Đầu tư mạnh vào nông nghiệp: Các “đại gia” toan tính gì?

00:00 12/10/2020

Việc các “ông lớn” liên tiếp bắt tay nhau đem đến kỳ vọng về những “con sếu” đang “gọi đàn” đầu tư vào nông nghiệp, giúp nâng tầm nông sản Việt tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Khi “đàn sếu” hội tụ

Cuối năm ngoái, lĩnh vực nông nghiệp sôi động với những thương vụ hợp tác, mua bán, sáp nhập (M&A) đình đám của các đại gia. Mới đây nhất, tỷ phú Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn THACO bắt tay với “vua cá tra” một thời là ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Vương (HVG) nhằm giúp HVG thoát cảnh ngập khó khăn.

Theo đó, THACO thông qua công ty con (Cty CP Sản xuất, Chế biến và Phân phối Nông nghiệp- THADI) đầu tư 35% cổ phần vào HVG và tham gia vào hoạt động quản trị, hỗ trợ bán hàng, tài chính…

THADI cũng đầu tư 2.000 tỷ đồng vào liên doanh giữa THADI - HVG trong mảng sản xuất lợn giống (bố mẹ) quy mô 45.000 con trong năm 2020,  với tổng mức đầu tư tại An Giang và Bình Định. Dự kiến, tháng 3/2020, đơn vị này cung cấp khoảng 15.000 con lợn giống. Ngoài ra, THADI  cũng đầu tư vào chăn nuôi lợn thịt theo tiêu chuẩn thực hành an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) với quy mô 1,2 triệu con/năm phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nói về tình thế “ngặt nghèo” phải tìm đến tỷ phú Trần Bá Dương, ông Minh bày tỏ mong muốn THACO cùng hợp tác, tiếp tục đầu tư hoàn thiện những mảnh ghép dở dang mà HVG đã xây dựng trong hai thập niên qua. Theo ông Minh, từ giữa năm 2016, Hùng Vương gặp nhiều khó khăn. Thời điểm đó, Hùng Vương tiên phong trong dự án nông nghiệp công nghệ cao. Dự án tổng duyệt cấp tín dụng là 4.000 tỷ đồng, được Chính phủ ủng hộ nhưng ngân hàng chỉ cấp chưa đến 800 tỷ đồng, trong khi HVG đã đầu tư 1.800 tỷ đồng.

Việc sử dụng vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn đã khiến HVG gặp khó khăn chồng chất.

Còn tỷ phú Dương cũng chia sẻ, ông đến với nông nghiệp đầu tiên là lời kêu gọi của Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, tiếp đó là hợp tác chiến lược với Hoàng Anh Gia Lai của “bầu” Đức và cuối cùng bắt tay với “Vua cá tra”.

Với những mảnh ghép trên, THACO dự kiến doanh thu xuất khẩu 2020 đạt 1,55 tỷ USD, tương đương 4% doanh thu xuất khẩu ngành nông nghiệp cả nước.

Trước đó không lâu, về thương vụ M&A “khủng” VinCommerce và VinEco của Vingroup về Tập đoàn Masan, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cho biết, đây là bước chiến lược để Masan hoàn thiện hệ sinh thái trồng trọt và chăn nuôi.

Theo ông Quang, cùng với nhà máy chế biến thịt mát, với thương hiệu Meatdeli đầu tiên ở Hà Nam, Masan sẽ xây dựng tổ hợp chế biến thứ 2 tại Long An và dự kiến hoạt động vào quý 4/2020.

Tiếp tục khai phá dư địa

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2019, cả nước có trên 2.750 doanh nghiệp (DN) nông lâm thủy sản thành lập mới, tăng hơn 25% so với năm 2018, đưa tổng số DN trong ngành lên con số 12.600 (tăng trên 36%). Cùng với sự đầu tư, phát triển của các DN nhỏ và vừa, một số tập đoàn, DN lớn tăng rót vốn vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao như: Vinamilk, TH, Dabaco, Masan, Lavifood, Ba Huân…

Đáng lưu ý, năm qua có 17 dự án với mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng vào khâu chế biến, bảo quản nông sản được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động.

Đặc biệt, cuối tháng 9/2019, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (Vida) đã được thành lập, do ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT  đứng đầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, giúp “nâng đời” nông nghiệp Việt Nam.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, giai đoạn phát triển nông nghiệp theo hướng khai thác tài nguyên, phát triển bề rộng, chủ yếu sản phẩm thô đã kết thúc và chuyển sang giai đoạn mới là sản xuất hàng hóa quy mô tập trung theo chuỗi giá trị cao, quản trị hiện đại. Muốn làm được điều đó, một trong những giải pháp quyết định là tận dụng thành tựu của thời đại 4.0.

Bộ trưởng Cường cho rằng, việc các DN tham gia mạnh mẽ cho thấy khu vực nông nghiệp còn tiềm năng lợi thế. Dù Việt Nam xuất khẩu trên 40 tỷ USD nông sản đi 185 nước trên thế giới nhưng phải khẳng định “dư địa” còn rất lớn. Nếu làm tốt khâu chế biến, sản xuất theo chuỗi, tổ chức thương mại tốt chắc chắn sẽ tìm ra “dư địa”.  Chẳng hạn, với mặt hàng cà phê, Việt Nam xuất khẩu mỗi năm tới 3,4 - 3,5 tỷ USD nhưng sản phẩm chế biến chỉ có 11%.

“Thật vô lý khi chúng ta sản xuất 60% sản lượng hồ tiêu của thế giới mà lại để giá rớt thảm như thế này. Một đất nước đứng thứ 3 thế giới về ngành hàng lúa gạo mà bị lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu…”. Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

Theo Phạm Anh