Đắk Nông: Người nông dân với sáng chế “bộ kết nối cầu sau của máy cày tay”

00:00 12/10/2020

(DNHN): Địa hình khu vực Tây Nguyên chủ yếu là đồi núi, dốc cao, nên việc vận chuyển và đi lại của bà con nông dân rất là khó khăn. Hàng ngày, do phải chứng kiến cảnh bà con nông dân chở nông sản, hàng hóa bằng xe cày (xe càng) leo dốc cực nhọc, nhiều lúc thấy xe cày của bà con phải “bò trườn” lên dốc, ông Ngô Viết Hường chủ cơ sở “cơ khí Cẩn” (CKC), quyết tâm tìm ra giải pháp giúp bà con nông dân thuận lợi hơn trong việc vận chuyển hàng hóa.

H1-CKC

 Cơ khí Cẩn (CKC) – cơ sở gắn liền với “Bộ kết nối cầu sau của máy cày tay”.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, trước đây gia đình ông Hường chưa có một ai theo nghề cơ khí – chế tạo máy móc, nhưng do nhìn từ gia đình mình, thấy khó khăn trong những ngày mùa - khi mưa gió, phải vận chuyển những hàng hóa nặng nề, leo lên những con dốc cheo leo, ông Hường đã nuôi ước mơ, sáng chế ra công cụ có ích cho người nông dân. Trước đây, xe chủ yếu chạy bằng đầu trước, nhưng ông Hường đã nghiên cứu để nâng cấp xe lên chạy cả phần sau, nhằm nâng sức kéo của xe để chở được nhiều hàng hóa hơn. Từ “cái khó ló ra cái khôn”. “Từ những ngày đầu tiên sáng chếvào năm 2003, tôi đã nuôi ước mơ, tìm tòi, sáng chế ra bộ máy giúp xe cày có thể chạy khỏe hơn khi leo dốc. Tôi bắt đầu nghiên cứu nguyên lý hoạt động của xe và nhận thấy xe yếu khi lên dốc là do bộ kết nối cầu sau xe, từ đó tôi “mày mò” và “nâng cấp” để xe có thể hoạt động tốt và chở được nhiều hàng hóa hơn”, ông Hường chia sẻ. Sau 2 năm nghiên cứu, trải qua biết bao khó khăn vất vả, trải qua bao lần thất bại, khó khăn từ tìm kiếm nguyên liệu đến kinh phí đầu tư, đến năm 2006 ông Hường đã đưa những sản phẩm đầu tiên đến với công chúng. Trước tiên ông thử nghiệm với máy cày nhà mình trước, do thấy hiệu quả đạt được cao hơn nên những người nông dân đã tin tưởng và tìm đến ông. Mặc dù, “bộ kết nối cầu sau của máy cày tay” chưa được hoàn thiện như những gì ông mong muốn, nhưng nó đã giúp bà con khá nhiều trong việc vận chuyển hàng hóa, xe lên dốc nhẹ nhàng hơn, máy khỏe hơn kèm theo đó có thể chở được nhiều hàng hóa hơn mà không cần tới sự hỗ trợ của Rơ Moóc. Bộ kết nối cầu sau của máy cày tay là giải pháp hữu ích đề cập đến hệ thống kết nối cầu sau của máy cày tay bao gồm bộ truyền động bánh xích, bộ chuyển hướng truyền động và bộ phận ngắt – nối cầu sau, liên kết truyền động giữa trục bị động của hộp số và cầu sau của xe, giúp xe có thể chạy với hai cầu chủ động nhằm tăng sức kéo để xe có thể vượt dốc hoặc đường lầy một cách dễ dàng. Trong đó, hệ thống kết nối cầu sau được tích hợp hai cơ cấu ngắt kết nối truyền động ở hệ thống truyền động bánh xích và bộ ngắt – nối cầu sau giúp ngắt kết nối hoàn toàn hệ thống kết nối cầu sau với hệ thống truyền lực của xe nhằm hạn chế hao mòn và tổn hao động năng không cần thiết. bo-ket-noi-may-cay

Bộ kết nối cầu sau của máy cày tay. “Mặc dù, sản phẩm đưa ra thị trường chưa đạt được hết công năng mong muốn, nhưng chưa bao giờ tôi nản lòng, khi gặp phải khó khăn, từ “cái khó ló ra cái khôn”. Từ những hạn chế đó, tôi mới dần nâng cấp sản phẩm hơn, giờ đây đã giúp được phần nào đó giảm thiểu khó khăn cho bà con nông dân”,ông Hường tâm sự. Nắm bắt được những hạn chế và thiếu sót của “bộ kết nối cầu sau” ông Hường đã dần hoàn thiện và nâng cấp hơn, giờ đây “sáng chế” của ông có thể giúp người nông dân yên tâm hơn khi chở nông sản qua những vũng lầy, những con dốc cao. Mỗi sản phẩm của ông đến tay người tiêu dùng chỉ từ 3-6 triệu đồng, một mức giá vừa phải, nhưng nó đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân rất nhiều. Hiện tại, các sản phẩm của ông được sử dụng ở khắp mọi miền đất nước, nhưng tập trung chủ yếu ở 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng; Tuyên Quang, Thái Nguyên..., khu vực với địa hình khó khăn – hiểm trở. Hiện tại, mỗi hộ dân đều có tới 2-3 chiếc để phục vụ trong sản xuất. Trước đây, khi mới chế tạo ra bộ kết nối cầu sau, thì gia đình ông vừa cung cấp sản phẩm, vừa lắp ráp tận nơi cho bà con, nhưng hiện tại cơ sở với số lượng hàng lớn, nhân công chỉ với 10 người và cơ sở vật chất nhỏ nên không đáp ứng được nhu cầu lắp ráp cho người dân, nên cơ sở đã dạy bà con cách tự lắp ráp để hạn chế chi phí và thuận lợi hơn trong các trường hợp cần thiết. Bộ kết nối cầu sau của cơ sở cơ khí Cẩn ra đời, nhận thấy được nhiều hiệu quả má sản phẩm mang lại được, đến ngày 22/08/2008 sản phẩm của ông đã được Bộ khoa học và Công nghệ, Cục sở hữu trí tuệ đã trao bằng độc quyền về kiểu dáng công nghiệp cho sáng chế của ông. Tiếp sau đó, sáng chế “bộ kết nối cầu sau của máy cày tay” liên tiếp nhận được những bằng khen từ UBND tỉnh Đắk Nông khi có thành tích xuất sắc trong Hội chợ Công nghệ và Thiết bị Việt Nam ASEAN +3 tại Hà Nội, UBND huyện Đắk Mil về sản phẩm công nhiệp nông thôn tiêu biểu... giay-chung-nhan

 Giấy chứng nhận độc quyền và các giải thưởng cơ sở nhận được.

Tỉnh cũng đã quan tâm và hỗ trợ cơ sở 80 triệu đồng để mua máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Nhưng do cơ sở ngày càng sản xuất với số lượng lớn, đòi hỏi trang thiết bị phải hiện đại hơn nên cơ sở vẫn cờn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Cơ sở không thể đủ máy móc để phục vụ, nên phải liên doanh với hai xưởng sản xuất ở TP.HCM,  để đúc và gia công sản phẩm. Đến công đoạn lắp ráp thì mới được chuyển về xưởng, để xưởng hoàn thiện sản phẩm và đưa ra thị trường. Nhờ “bộ kết nối cầu sau” mà hiện nay bà con nông dân đỡ vất vả hơn trong quá trình vận chuyển.Trước đây, khi chở hàng hóa, nông sản, những hộ dân khi leo đồi, dốc phải dùng Rơ Moóc mới cho xe lên được, nhưng hiện nay các xe có thể chở gấp đôi hàng hóa so với trước, bình thường leo dốc 2 tiếng nhờ Rơ Moóc, nay chỉ mất 2 phút, mỗi bộ kết nối cầu sau được sử dụng từ 10-20 năm. Sáng chế nối tiếp sáng chế - nhưng vẫn chưa được quan tâm. Nắm bắt được thực tế, khó khăn về kinh tế của bà con nông dân. Hiện tại cơ sở “cơ khí Cẩn” cũng đã chế tạo ra được “hộp số”, nhằm giải quyết tình trạng các hộp số được nhập khẩu từ bên Nhật với chất liệu bằng nhôm, nên quá trình sử dụng không được lâu dài, dễ hư hỏng khi chở hàng hóa nặng. Thấy được sự cần thiết của hộp số, cơ sở đã tìm hiểu và chế tạo ra hộp số, nhưng với vật liệu bằng “gang” nhằm tạo được sự chắc chắn, quá trình sử dụng được lâu dài hơn cho bà con. Bước đầu, sản phẩm này đưa ra thị trường đã nhận được những thành công bước đầu, nhưng do cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất đại trà nên việc đưa sản phẩm gần hơn đến tay người tiêu dùng là rất khó khăn.

san-pham--sang-che

  “Hộp số” bằng gang – sáng chế mới của CKC.

Hiện cơ sở ngày càng phát triển đưa ra những sản phẩm sáng tạo giúp ích cho phát triển nông nghiệp nông thôn, giúp bà con nông dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất góp phần nâng cao giá trị kinh tế. Đặc biệt những sản phẩm mới hiện nay đang trong giai đoạn thử nghiệm bước đầu cho kết quả khả quan được đánh giá cao. Tuy nhiên để những sản phẩm của cơ sở cơ khí Cẩn đến được với người tiêu dùng, cơ sở cần hơn nữa sự quan tâm, hỗ trợ từ Nhà nước, trong đó UBND tỉnh Đắk Nông cần có những biện pháp, quan tâm, giúp đỡ để những nhà sáng chế phát huy hết khả năng sáng tạo của mình, từ đó đưa các sản phẩm của Việt Nam vươn cao, vươn xa ra tầm Quốc Tế. Trọng Hòa - Dung Nguyễn.