Đặc sắc lễ hội Bánh chưng bánh giày

00:00 12/10/2020

Sầm Sơn - vùng đất nhận được nhiều sự ưu ái của thiên nhiên. Là nơi màu xanh của đất trời hòa lẫn với màu xanh của biển. Con người Sầm Sơn chịu khó, cần cù lao động, thân thiện, cởi mở… Sự hòa quyện kết tinh giữa thiên nhiên đất trời và con người nơi đây đã để lại những truyền thống văn hóa đặc sắc và có giá trị. Lễ hội Bánh chưng bánh giày Sầm Sơn là sự tiếp nối truyền thống và là kết tinh văn hóa ngàn đời của người dân vùng biển nơi đây.

Lễ rước kiệu truyền thống 

Theo truyền thống, hàng năm cứ đến ngày 12-5 âm lịch, TP Sầm Sơn lại tổ chức Lễ hội Bánh chưng - bánh giày. Lễ hội năm nay có sự tham gia của các phường, xã trên địa bàn cùng đông đảo du khách thập phương. Ngay từ sáng sớm đã diễn ra nghi thức rước kiệu truyền thống của các đoàn cùng nhân dân tất cả các xã, phường. Hàng ngàn người trong trang phục truyền thống tham gia đoàn rước kiệu, đi dọc đường Hồ Xuân Hương kéo về sân đền Độc Cước.

Các đội nấu xôi cho nhanh chín để chuyến sang giai đoạn giã bánh

 Sau những nghi lễ truyền thống và chương trình nghệ thuật với chủ đề “Huyền thoại Sầm Sơn – Khí thiêng sông núi” là phần thi làm bánh giày của các làng đến từ các xã, phường trên địa bàn thành phố. Đây là nội dung đặc sắc, hào hứng, hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân và du khách đến xem, cổ vũ. Do được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, các công đoạn thi làm bánh giày được các nghệ nhân và nhân dân tái diễn chi tiết, thành thục.Bằng tấm lòng thành kính cùng với sức mạnh đoàn kết, sự  dẻo dai, nhanh nhẹn, khéo léo của từng thành viên đã tạo nên những chiếc bánh giày tròn, dẻo, trắng mịn, đúng theo quy định của ban tổ chức để dâng lên thần Độc Cước.

Các đội tham gia phần thi giã bánh

 Bà Cao Thị Sánh  (phường Trường Sơn) – người tham gia trực tiếp làm bánh tươi cười nói:Tôi đã tham gia làm bánh giày từ khi còn nhỏ. Mỗi khi đến ngày Lễ hội Bánh chưng bánh giày tôi tất vui, phấn khởi và thấy khỏe hẳn ra. Những người già như chúng tôi tham gia làm bánh, còn giã bánh là việc của các thanh niên trai trẻ.

Bà con phường Trường Sơn đang làm bánh để chuẩn bị cho lễ hội 

Theo lời kể của các cụ cao niên ở Sầm Sơn, Lễ hội Bánh chưng bánh giày vốn có tên là Lễ hội Cầu mưa (tên chữ là Đảo vũ), là lễ hội của cư dân nông nghiệp. Trước Cánh mạng Tháng 8/1945, lễ hội này diễn ra không theo một ngày tháng nào cố định nào. Chỉ những năm nắng nhiều, hạn hán, nông nghiệp không được mùa thì Tri phủ mới sức cho các huyện tổ chức Lễ hội Cầu mưa. Có khi 1, 2 năm tổ chức một lần; có thời gian lâu nhất chừng 13 năm mới lại tổ chức. Địa điểm tổ chức lễ hội cũng không theo một nơi nhất định mà thường do quan huyện lựa chỗ có bãi trống, nhiều bóng mát, đủ điều kiện chọn làm nơi tổ chức lễ hội. Làng xã chịu trách nhiệm đăng cai dựng rạp, lập đàn cúng tế trời đất cho buổi lễ.

Là lễ hội của cư dân nông nghiệp, cầu cho mưa thuận gió hòa, vượt qua sự khắc nghiệt bất thường của thời tiết để mùa màng tốt tươi, nên lễ vật chính là bánh chưng bánh giày tượng trưng cho trời đất, âm dương. 

Ngày nay Lễ hội Cầu mưa có tên là Bánh chưng bánh giày, bởi người ta gọi theo vật phẩm chính của buổi tế lễ. Từ năm 1992, lễ hội lần đầu tiên được tổ chức lại vào ngày 12/5 âm lịch, và đã trở thành lễ hội hàng năm của Sầm Sơn. Mục đích để lưu giữ lại nét văn hóa tốt đẹp của quê hương, bên cạnh đáp ứng nhu cầu tâm linh cầu cho mùa màng tốt tươi, đồng thời là sự tái hiện một nét văn hóa tâm linh truyền thống và là sản phẩm du lịch độc đáo của Sầm Sơn, góp phần thu hút du khách.     


Ban giám khảo chấm điểm phần thi bánh giày cho các đội 

Ông Lương Tất Thắng, Phó bí thư, Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ: Lễ hội bánh chưng – bánh giày truyền thống của thành phố Sầm Sơn là dịp để tạ ơn trời đất, tạ ơn Đức thánh Độc Cước chân nhân và các vị thần đã phù hộ độ trì cho muôn dân có cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc; cầu cho mưa thuận gió hòa để du lịch Sầm Sơn thành công, mùa màng tươi tốt, tôm cá đầy thuyền.

Hiền Minh