Dân ca xứ Nghệ giữa lòng Hà Nội

00:00 12/10/2020

Dân ca xứ Nghệ với làn điệu ví dặm độc đáo được xem là “đặc sản” của văn hóa xứ Nghệ. Ngày 27/11/ 2014, dân ca ví, dặm nghệ tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, và cũng từ đó đặt ra những yêu cầu về việc giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật này trong đời sống văn hóa dân tộc.

 Dân ca ví, dặm là không gian “mở” dành cho tất cả những ai yêu thích ca hát

Sự khác biệt độc đáo

 Trong mạch nguồn văn hóa và nghệ thuật âm nhạc dân gian chảy từ ngàn xưa, giữa sự đa dạng và đa diện của các dòng dân ca khác nhau như Quan họ của vùng đất Kinh Bắc (Bắc Ninh), Nhã nhạc Cung đình Huế; hát Xoan Phú Thọ, hát Then, Sil Lượn của đồng bào dân tộc Tày Nùng Việt Bắc; Đờn ca tài tử Nam bộ... Nhưng ví dặm Nghệ Tĩnh vẫn lấp lánh một dòng dân ca riêng biệt, đặc sắc và độc đáo. Sự khác biệt đó là: Dân ca Nghệ Tĩnh được thể hiện tại mọi thời điểm; không chỉ có mùa Xuân, mùa lễ hội và mọi người dân lao động có thể sáng tạo ra ngôn từ theo làn điệu dân ca ngay trong khi lao động sản xuất, trong giao lưu, sinh hoạt cộng đồng. Đây là loại hình nghệ thuật có sức sống lâu bền, in đậm bản sắc tâm hồn, cốt cách của người dân xứ Nghệ, là di sản quý trong kho tàng văn hóa Việt Nam. Với con người nơi đây, làn điệu dân ca quê hương ăn sâu vào máu thịt, trở thành một thứ giá trị thiêng liêng, gửi gắm niềm thương, nỗi nhớ.

Ông Nguyễn Đình Bân - Ủy viên BLLHĐNA tại Hà Nội cho biết: Dân ca ví, dặm là không gian “mở” dành cho tất cả những ai yêu thích ca hát, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, tôn giáo. Các cuộc hát đảm bảo quyền bình đẳng, sự tôn trọng lẫn nhau giữa cộng đồng, nhóm người và cá nhân, góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội. Dân ca ví dặm còn là nguồn cảm hứng, là chất liệu để các nghệ sĩ đương đại sáng tác nhiều tác phẩm âm nhạc, sân khấu mang âm hưởng dân ca, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Trong đó, các nhạc sỹ: Nguyễn Tài Tuệ, An Thuyên, Tân Huyền, Dân Huyền, Nguyễn Trọng Tạo, Hồ Hữu Thới được sinh ra, lớn lên trên trong nôi dân ca xứ Nghệ và đã đưa dân ca xứ Nghệ vào những ca khúc nổi tiếng của mình rất thành công.

Nếu như trước đây, môi trường diễn xướng của dân ca ví, dặm chủ yếu gắn với lao động sản xuất, với nông nghiệp, với các ngành nghề thủ công như dệt vải, làm nón, đan lát, làm gốm, làm mộc, làm hàng sáo…, thì cùng với dòng chảy của thời gian, nội dung và hình thức của dân ca ví, dặm cũng dần dần có sự biến đổi để thích nghi với các điều kiện tồn tại mới, mang hơi thở của thời đại nhiều hơn.

Tuy nhiên hiện nay, dân ca ví, dặm đang bị tách khỏi môi trường diễn xướng, không gian sinh hoạt văn hóa đã và đang dần bị mai một, thay vào đó là các hình thức có tính chất biểu diễn, được sân khấu hóa, trong khi đó bản thân di sản dân ca là “di sản sống”, chỉ có thể tồn tại và có giá trị khi có thể tác động, đứng vững và được nuôi dưỡng trong đời sống văn hóa của cộng đồng.

Ý thức sự mai một của văn hóa truyền thống sẽ trở thành mối đe dọa đối với công tác xây dựng một nền văn hóa - văn nghệ mang đậm tính chất dân tộc, của xứ Nghệ nói riêng, hàng thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trong tỉnh đã có nhiều chương trình, kế hoạch, các cuộc hội thảo, các đợt điền giã để sưu tầm, nghiên cứu ở hầu khắp mọi miền quê trong và ngoài tỉnh với mục đích bảo tồn và lưu giữ các giá trị vốn cổ dân ca, trong đó có ví dặm xứ Nghệ…

 Dân ca ví dặm giữa lòng thủ đô Hà Nội

Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thành – Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, dặm xứ Nghệ cho biết: Ngày nay, không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của giá trị văn hóa phi vật thể trong đời sống xã hội và con người Việt Nam, nơi lưu giữ những nét độc đáo, những giá trị tinh hoa của bản sắc văn hóa dân tộc. Để góp bảo tồn, phát huy giá trị dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh CLB Dân ca Ví Dặm Nghệ Tĩnh tại Hà Nội đã ra đời vào dịp kỷ niệm 124 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - ngày 19/5/2014 và nhanh chóng khẳng định được vị thế quan trọng trong đời sống tinh thần của những người con xứ Nghệ đang gắn bó với Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Gần 5 năm hoạt động, CLB đã thu hút được hàng trăm hội viên tham gia. Cùng chung tình yêu đối với những làn điệu dân ca, đối với xứ Nghệ yêu dấu, các thành viên đã cùng nhau sáng tạo, biểu diễn và mang nét độc đáo của loại hình nghệ thuật dân gian tỏa sáng trong đời sống tinh thần của người dân Hà Nội, cũng như người dân trên mọi miền của Tổ quốc.

Những buổi biểu diễn Dân ca ví dặm nhân các ngày lễ tết, hay những buổi sinh hoạt thường xuyên của CLB vào tối thứ 7 hàng tuần, đặc biệt là sự kiện giao lưu dân ca ví dặm 3 miền Bắc - Trung - Nam đã thực sự ghi dấu ấn đậm nét trong lòng người hâm mộ. Đây là niềm vui, là phần thưởng vô cùng có ý nghĩa đối với Ban Chủ nhiệm và các thành viên CLB. Tuy nhiên, CLB Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh tại Hà Nội vẫn còn gặp không ít khó khăn như chưa có địa điểm hoạt động chính thức, còn thiếu các thiết bị âm thanh, ánh sáng, trang phục biểu diễn… Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, các làn điệu dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh vẫn tồn tại và phát triển bền bỉ đến tận ngày nay. Dân ca ví, dặm là di sản tinh thần vô giá của các thế hệ cha ông đã thấm sâu vào tâm hồn, trí tuệ, đời sống của người dân hai tỉnh miền Trung này. Với những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh rất xứng đáng để trở thành một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thu Giang