Trước câu hỏi có nhiều ý kiến cho rằng quân đội không nên tham gia làm kinh tế, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy T.Ư, Thứ trưởng BQP) khẳng định: Quan điểm của lãnh đạo BQP về việc quân đội tham gia làm kinh tế phải hiểu là kinh tế quốc phòng phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng và phát triển kinh tế xã hội (KTXH) của đất nước. Quân đội không làm kinh tế đơn thuần “Tôi có nghe ý kiến của một số người có kiến thức nói rằng quân đội đi buôn thì tôi không hiểu họ nói về quân đội nào. Không phải hôm nay, mà ngay từ khi thành lập quân đội, Bác Hồ đã dạy quân đội là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất”, ông Vịnh nói. Theo ông Vịnh, hiện nay quân đội làm kinh tế trước hết là các xí nghiệp quốc phòng sản xuất trực tiếp ra vũ khí và trang bị quốc phòng, là đạn, súng, thuốc nổ, những thứ mà quân đội nào cũng phải có. Thứ hai là các đoàn kinh tế quốc phòng, từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, lúc bấy giờ hàng chục sư đoàn cất súng vào kho để quay sang làm kinh tế như trồng cao su, làm nông nghiệp, trồng cà phê, làm đường tuần tra biên giới nhưng nhiệm vụ chủ yếu vẫn là giúp dân phát triển KTXH, tạo ra các khu kinh tế tập trung trên khu vực biên giới. Chính họ trước đây và hiện nay đang là những người bảo vệ biên giới mà không cầm súng, sau này đất nước có biến, có chiến tranh thì đó sẽ là những người sẽ mở cửa kho cầm súng bảo vệ đất nước. Mặt khác, doanh nghiệp quân đội là những doanh nghiệp đi đầu về khoa học công nghệ, lấy phát triển khoa học công nghệ để áp dụng sản xuất vũ khí trang bị cho quân đội và đóng góp rất nhiều cho phát triển KTXH đất nước. Như Viettel, Tân Cảng hay mô hình các tổng công ty bay là điển hình cho việc vừa bảo vệ Tổ quốc, chủ quyền lãnh thổ trên đất liền, trên biển Đông, các quần đảo, nhà giàn và vừa làm kinh tế có lãi. “Quân đội sẽ không làm kinh tế đơn thuần mà làm kinh tế khoa học công nghệ để phục vụ cho phát triển tiềm lực quốc phòng thì quân đội sẽ làm và làm mạnh hơn nữa”, lý giải cho quan điểm này, ông Vịnh đưa ra khái niệm lưỡng dụng của các doanh nghiệp quân đội: Nếu một dây chuyền sản xuất ra 1 vạn khẩu súng hoặc 1 vạn viên đạn trong 1 năm, tuy nhiên trong thời bình chúng ta sản xuất nhiều như vậy để làm gì, vì vừa tốn kho để cất giữ, vừa phải tiêu hủy khi hết hạn. Nhưng dây chuyền ấy, nhà máy ấy vẫn phải làm chủ được công nghệ sản xuất để khi đất nước có chiến tranh thì họ dồn sức sản xuất những sản phẩm quân đội cần để bảo vệ Tổ quốc trong thời gian rất ngắn. Trong thời gian nhàn rỗi thời bình, họ không thể để máy treo ở đó, mà phải sử dụng để tận dụng khấu hao máy móc, vừa nâng cao tay nghề và đồng thời cũng để giữ người lao động, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật. Mặt khác, khi doanh nghiệp quân đội chỉ bó hẹp trong một sản phẩm hoặc một vài sản phẩm thì công nghệ sẽ lạc hậu dần nhưng nếu điều tiết theo cơ chế thị trường với những sản phẩm mới phù hợp thì sẽ nâng cao trình độ của doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ kỹ thuật, người lao động. Rất hiếm nước nào trên thế giới không thực hiện mô hình lưỡng dụng trong phát triển công nghiệp quốc phòng.
Đất quốc phòng cũng là đất quốc gia - ảnh 1
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trả lời báo chí về các vấn đề “nóng” liên quan việc quân đội tham gia làm kinh tế. Ảnh: Nguyễn Minh.
Không làm gánh nặng cho nền kinh tế Nói về việc tái cơ cấu các doanh nghiệp quân đội, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ: Quân đội trước đây có gần 200 doanh nghiệp thì vừa qua rút xuống còn hơn 80, và trong đề án mà Quân ủy T.Ư, BQP đang báo cáo Chính phủ thì chỉ còn 17 doanh nghiệp. Chỉ những doanh nghiệp nào thực sự cần thiết, làm ăn đúng đắn, thực sự tuân thủ luật pháp thì mới được tồn tại. Điều này không hề dễ dàng nhưng quân đội quyết tâm làm và phải làm nhanh, đây cũng là một nội dung trọng tâm của Quân ủy T.Ư trong thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI về việc chống suy thoái, tham nhũng, không để ảnh hưởng đến hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ. BQP đã có chỉ thị thu hồi toàn bộ biển đỏ của các xe làm kinh tế, một doanh nghiệp quân đội chỉ có một xe biển đỏ dành cho chỉ huy đi công tác, tuyệt đối không dùng xe biển đỏ vào hoạt động kinh tế, hoạt động có thu. Đây là một thay đổi âm thầm ít người nhìn thấy. Đến nay, một mặt củng cố phát triển các doanh nghiệp kinh tế quốc phòng nhưng mặt khác phải mạnh tay chấn chỉnh những sai sót, sơ hở trong quản lý. Bên cạnh những doanh nghiệp quốc phòng mẫu mực, đóng góp tích cực, cũng có những doanh nghiệp làm ăn không đúng đắn thì dứt khoát chấn chỉnh và loại bỏ. Vừa qua Quân ủy T.Ư, BQP đã quy hoạch xong hệ thống doanh nghiệp trong quân đội với mấy yêu cầu sau: Phải là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng kết hợp làm kinh tế. Không có doanh nghiệp chỉ làm kinh tế đơn thuần. Doanh nghiệp quân đội phải được tổ chức chặt chẽ theo đúng mô hình tái cơ cấu mà Chính phủ quy định. Phải làm đúng luật, đúng quy định, không có biệt lệ trong đóng thuế, báo cáo… Không được lợi dụng vị thế quân đội để làm những điều không đúng. “Đây là việc mà Quân ủy T.Ư đang làm. Tôi tin trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến rất mạnh mẽ, tích cực để nhân dân tin tưởng, tuyệt đối không làm hỏng hình ảnh quân đội. Quân đội không được làm gánh nặng cho nền kinh tế đất nước, mà ngược lại vừa phải củng cố quốc phòng, vừa phải đóng góp cho sự phát triển KTXH của đất nước”. Mạnh tay quản lý đất quốc phòng Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về việc phối hợp và đảm bảo tính minh bạch trong quản lý, sử dụng, khai thác đất quốc phòng phục vụ phát triển kinh tế giữa các đơn vị quân đội và chính quyền địa phương, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nêu quan điểm: Hoạt động quốc phòng ở các địa phương có tính độc lập vì nhận chỉ thị của Quân ủy T.Ư, BQP nên có yếu tố bí mật, độc lập, sự phối hợp với địa phương là ở chỗ sự phát triển kinh tế quốc phòng không ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển KTXH. “Tuy nhiên, quân đội làm kinh tế thì dứt khoát phải thông qua hệ thống quản lý nhà nước của các địa phương, ban ngành, không có chuyện doanh nghiệp quân đội muốn làm gì thì làm, đóng cửa lại bảo đây là quân đội”, ông Vịnh nói. Theo Thứ trưởng BQP, quân đội có một hệ thống rất đầy đủ để đảm bảo tính minh bạch trong việc xây dựng, quản lý kinh tế. Ví dụ như các Cục Kinh tế, Cục Tài chính, Cục Kế hoạch Đầu tư để quản lý về mặt kinh tế, vốn, kế hoạch sản xuất kinh doanh ở các đơn vị. Đất quốc phòng làm kinh tế cũng là để bảo vệ đất nước, vì nó gắn với nhiệm vụ quốc phòng, nếu không làm nhiệm vụ quốc phòng thì không kinh doanh, không sử dụng. “Quân ủy T.Ư, BQP đã có kết quả ban đầu về việc kiểm tra toàn bộ đất đai của tất cả các đơn vị trong toàn quân ở tất cả các địa bàn. Có thể nói cơ bản là đất đai quốc phòng được quản lý theo đúng quy định của nhà nước, sử dụng vào đúng mục đích sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, sản xuất, trong đó có một phần làm kinh tế. Tôi xin nói lại là việc sử dụng đất quốc phòng cũng như tất cả các nhiệm vụ khác của quân đội, không có việc gì đứng ra ngoài pháp luật, làm sai pháp luật. Việc gì làm hại đến môi trường phát triển của địa phương, gây khó khăn cho địa phương, quân đội sẽ không làm”, ông Vịnh nói.
“Quân đội sẽ không làm kinh tế đơn thuần mà làm kinh tế khoa học công nghệ để phục vụ cho phát triển tiềm lực quốc phòng thì quân đội sẽ làm và làm mạnh hơn nữa”. Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh
“Công tác quản lý đất quốc phòng trước hết là thượng tôn pháp luật. Đất quốc phòng cũng là đất quốc gia, mà đất quốc gia thì phải thực hiện đúng theo luật pháp của đất nước, không phân biệt. Sắp tới đây nếu đơn vị nào sử dụng không đúng mục đích, dứt khoát là đóng cửa, dứt khoát thu hồi và xử lý cán bộ chỉ huy để xảy ra điều này”. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng