Đánh giá, xếp hạng bền vững: Tiêu chí mới dành cho doanh nghiệp thời hội nhập

00:00 12/10/2020

Chương trình đánh giá xếp hạng doanh nghiệp bền vững được thực hiện với mục đích trở thành thước đo giá trị của doanh nghiệp dựa trên các tiêu chí về phát triển bền vững trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường và xã hội đồng thời là công cụ để ghi nhận các mục tiêu đo lường và quản lý các thay đổi nhằm làm cho hoạt động của doanh nghiệp được bền vững hơn.
13073222_10154078463994898_2125959129_o
Toàn cảnh lễ phát động chương trình đánh giá xếp hạng doanh nghiệp bền vững 2016
Đây là sáng kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xuất phát từ tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo số 398/TB – VPCP ngày 15/12 về việc xếp hạng doanh nghiệp bền vững (DNBV) từ năm 2016. Chương trình được thực hiện thông qua bộ chỉ số về phát triển bền vững (PTBV) hay còn được gọi tắt là CSI bao gồm các tiêu chí phù hợp với bối cảnh chính trị, xã hội trong nước cũng như các thông lệ quốc tế, được xây dựng và tư vấn bởi các chuyên gia hàng đầu về phát triển bền vững đến từ VCCI, các cơ quan Chính phủ, các tổ chức trong nước và quốc tế, các DN hội viên VCCI và các chuyên gia độc lập khác. Theo đánh giá của ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Tổng Thư ký VCCI, “CSI được xây dựng nhằm thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và phát huy vai trò của khu vực DN trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) tại Việt Nam”. Đồng quan điểm, bà Đinh Thị Quỳnh Vân – Tổng Giám đốc PwC Việt Nam chia sẻ, “Phát triển bền vững hiện nay đã trở thành mục tiêu và yêu cầu mang tính sống còn đối với hoạt động của mỗi quốc gia, mỗi DN. Chương trình có ý nghĩa quan trọng, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời góp phần hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam”. Đối với DN, việc tham gia vào chương trình, doanh nghiệp có được rất nhiều lợi ích như nâng cao uy tín của mình với khách hàng và chứng tỏ cam kết của mình trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR), cải thiện hiệu quả kinh doanh, xác định cơ hội và rủi ro, gắn bó nhân viên với công ty, nâng cao lợi thế cạnh tranh. Kết quả thử nghiệm đánh giá phát triển bền vững với 20 DN từ 11/2015 – 1/2016 cho thấy, DN đã có nhận thức ngày càng sâu sắc và quan tâm hơn đến PTBV, dễ dàng đánh giá vị trí của mình. Đây là yếu tố quan trọng để DN xác định phương hướng trong công cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc áp dụng thử này cũng đem đến những kết quả để trở thành tư liệu, tài liệu có cơ sở, đa chiều giúp các nhà hoạch định chính xác, Nhà nước và Chính phủ có cái nhìn toàn diện và chính xác về “sức khỏe”, phương hướng hoạt động của DN qua từng năm. Tuy nhiên, việc áp dụng cũng cho thấy nhiều rào cản đến từ phía DN như các DN hoạt động trong lĩn vực thương mại – dịch vụ còn khá lung túng về PTBV; một số DN ngại cung cấp những thông tin nhạy cảm hay lãnh đạo DN không cung cấp thông tin do không có cái nhìn đa chiều từ các bên liên quan đến DN. Chính vì vậy, việc thực hiện chương trình sẽ là cơ hội để DN Việt Nam thoát khỏi vỏ “ốc” tự ti, lo lắng và hướng đến sự minh bạch, công khai – yếu tố để tăng cường tính bền vững trong kinh doanh thời hội nhập. Tất cả DN thuộc mọi thành phần kinh tế đang hoạt động tại Việt nam đều có thể đăng ký tham gia xếp hạng nếu đạt được các điều kiện sau: có chiến lược phát triển bền vững toàn diện, nhận thức rõ về lợi ích của phát triển bền vững là bộ khung chính để doanh nghiệp xây dựng bộ máy hoạt động của mình, tối ưu quy trình sản xuất kinh doanh, chuỗi cung ứng và có hoạt động kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế. Dự kiến, Lễ Công bố Bảng xếp hạng Doanh nghiệp bền vững năm 2016 dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 10 tới tại Hà Nội. Chương trình còn nhận được sự phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước.   (congluan.vn)