Đau đầu tìm lời giải cho cuộc chiến taxi công nghệ

00:00 12/10/2020

Dù Bộ GTVT đã trình lên Thủ tướng Chính phủ Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô nhưng lời giải cho những tranh cãi giữa taxi truyền thống và công nghệ dường như vẫn chưa được tìm ra.

Chưa ngã ngũ cuộc chiến taxi truyền thống và công nghệ. Ảnh: KH

Không những vậy, những ý kiến trái chiều lại tiếp tục nổi lên quanh câu chuyện định danh các loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô trong Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.

Bối rối về hành lang pháp lý cho Grab, xe tự lái

Trong thời gian qua, bằng việc tổng hợp ý kiến các bên, Bộ GTVT đã nhiều lần chỉnh sửa trước khi trình lên Chính phủ nghị định 86 sửa đổi với kỳ vọng sẽ tạo ra sự công bằng trong sân chơi taxi và định danh được các loại hình taxi công nghệ. Tuy nhiên, các Hiệp hội taxi trên cả nước vẫn phản ứng với dự thảo này.

Đại diện Hiệp hội Taxi TPHCM cho rằng, trong khi các bên cứ tranh luận suốt về câu chuyện định danh xe hợp đồng điện tử thì số lượng xe hợp đồng đã tăng tới 47% và làm cho quản lý vận tải càng bị rối.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - Luật hiện hành chỉ ghi nhận 5 loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô nên việc định danh Uber, Grab vào 1 trong 5 loại hình vẫn còn có những bất cập.

Liên quan tới những phương tiện thông minh như xe tự lái, nhiều ý kiến DN và chuyên gia cho rằng, chưa có hành lang pháp lý nên tạo ra nhiều rào cản cho sự phát triển. Đại diện công ty FPT, đơn vị đang có những nghiên cứu về xe tự lái bày tỏ sự băn khoăn khi chưa có quy định về loại xe này và mong muốn Bộ GTVT cho phép thử nghiệm xe tự lái của Cty tại khuôn viên công cộng, đồng thời, quy định rõ chính sách và bảo hiểm đối với xe điện và xe tự lái, quy định về hệ thống liên lạc.

Không chỉ xe tự lái, xe lái, vật thể bay là những phương tiện được đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam nhận định là cũng cần sớm có hành lang pháp lý quy định.

Quy định cần rõ và có tầm nhìn xa

Chia sẻ ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - cho rằng, cần có hành lang pháp lý với độ mở để quản lý các loại hình vận tải mới. Theo ông Thanh, chỉ nên quy định chung xe có kinh doanh và không kinh doanh và với những xe có kinh doanh luật mới cần quy định chặt chẽ các điều kiện kinh doanh như lái xe, phụ xe, phục vụ trên xe phải được đào tạo, trải qua các khóa tập huấn.

Còn theo ông Ngô Khắc Lễ - Chuyên gia pháp lý của Hiệp hội DN Logistics Việt Nam - nhiều doanh nghiệp logistics trên thế giới cũng đã sử dụng những phương tiện vừa đi trên bộ, vừa đi dưới nước, hoặc phương tiện vừa tham gia giao thông đường bộ lại có thể bay lên để giao hàng (drone) nên Hiệp hội mong muốn Luật Giao thông đường bộ sửa đổi quy định rõ nhưng cần có tầm nhìn xa để phù hợp với tốc độ biến đổi của công nghệ.

Trao đổi với PV, đại diện Bộ GTVT cho biết, vẫn đang tổng hợp các ý kiến đóng góp trong quá trình xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và dự án luật sẽ tập trung vào 7 nhóm vấn đề chính trong đó có việc xem xét việc quy định màu biển số xe để phân biệt xe kinh doanh vận tải và xe không kinh doanh vận tải.

Trong thời gian qua, việc sử dụng phương tiện cá nhân vào kinh doanh vận tải ở nước ta đang ngày càng phổ biến. Điều này gây ra tình trạng lộn xộn trong hoạt động vận tải, tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh vận tải nên việc có một quy định để phân biệt giữa phương tiện kinh doanh vận tải và phương tiện cá nhân là yêu cầu bức thiết hiện nay.

Theo Lao Động