Đằng sau “rác công nghệ” là gì?

00:00 12/10/2020

Sẽ khó lường hơn nếu không còn ai nhắc đến “Made in China 2025” trong khi nó vẫn ngấm ngầm hoạt động!

Hãy phải rõ ràng một nghịch lý: Việt Nam - từ một cường quốc than, giờ đang nhập than từ Trung Quốc với giá cao hơn 6,6 lần. Hoàn toàn không tự nhiên, nhiệt điện than đang là mốt ở nước ta!

Trung Quốc đang là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới về công nghệ và tài chính liên quan đến tiêu thụ than đá, quá nửa trong đó là công nghệ lạc hậu, luôn đi kèm với nguồn tiền dường như vô tận.

Không giống như hàng chục ngàn container rác nhập khẩu còn đâu đó ở các bến cảng tại Việt Nam. “Rác công nghệ” từ Trung Quốc không chỉ ứng với câu nói của miệng “cũ người mới ta”.

Sau 40 năm phát triển “nóng”, nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu đổi “chất” mạnh mẽ để chuyển từ “chế tạo đại quốc” lên “chế tạo cường quốc”. Một trong những nhiệm vụ của nó là thải loại công nghệ lạc hậu!

Rác thải công nghệ của Trung Quốc là một vấn nạn đối với toàn cầu trong nhiều thập kỷ nay. Việc tập trung vào công nghiệp công nghệ cao như robot, năng lượng mới…sẽ khiến một lượng rất lớn công nghệ cũ đã được sử dụng 40 năm nay trở nên dư thừa.

Việt Nam đang nhập than Trung Quốc với giá "chát"

Xuất khẩu những công nghệ như thế này là “nhất cử lưỡng tiện”, điểm đến là các nước đang phát triển ở Đông Nam Á, Châu Phi, trong đó Việt Nam. Ngoài những mối lợi trước mắt, về lâu dài hệ quả để lại không hề ít.

Cách đây một thập kỷ, Trung Quốc ban hành lệnh cấm công nghệ sản xuất xi măng lò đứng vì ô nhiễm môi trường và năng suất thấp, lập tức “mô hình” này ồ ạt vào nước ta.

Năm 2017, Trung Quốc đã cấm cửa lò nung cảm ứng  (IF) trong sản xuất thép vì lo ngại thảm họa môi trường và khủng hoảng thừa ngành thép. Đến nay công nghệ này đã có mặt ở Indonesia, Campuchia, Philippines…! Gây thiệt hại cho ngành thép, an ninh năng lượng cũng như môi trường của ASEAN.

Sản xuất thép bằng công nghệ IF sẽ giảm tối đa chi phí, cho năng suất rất lớn, nhưng vấn đề ở chổ, lợi thế cạnh tranh về số lượng và giá cả được “rút” ra từ việc không “quan tâm” đến môi trường, tài nguyên và chất lượng sản phẩm.

Thép IF từ Trung Quốc đang gây ra khủng hoảng thừa tại Đông Nam Á

Sự có mặt của thép rẻ tiền với số lượng lớn sẽ làm đảo lộn quy hoạch ngành thép của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Rất đau đầu để giải quyết vấn đề làm thế nào bảo vệ ngành thép nội địa?

Nhiệt điện than công nghệ Trung Quốc đang có mặt ở Việt Nam cũng là một mối đe dọa về ô nhiễm môi trường, làm cạn kiệt nguồn “vàng đen” và đến lúc phải nhập than từ bên kia biên giới với giá cao!

Tổng thống Mỹ, D. Trump tuyên bố Trung Quốc đã từ bỏ kế hoạch “Made in China 2025”. Nhưng vấn đề này còn gây hồ nghi, vì đó là yếu tố sống còn với Trung Quốc trong thời kỳ 4.0 - không thể không thay đổi công nghệ sản xuất.

Chỉ có điều, Trung Quốc sẽ thực hiện nó như thế nào, hoặc tên gọi có thể thay đổi nhưng rất khó để nước này từ bỏ tham vọng mục tiêu “chế tạo cường quốc”. Sẽ khó lường hơn nếu không còn ai nhắc đến “Made in China 2025” trong khi nó vẫn ngấm ngầm hoạt động!

Trung Quốc xuất khẩu công nghệ lạc hậu là một yêu cầu bức thiết không đơn thuần hướng đến kinh tế. Nên nó là phương án được tính toán kỹ lưỡng, thường đi kèm với các khoản vay ODA tưởng chừng ngon ăn!

Các nước nghèo cần vốn đầu tư, nhưng làm sao để khước từ các gói thầu thi công trọn gói và kinh phí từ các nhà thầu Trung Quốc, khi nước này luôn muốn trói chặt hai điều kiện này trước khi gật đầu với các khoản vay?

Hiện tại, Philippines đang mở cuộc điều tra về hoạt động nhập khẩu IF từ Trung Quốc và dự kiến sẽ hoàn thành trong quý I/2019. Tổng công suất IF tại Philippines tăng mạnh lên 500.000 tấn, từ mức 200.000 tấn của hai năm trước!

Việt Nam đã có những động thái để ngăn chặn. Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.Theo đó, các nhà máy xi măng sẽ phải hoàn thành việc chuyển đổi toàn bộ các dây chuyền xi măng lò đứng sang lò quay trước năm 2016.

Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 đã có hiệu lực từ tháng 7/2018. Quy định chi tiết danh mục công nghệ cấm tiếp nhận từ nước ngoài, đồng thời khuyến khích sử dụng công nghệ mới. Đây là cơ sở pháp lý cần thiết.

Việt Nam cần rõ ràng hơn với các khoản vay từ Trung Quốc, xem xét kỹ lưỡng những gói thầu xây dựng trong đó điều kiện “buộc phải sử dụng công nghệ, thiết bị” của nước này. Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là bài học đắt giá.

“Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương” của Mỹ đã kích hoạt với gói vốn hàng trăm tỷ USD. Từ đây có thể tranh thủ nguồn “FDI kiểu mới” để tận dụng công nghệ tiên tiến từ Mỹ, Nhật Bản.

Tuy nhiên, về gốc rễ, không thể tránh khỏi công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc nếu các nước như Việt Nam không giảm bớt lệ thuộc bằng cách tự lực tự cường phát triển công nghệ cho riêng mình.