còn là điểm đến du lịch hấp dẫn. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của làng cổ Đông Sơn đang được chính quyền phường Hàm Rồng và nhân dân trong làng chú trọng, đề cao.
Tiến Nam(T/H)