Đặc khu kinh tế: Cơ hội và trở ngại

00:00 12/10/2020

Đặc khu kinh tế chính là các cực tăng trưởng, mang tính ổn định, tạo môi trường sống và làm việc năng động, hiệu quả, hiện đại; môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư, nâng cao thu nhập bình quân đầu người, đóng góp cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, tạo động lực lan tỏa đến các khu vực xung quanh và toàn bộ nền kinh tế.

Xu thế tất yếu của những cực tăng trưởng mới

Tốc độ phát triển nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại sau nhiều năm tăng trưởng khá. Các khu kinh tế, khu công nghiệp, chế xuất từng hút gần một nửa vốn đầu tư nước ngoài nay đang giảm dần sức hấp dẫn. Trong khi, áp lực cạnh tranh với các nền kinh tế khác đang ngày càng gay gắt.

Tiềm năng, lợi thế tự nhiên và nguồn lực của đất nước đã dần tới hạn. Không thể đầu tư dàn trải, thay vào đó phải là sự tập trung cho một số đầu tàu kéo tăng trưởng cả nước đi lên. Một động lực đột phá mới như đặc khu là điều mà kinh tế Việt Nam đang cần lúc này.

Một trong những đặc khu kinh tế thành công và gây được tiếng vang vào những năm 90 của thế kỷ trước là đặc khu kinh tế Thẩm Quyến (Trung Quốc). Mô hình này đã phổ biến ra thế giới. Hiện nay, Trung Quốc đang có 571 đặc khu, đóng góp vào 22% GDP của toàn Trung Quốc, thu hút 45% tổng FDI của Trung Quốc và tạo ra hơn 30 triệu việc làm. Sau này phải kể đến các đặc khu tại Singapore, Tiểu vương quốc Ả Rập,... Sự thành công của các đặc khu này cho thấy vai trò tích cực của đặc khu trong sự phát triển kinh tế.

Đặc khu kinh tế đã trở thành công cụ chủ chốt để đổi mới chính sách và cải cách kinh tế, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và hiện đại hóa kinh tế trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Đây được kỳ vọng sẽ tạo sân chơi mới với các ưu đãi vượt trội, thu hút làn sóng đầu tư khắp thế giới.

Cụm từ “Đặc khu kinh tế” được nhắc đến lần đầu tiên cách đây hơn 20 năm, tại Nghị quyết Trung ương 4 khóa VIII (1997). Đến năm 2017, trên cơ sở Thông báo kết luận số 21-TB/TW ngày 22/3/2017 của Bộ Chính trị, Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, được chuẩn bị từ năm 2014 mới chính thức được Chính phủ trình ra Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV (tháng 10-11/2017).

Nhiều cơ hội mở rộng

Việt Nam đã rất thành công đối với thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện nay Việt Nam có gần 100 tỷ USD vốn nước ngoài đầu tư vào các khu công nghiệp. Theo đó, các khu công nghiệp có vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam. Cụ thể, chiếm 52% tổng thu hút FDI, 42% số lượng sản xuất công nghiệp và 52% sản lượng xuất khẩu. Nhiều khu công nghiệp đang được khu vực tư nhân xây dựng với chuỗi giá trị trong một số ngành mũi nhọn như điện tử, ô-tô,... Ngoài ra, các khu công nghiệp này cũng đã tạo ra môi trường kinh doanh khá thuận lợi, như đơn giản hóa thủ tục, cơ chế một cửa, thông quan, giải phóng hàng ra khỏi cảng,...

Việc xây dựng các đặc khu được định hướng phát triển với hai mục tiêu chính, đó là: Hình thành 3 khu vực tăng trưởng kinh tế cao có tác động lan tỏa tới khu vực và toàn bộ nền kinh tế, thu hút công nghệ cao với những ngành nghề, lĩnh vực cạnh tranh phù hợp xu thế phát triển của thế giới; nơi đáng sống và làm việc, nơi thịnh vượng về kinh tế song song với phát triển bền vững về môi trường, đảm bảo công bằng xã hội và nâng cao đời sống của người dân. Chủ động tạo ra một "sân chơi mới" với các thể chế, chính sách đặc biệt thuận lợi, vượt trội, cạnh tranh quốc tế cho phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D); các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ mới 4.0; giáo dục, y tế chất lượng cao; dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa; phát triển dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay; thương mại và tài chính quốc tế gắn với cảng biển.

Một trong những đạo luật được dư luận quan tâm nhất sẽ được đưa ra thảo luận và có thể được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV (khai mạc ngày 21/5) chính là Luật Đơn vị Hành chính Kinh tế đặc biệt, hay còn gọi là Luật Đặc khu. Lần đầu tiên, đạo luật này được xây dựng nhằm phục vụ cho sự ra đời chính thức của 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt ở 3 miền, đó là: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Đặc khu Bắc Vân Phong (Khánh Hòa)

Điều này thể hiện sự nhất quán và quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với mô hình này trong việc xây dựng sân chơi mới, luật chơi mới với thể chế, chính sách vượt trội, nhằm cạnh tranh và thu hút đầu tư trong và ngoài nước, sẽ là những cực tăng trưởng mới, lan tỏa sự phát triển ra toàn nền kinh tế. Đồng thời sẽ là nơi thí điểm những thể chế vượt trội, chính sách ưu đãi đặc biệt và chưa có tiền lệ để thu hút đầu tư.

Về những cơ hội này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh:

 Ông Nguyễn Chí Dũng- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

“Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, hợp tác phát triển quốc tế và khắc phục những hạn chế của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao hiện tại, Việt Nam đã nghiên cứu và xây dựng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) tại 03 địa điểm là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Việc xây dựng và hoàn thiện Luật Đặc khu với các cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức chính quyền địa phương và các cơ quan tư pháp sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để phát triển 3 đặc khu, tạo sự lan tỏa, tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như thử nghiệm các thể chế, chính sách mới tại Việt Nam”.

Đánh giá về những cơ hội của Việt Nam khi phát triển đặc khu kinh tế,Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB), nhận định: Việt Nam đã thu hút rất tốt các nhà đầu tư bởi các yếu tố như nhân lực dồi dào, chi phí nhân công và năng lượng rẻ, công nghiệp chế biến chế tạo phát triển, các chính sách thuế ưu đãi một cách hào phóng.

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB)

Ông Sebastian cũng chia sẻ kinh nghiệm từ thành công của một số đặc khu kinh tế trên thế giới, cần có ba yếu tố quan trọng, đó là: địa điểm tốt, kết nối hạ tầng tốt và có môi trường chính sách tốt.

Đồng thời ông đưa ra một số hàm ý đối với Việt Nam: Khuyến khích đầu tư theo quy hoạch tổng thể các ngành, tập trung vào cá ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường và ít tiêu thụ năng lượng; Phát triển các khu công nghiệp theo hướng bền vững, chú trọng tới chất lượng, tác động kinh tế - xã hội và tăng cường kết nối với các doanh nghiệp trong nước. Cụ thể là tập trung thu hút đầu tư cho những doanh nghiệp ở các mặt như: Tạo mức lương cao hơn (thông qua việc tạo ra sản lượng bình quân đầu người cao hơn); Thúc đẩy phát triển kỹ năng, chuyển giao công nghệ R&D trong nước; Khuyến khích sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên (không chỉ năng lượng mà cả đất đai, nước, nguyên liệu thô…); Tạo cơ hội cho tất cả các doanh nhân và nhà đầu tư trong nước hợp tác với các công ty nước ngoài trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó có cả doanh nghiệp nhỏ và vừa; Tăng cường năng lực cạnh tranh của tất cả mọi doanh nghiệp Việt Nam (ví dụ, thông qua cải thiện chuỗi cung ứng, logistics,…). Mặt khác, khi phát triển các đặc khu kinh tế, nếu quốc gia có tài nguyên hấp dẫn và thị trường rộng lớn, các nhà đầu tư sẽ tự tìm đến đến mà không cần xúc tiến quảng bá hay có chính sách ưu đãi.

Có thể thấy, đặc khu kinh tế phát triển càng tạo nhiều cơ hội cho các doanh nhân và nhà đầu tư trong nước hợp tác với các công ty nước ngoài trong chuỗi giá trị toàn cầu, càng không phải là gạt bỏ các nhà đầu tư và doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước như một số luồng ý kiến lo ngại.

Mặt khác, đặc khu kinh tế sẽ là cơ hội để phát triển cụm công nghiệp và là “Phòng thí nghiệm” để xây dựng và thử nghiệm các chính sách và công cụ mới.

Vẫn còn không ít trở ngại

Việc xây dựng các đặc khu có thể sẽ dẫn đến những sân chơi không bình đẳng, tạo ra các hiệu ứng “quá nhiều tiền”. Vẫn theo ông Sebastian Eckardt: "Việt Nam đang xây dựng cùng lúc nhiều đặc khu khác nhau, điều này có thể phát sinh những "cuộc đua xuống đáy" về thuế và chính sách ưu đãi và pháp quy. Thay vì đưa ra những chính sách bằng nhau thì các đặc khu cắt giảm khuôn khổ, xé rào chính sách. Điều này sẽ dẫn tới những ảnh hưởng không mong muốn, như tác động môi trường, thay đổi chuẩn mực môi trường".

Việc áp dụng các mô hình đặc khu kinh tế thực hiện từ những năm 1990 của thế kỷ trước nổi tiếng nhất như Thẩm Quyến, Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore... được coi là những mô hình mẫu phổ biến trên thế giới cần hết sức thận trọng, chưa chắc đã là kinh nghiệm tốt đối với Việt Nam, thậm chí có thể sẽ có nhiều rủi ro. Bởi hạn chế đầu tư ở các đặc khu hiện nay là việc phân mảnh môi trường pháp quy, tạo ra sân chơi không bằng phẳng, chỉ có ở địa phương. Mặt khác, có thể tạo hiệu ứng nghịch, mang lại nhiều bất lợi, chẳng hạn, sự lệ thuộc quá mức vào các ưu đãi về thuế có thể bị lạm dụng.

GS, TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp: “Các nhà đầu tư luôn mong muốn làm ăn có lãi nhưng phải đúng luật. Hệ thống thể chế và pháp luật nước ta phức tạp nhất thế giới bởi có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, đừng để những thứ đặc thù trở thành rào cản những phát sinh mới của nhân loại. Cần phải có sự phân quyền rõ ràng, luật đi thẳng vào đời sống, hạn chế những thể chế, thông tư”.

GS, TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp

Ông Trần Đạo Đức, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn C.E.O: “Hiện nay,để triển khai một dự án chúng tôi phải di chuyển 3 nơi là UBND Huyện, UBND tỉnh và chủ tịch đặc khu. Ceo mong muốn là nhà đầu tư chiến lược tại Phú Quốc, nhưng chúng tôi cũng mong muốn sự an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư yên tâm”.

                                              Ảnh: Nguồn Internet

Cách tính tiền sử dụng đất đang phức tạp, kéo dài, mất nhiều thời gian để hoàn tất các thủ tục này và không tạo được sự chủ động cho các doanh nghiệp trong việc tiên lượng các chi phí tạo lập quỹ đất khi quyết định đầu tư dự án.

Vì vậy, bên cạnh thể chế minh bạch, hiệu quả hoạt động của chính quyền là điều kiện đủ, thì các chính sách ưu đãi là điều kiện cần để các nhà đầu tư quyết định có đầu tư hay không vào các đặc khu kinh tế.

Đỗ Thảo