Đắk Lắk: Sức sống mới ở xã Chư K’bô, huyện Krông Búk

00:00 12/10/2020

Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết, phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng và quyền làm chủ của nhân dân, từ năm 2011 đến nay, xã Chư K’Bô, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk đã tập trung các nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, làm cho diện mạo của địa phương và đời sống của người dân có nhiều thay đổi.

Nhờ xây dựng nông thôn mới nên đời sống của người dân đã ngày càng thay đổi.

Xã Chư K’Bô có diện tích tự nhiên gần 6.295 ha, dân số có hơn 2.800 hộ, gần 11.900 khẩu, gồm 4 dân tộc anh em cùng chung sống tại 21 thôn, buôn, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 3,6%. Năm 2011, khi bước vào thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã Chư K’Bô còn rất nhiều khó khăn. Khi ấy, qua công tác rà soát, xã mới đạt được 3 tiêu chí và 1 tiêu chí gần đạt theo so với yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia. Hạ tầng thiết yếu, như: giao thông, điện, thủy lợi, trường học, trạm y tế v.v... chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, để thực hiện thành công chương trình, Đảng bộ xã Chư K’Bô đã xác định phải phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng, tập hợp và phát huy tốt sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy và phát huy thật hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương; thực hiện tốt dân chủ với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”.

Ông Nguyễn Văn Huệ, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chư K’Bô, cho biết: xác định nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là rất quan trọng. Xây dựng nông thôn mới gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội sẽ nâng cao được đời sống vật chất và tinh thần cho bà con nhân dân trên địa bàn xã. Do đó, xã đã tập hợp tinh thần đoàn kết, trước hết là đoàn kết trong toàn Đảng bộ để tập trung huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội để thực hiện chương trình, đặc biệt là phát huy tốt dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân.

Những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới đã được Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể của xã Chư K’Bô tập trung thực hiện, nhờ đó đã tạo được sự đồng cao trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Nhân dân ở 21 thôn, buôn trên địa bàn xã đã tích cực hiến đất mở rộng đường giao thông, đóng góp tiền và ngày công để cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước xây dựng kết cấu hạ tầng, làm cho diện mạo nông thôn của xã Chư K’Bô ngày càng đổi mới. Ông Nguyễn Văn Huệ cho biết thêm: “Một trong những khó khăn của xã là địa bàn rộng, các thôn, buôn ở cách xa nhau, đường giao thông chủ yếu là đường đất, mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi mịt mù. Trước thực trạng đó, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cụ thể, lộ trình cụ thể để cùng với các nguồn vốn huy động của Trung ương và của tỉnh, chúng tôi đã huy động sức dân cũng như các doanh nghiệp trên địa bàn chung tay xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi cũng đã triển khai thực hiện chương trình một cách công khai đến tận thôn, buôn, đồng thời tổ chức họp dân bàn bạc cụ thể để nhân dân biết để rồi cùng trực tiếp góp công, giải phóng mặt bằng, góp tiền cùng với nhà nước thực hiện hoàn thành các tiêu chí về giao thông nông thôn”.

Giao thông trên địa bàn xã đã thuận lợi hơn trước

Đến nay, hệ thống giao thông trên địa bàn xã Chư K’Bô đã cơ bản được xây dựng bằng nhựa hóa và bê tông hóa. Nhờ vậy, việc đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa đã thuận lợi hơn trước. Ngay tại thôn Quảng Hà, nơi có 216 hộ dân sinh sống, trước đây đường đi trong thôn rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa, nhưng nay 80% tuyến đường trong thôn đã được thảm nhựa và đổ bê tông. Kết cấu hạ tầng trong thôn đã cơ bản được xây dựng hoàn thiện. Thu nhập bình quân của người dân đã đạt hơn 35 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở thôn chỉ còn 6%. 90% hộ dân trong thôn đã xây dựng được nhà ở kiên cố. Đời sống vật chất và tinh thần đã có nhiều thay đổi. Ông Nguyễn Trọng Bình, Bí thư Chi bộ thôn Quảng Hà cho biết: “Ngay từ đầu nhiệm kỳ đại hội chi bộ, chúng tôi đã triển khai nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và được sự đồng thuận của cấp ủy cùng các đảng viên. Chúng tôi cũng đã triển khai đến toàn dân, đồng thời chỉ đạo Ban tự quản cùng các đoàn thể triển khai thực hiện chương trình theo Nghị quyết của Chi bộ. Sau đó, Ban tự quản thôn đã tổ chức họp dân bàn bạc, thống nhất, triển khai thực hiện đúng Nghị quyết chi bộ đề ra”.

Từ năm 2011 đến nay, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, cán bộ và nhân dân xã Chư K’Bô đã đóng góp được hàng chục tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng tại địa phương. Riêng năm 2017 và 2018, xã đã huy động nhân dân đóng góp được gần 12 tỷ đồng, chủ yếu để đầu tư xây dựng giao thông ở các thôn, buôn. Nhờ tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nên những năm gần đây, kinh tế - xã hội ở xã Chư K’Bô đã có điều kiện thuận lợi để phát triển. Bà Lê Thị Hương, Thôn trưởng thôn Quảng Hà cho biết: “Trước đây, đời sống của người dân trong xã rất khổ, bởi vì do cơ chế nên mình chưa được tiếp cận các nguồn vốn của Nhà nước đầu tư. Những  năm gần đây, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước đã ngày càng thông thoáng hơn, thực tế hơn nên người dân cũng đã được tiếp cận nhiều nguồn vốn, trong đó có vốn vay với lãi suất thấp dành cho hộ nghèo, hộ khó khăn, đồng thời người dân cũng được tham gia các chương trình tập huấn, hướng dẫn về khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, như chăm sóc cây cà phê, hồ tiêu v.v... rồi chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, từ đó mới có cuộc sống đi lên như hôm nay”.

Chuối Nam Mỹ trồng xen sầu riêng và cao su phát tốt ở xã Chư K.Bô

Sau hơn 7 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Chư K’Bô đã cơ bản đạt được 19/19 tiêu chí theo yêu cầu đề ra. Cơ cấu kinh tế của xã đã có sự chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng thương mại - dịch vụ và phát triển tiểu thủ công nghiệp. Trong sản xuất nông nghiệp, xã Chư K’Bô đã có sự quan tâm hướng đến một nền nông nghiệp bền vững bằng cách tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và nguồn lao động tại địa phương. Hiện tại, trên địa bàn xã đã có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao DRI có trụ sở tại thành phố Buôn Ma Thuột. Công ty đang triển khai dự án trồng chuối già Nam Mỹ xen với cây sầu riêng và cao su tại thôn Bình Minh với quy mô 250 ha. Trước mắt, công ty đã thu hút được 23 lao động tại địa phương vào làm việc và trả lương bình quân hơn 8 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, công ty đã trồng được 77 ha và cây trồng ở đây phát triển khá tốt, góp phần thúc đẩy kinh tế trên địa bàn phát triển. Ông Nguyễn Lương Tri, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao DRI, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: “Chúng tôi tất cảm ơn chính quyền địa phương và những người lao động ở vùng dự án. Chúng tôi về đây đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh vì chúng tôi thật sự rất yêu mến vùng đất này bởi con người cũng như vùng đất này có nhiều ưu đãi cho chúng tôi. Hiện tại, hàng chục lao động tại địa phương mà chúng tôi đang sử dụng đều bảo đảm về mặt pháp lý và họ đều được hưởng đầy đủ các chế độ do pháp luật quy định. Họ là những con người cùng gắn bó với chúng tôi trên vùng dự án này”.

Như vậy, từ một địa phương có nhiều khó khăn, nhưng sau hơn 7 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông mới, sức sống mới đã hiện hữu trên vùng đất xã Chư K’Bô. Đến nay, bình quân thu nhập trên địa bàn xã đã đạt hơn 35 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã chỉ còn 6,36%. An ninh trật tự trên địa bàn xã luôn được ổn định. Hệ thống chính trị của xã không ngừng được củng cố, kiện toàn. Đến nay, Đảng bộ xã đã có 353 đảng viên sinh hoạt ở 30 chi bộ. 100% thôn, buôn trong xã đều đã có chi bộ. Các chi bộ trực thuộc Đảng bộ luôn duy trì sinh hoạt có nề nếp. Vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng và đảng viên trong đảng bộ luôn được đề cao, góp phần quan trọng vào việc đưa các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng đi vào thực tiễn, nâng cao đời sống cho người dân.

Nguyễn Hiếu