Đậm đà hương vị miến dong Nguyên Bình

00:00 12/10/2020

Đến Nguyên Bình (cao Bằng) vào những ngày giáp Tết, chúng tôi được ngắm nhìn từng khoảng sân, khoảng vườn của nhiều gia đình trải rộng các tấm phên với những sợi miến óng ả phơi dưới nắng vàng.

Chẳng thế mà từ lâu, người ta đã ví Nguyên Bình là “đất miến”. Câu chuyện về nghề làm miến dong - món đặc sản được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo và nguyên liệu bột dong thuần khiết luôn được người dân nơi đây tự hào.
Trung tâm xóm Phja Đén, xã Thành Công (Nguyên Bình). Ảnh Lý Thắng
VỀ QUÊ HƯƠNG MIẾN DONG Đi hơn 30 km về phía tây thành phố Cao Bằng, huyện Nguyên Bình hiện ra là một vùng núi non hùng vĩ. Qua địa phận của các xã: Phan Thanh, Thành Công, Quang Thành, thị trấn Tĩnh Túc, chúng tôi thấy các hộ gia đình, ai ai cũng đều đang tất bật, khẩn trương nhưng rất thuần thục với những công đoạn làm miến, nghề truyền thống của bà con nơi đây.

Theo những người làm nghề lâu năm kể lại, nghề làm miến ở Nguyên Bình không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng đến khoảng những năm 80 của thế kỷ trước thì phát triển mạnh, nhiều gia đình từ làm nông chuyển sang làm miến. Do điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ưu đãi, giống dong riềng trồng trên đất Nguyên Bình (ở độ cao 900 - 1.200m so với mực nước biển) có chất lượng cao, hơn hẳn các nơi khác. Kết hợp với sự khéo léo và kinh nghiệm của những người làm, đã tạo nên những sợi miến bóng đẹp, dai, giòn, có hương thơm đặc trưng của bột dong mà không hề sử dụng hóa chất. Bát canh miến Nguyên Bình có thể không cần thịt, không cần nhiều gia vị, nhưng hương vị khó nơi nào sánh kịp.

Củ dong riềng bắt đầu được trồng từ tháng 2, tháng 3 âm lịch. Đến khoảng tháng 10, 11 thì được thu hoạch. Quy trình làm miến đòi hỏi từng công đoạn cầu kỳ, tỉ mỉ, ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Để có sợi miến ngon, người sản xuất phải chọn loại dong củ to, đều và già. Dong được cắt rễ, rửa sạch rồi cho vào nghiền nát, lọc bỏ bã để lấy tinh bột. Lọc bột nhiều lần cho đến khi đạt độ trắng cần thiết, quá trình lọc sạn cát và tạp chất ra khỏi bột là khâu rất quan trọng. Ông Long Đức Bình (tổ 10, thị trấn Tĩnh Túc), người đã có nhiều năm kinh nghiệm làm miến, "bật mí": Miến có ngon hay không còn phụ thuộc vào bí quyết pha chế tỷ lệ nước khi đun bột. Bột được đổ vào trong nước có tỷ lệ 90 - 93% nước sôi và 7 - 10 % nước lã, khoắng đến khi bột chín, sánh, cho vào khuôn ép thành sợi miến, rồi dàn miến ra phên đem phơi. Ngoài yếu tố nguyên liệu và kỹ thuật chế biến, chất lượng và độ đẹp của miến còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Ngày nắng đều và không gắt là thời điểm phơi miến đẹp nhất. Miến sau khi phơi kỹ sẽ được bó thành các bó miến nhỏ và mang đi tiêu thụ. Vừa bó miến, ông Bình vừa tươi cười chia sẻ với chúng tôi: Gia đình tôi có 4 người, mỗi mùa làm miến lại tụ họp giúp nhau. Công việc làm miến không vất vả lắm, nhưng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Năm nay gia đình tôi trồng hơn 1.500 m2 dong riềng. Trung bình mỗi vụ miến thu nhập hơn 30 triệu đồng, đời sống gia đình khá ổn định.

Dong riềng được nông dân xóm Phja Đén, xã Thành Công tập trung phát triển.
TỪNG BƯỚC TẠO DỰNG UY TÍN TRÊN THỊ TRƯỜNG

Năm 2008, được sự hỗ trợ của Dự án Helvetas, bà con được hỗ trợ giống dong riềng mới, có năng suất cao, không bị sâu bệnh. Cây dong riềng được nông dân trồng trên các triền núi đất dốc, ít vốn đầu tư, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mấy năm gần đây, diện tích và sản lượng cây dong riềng tăng liên tục (từ 49,6 ha năm 1998 lên gần 80 ha năm 2012).

Nông dân xóm Phja Đén, xã Thành Công làm miến dong.
Cũng trong năm 2008, Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn tỉnh Cao Bằng (DBRP) được triển khai, liên kết các hộ sản xuất quy mô nhỏ tham gia vào các nhóm sở thích cấp xóm, xã để bà con hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, tạo thành hàng hoá. Mô hình trồng dong riềng theo nhóm đã góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân. Miến dong được trồng tập trung ở một số thôn, xã của huyện Nguyên Bình, trong đó, xã Thành Công là nơi sản xuất miến dong có tiếng. Xã Thành Công có 576 hộ, thì có khoảng 460 hộ trồng dong và làm bột, đồng thời có 39 hộ làm miến. Năm 2012, xã trồng được 79,82 ha dong, sản lượng đạt từ 60 - 80 tấn/ha, tương đương 7 - 8 tấn bột và sản xuất được 5 - 6 tấn miến thành phẩm, thu nhập 60 - 70 triệu đồng/năm; nhiều hộ trong nhóm đã thoát nghèo từ trồng và làm miến dong.

Từ một món ăn phục vụ trong phạm vi gia đình, thôn, bản, qua thời gian, miến Nguyên Bình đã trở thành hàng hoá có giá trị, được người nội trợ nhiều nơi tin dùng. Không chỉ được bán ở các chợ thực phẩm, miến Nguyên Bình còn được đưa vào trong các siêu thị lớn trên địa bàn Thành phố, như: Tân Thời Đại, Hapro...

Là một người con của Cao Bằng, hiện nay đang sinh sống tại Hà Nội, chị Nguyễn Thị Hòa cho biết: Xa quê đã lâu nhưng năm nào gia đình tôi cũng tìm mua miến Nguyên Bình để phục vụ bữa ăn ngày Tết, bởi miến này có hương vị đặc trưng gợi nhớ về quê hương, không thể nào quên được. Nay, miến đựng trong bao bì đẹp, tôi chọn mua làm quà biếu người thân ở Hà Nội.

Người dân xã Thành Công  phơi miến cho vụ tết.
Không chỉ có người dân Cao Bằng, sản phẩm miến Nguyên Bình cũng được người tiêu dùng các tỉnh rất ưa chuộng. Theo chị Huyền, một người đang kinh doanh các món đặc sản Cao Bằng qua trang mạng webtretho.com, lamchame.com, chị mở mục mua bán trên mạng này vì nhận thấy nhu cầu tìm mua thực phẩm Cao Bằng của người ngoại tỉnh khá lớn. Đặc biệt, miến Nguyên Bình là món rất được ưa chuộng, nhất là trong thời điểm sắp Tết Nguyên đán, bởi vì chất lượng tốt, lại không sử dụng chất bảo quản.

Miến dong Nguyên Bình đang dần chinh phục được thị trường. Điều quan trọng là cần có thương hiệu tập thể cho sản phẩm này, từ đó người dân có ý thức nâng cao chất lượng và giá trị cho đặc sản của họ. Bước đầu, sản phẩm miến dong Phja Đén (Nguyên Bình) đã trở thành một thương hiệu được nhiều người biết đến. Đó là một tín hiệu tốt, động lực cho người dân mở rộng quy mô sản xuất.

Trong mâm cỗ truyền thống ngày Tết của người Việt, bao giờ cũng có một bát canh miến. Và đối với người Cao Bằng, bát canh miến Nguyên Bình trong trong, nấu với thịt gà, kèm mộc nhĩ, nấm hương không đơn giản chỉ là một món ăn, mà nó còn mang đầy hương vị quê hương, góp phần làm cho những bữa cơm tất niên, những bữa ăn sum vầy của nhiều gia đình thêm đậm đà, ấm áp.

 Quỳnh Trang - Báo Cao Bằng