Đang có sự khác biệt về khái niệm “Nhà đầu tư”

00:00 12/10/2020

Theo nhận định của nhóm rà soát pháp luật Việt Nam và Cam kết EVFTA về Đầu tư do Trung tâm WTO và Hội nhập – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Anh thực hiện nghiên cứu, quy định về “Nhà đầu tư” trong Pháp luật Việt Nam so với cam kết của hiệp định EVFTA “vừa rộng lại vừa hẹp”.

may-cong-nghiep

Sự khác biệt trong khái niệm “Nhà đầu tư” đang tạo nên lỗ hổng lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi và mức độ hoạt động của các nhà đầu tư là DN Việt Nam và DN FDI – Ảnh minh họa
Nhà đầu tư theo định nghĩa là các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Trang – đại diện Nhóm rà soát, pháp luật Việt Nam cơ bản đã tương thích với những cam kết về quy tắc trong chương Đầu tư của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) nhưng vẫn còn một số thuật ngữ pháp luật Việt Nam (PLVN) chưa tương thích nổi bật là khái niệm về nhà đầu tư. Cụ thể, PLVN chưa tương thích với EVFTA về khái niệm này ở đặc điểm: PLVN chỉ giới hạn nhà đầu tư là các chủ thể “thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh” tức là thực hiện các hoạt động nhất định với tư cách nhà đầu tư. Nhưng trong EVFTA, nhà đầu tư không chỉ là chủ thể đã và đang thực hiện việc đầu tư mà còn bao gồm cả mức độ “đang hướng đến đầu tư”. Nói cách khác, một chủ thể dù chỉ mới ở mức “tập hợp vốn” để đầu tư; có ý định đầu tư tại Việt Nam cũng đã trở thành một “nhà đầu tư” có mọi quyền và nghĩa vụ của một nhà đầu tư “thứ thiệt” theo quy định của hiệp định EVFTA. Đây là một trong những điểm cần được lưu ý của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đặc biệt là các DN đang có nhu cầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các DN muốn liên doanh hay thậm chí là đi đầu tư tại thị trường EU trong thời gian tới. Chính cách định nghĩa này đã và đang đem đến sự khác biệt và tạo nên sự “chật hẹp” về định nghĩa “đối tượng” được cho phép là các nhà đầu tư dù là DN Việt Nam hay DN thuộc khối liên minh EU khi EVFTA chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, một kết quả thu được khác lại khiến nhiều chuyên gia về pháp luật bất ngờ. Đó là nếu hiệp định EVFTA chỉ “cho phép” nhà đầu tư gắn với các khoản đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của hiệp định thì PLVN lại không hề giới hạn bất cứ điều gì ở lĩnh vực này. Điều này cũng có nghĩa, hoạt động của các nhà đầu tư trong hiệp định EVFTA sẽ bị giới hạn theo những cam kết đã được thống nhất khi EU và Việt Nam tiến hành thỏa thuận còn tại thị trường Việt Nam thì hoạt động của các nhà đầu tư sẽ không bị bó buộc. Theo đánh giá bà Vũ Thị Châu Quỳnh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EU đang là nhà đầu tư lớn của Việt Nam. Không chỉ vậy, “EU còn rất quan tâm và mong muốn tăng cường hơn nữa công cuộc đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới”, bà Châu nhấn mạnh thêm. Chính vì vậy, giới chức trách và các DN EU đang rất quan tâm đến các vấn đề về mức độ bảo hộ của PLVN dành cho các nhà đầu tư cũng như mức độ mở cửa thị trường của Việt Nam đối với họ. Xét trên hai góc độ cam kết này về khái niệm “nhà đầu tư”, mức độ mở cửa thị trường của Việt Nam là “rất cao” và hoàn toàn thông thoáng. Điều này sẽ khiến cho xu hướng và tốc độ đầu tư của DN EU vào Việt Nam tăng mạnh và nhanh chóng trong thời gian tới. Tuy nhiên, vấn đề “bảo hộ” vẫn còn khá hạn chế khi PLVN lại có nhiều sự giới hạn đối tượng được phép coi là nhà đầu tư đang có các hoạt động kinh doanh và giao thương với DN nội địa nước ta. Rộng trong phạm vi hoạt động nhưng lại “hẹp” trong khái niệm đang là “lỗ hổng” ảnh hưởng khá lớn đến công cuộc đầu tư của khối EU tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Cũng theo khẳng định của bà Quỳnh, hiện nhu cầu thu hút FDI của Việt Nam đang rất cao. Đây chính là nguyên nhân thúc đẩy Việt Nam trong suốt thời gian qua tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh. Nhưng mong muốn này lại đang mâu thuẫn với mong muốn bảo về quyền chủ quyền trong quản lý đầu tư, đảm bảo quyền binh đẳng của các nhà đầu tư là DN Việt Nam khi cạnh tranh với các DN EU. Đứng trên vị trí của các nhà quản lý Việt Nam, thiết nghĩ, vẫn luôn mong muốn tạo cơ hội và sự thuận lợi cho các DN là “người thân” của mình nhưng vẫn luôn hy vọng ngày càng có thêm nhiều nguồn vốn cũng như sự hỗ trợ từ các DN quyền lực, tiên tiến và có thực lực như các DN trong khối liên minh EU. Tuy nhiên, để “khắc nhập” hoàn toàn với những cam kết trong hiệp định thương mại EVFTA, PLVN vẫn có lẽ phải có sự thay đổi căn bản trong những khái niệm tưởng chừng rất cơ bản này để không tạo nên sự khác biệt, lỗ hổng trong cách hiểu của đôi bên, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình tìm hiểu thị trường, xúc tiến đầu tư của không chỉ các DN EU mà còn các DN nước ngoài khác tại thị trường trong nước. Bên cạnh đó, nhóm rà soát còn đánh giá PLVN chưa tương thích với hiệp định EVFTA trong cam kết về Luật thuế thu nhập DN ở điều khoản “thu nhập chịu thuế”. Trong văn bản hiện hành, PLVN chỉ nhắc đến khái niệm thu nhập mà không có sự định nghĩa cụ thể. Bên cạnh đó, PLVN về thuế có định nghĩa thu nhập chịu thuế với các liệt kê có nhiều nội dung “tương tự” nhưng lại không hoàn toàn “trùng khớp” với EVFTA do khác nhau về mục tiêu triển khai thu thuế thu nhập. Đây cũng được coi là một trong những yếu tố khiến công tác thu thuế thu nhập của các DN Việt Nam và DN EU sẽ khác nhau tại thị trường hai khối. Việc sửa đổi và bổ sung các khái niệm về thu nhập chịu thuế cũng là một trong những vấn đề cần được giới làm luật Việt Nam quan tâm để cân bằng, bảo đảm lợi ích của DN hai bên để sự hợp tác được lâu dài và bền vững. (theo congluan.vn)