Đã có hàng loạt doanh nghiệp báo lỗ quý 2 và 6 tháng đầu năm 2018

00:00 12/10/2020

Trong đó khá bất ngờ khi Thép Việt Ý lỗ đến 68 tỷ đồng trong quý 2/2018 - số lỗ lớn nhất từ khi lên sàn.

Đã có hàng loạt doanh nghiệp báo lỗ quý 2 và 6 tháng đầu năm 2018

Mùa báo cáo tài chính quý 2 và kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 dù mới bắt đầu chưa lâu nhưng số doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh đã lên đến mấy trăm. Ngoài số doanh nghiệp lãi đột biến, thậm chí vượt kế hoạch cả năm, thì cũng không ít doanh nghiệp đã báo lỗ.

Không kể những doanh nghiệp thường xuyên lỗ, hoặc thậm chí còn dự đoán kết quả kinh doanh lỗ từ thời điểm đầu năm, trong kế hoạch kinh doanh của công ty, thì cũng xuất hiện khá nhiều cái tên gây bất ngờ.

Thép Việt Ý (VIS) gây sự chú ý cho các nhà đầu tư từ khi Tổng công ty Sông Đà thoái vốn và chủ nhân mới Thái Hưng xuất hiện. Lúc đó Việt Ý đã có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh với "luồng gió mới" thổi đến từ Thái Hưng.

Tuy nhiên, cuối năm 2017 nhà đầu tư chiến lược Kyoei Steel – một công ty thép của Nhật xuất hiện, dần mua lại cổ phần từ Thái Hưng và hiện tại Thép Việt Ý một lần nữa đổi chủ.

Giai đoạn chuyển giao lần này Thép Việt Ý bất ngờ báo lãi vỏn vẹn chưa đầy 2 tỷ đồng trong quý 1 và lỗ gần 68 tỷ đồng trong quý 2. Dẫn đến số lỗ 6 tháng đầu năm lên đến xấp xỉ 66 tỷ đồng – cũng là số lỗ lớn nhất trong 1 quý mà Thép Việt Ý gánh chịu kể từ khi lên sàn.

Theo giải trình từ phía công ty, kết quả kinh doanh nửa đầu năm thua lỗ do nhu cầu thép trong nước vẫn yếu, giá thép giảm trong khi giá nguyên liệu đầu vào không đổi, thậm chí còn tăng mạnh dẫn tới giá thành tăng cao.

Đã có hàng loạt doanh nghiệp báo lỗ quý 2 và 6 tháng đầu năm 2018 - Ảnh 1.

So sánh doanh thu 6 tháng của các doanh nghiệp so với cùng kỳ.

Cũng doanh nghiệp ngành thép, nhưng việc Thép Dana Ý (DNY) báo lỗ không làm cho nhà đầu tư ngạc nhiên do việc công ty đang liên quan đến vụ gây ô nhiễm môi trường khiến người dân biểu tình phản đối hồi đầu năm 2018 và đã bị tạm dừng hoạt động sản xuất thép chờ phương án xử lý. Dana Ý vẫn được bán các hàng tồn kho để giảm trừ thiệt hại.

Cuối tháng 3 Thép Dana Ý đã được hoạt động sản xuất trở lại để giảm thiểu các thiệt hại phát sinh khi tạm dừng hoạt động. Đồng thời với đó UBND Thành phố đã "hủy bỏ chủ trương quy hoạch, di dời, giải tỏa khu vực lân cận 2 nhà máy thép Dana Y và Dana Úc". Như vậy hiện tại Dana Ý vẫn còn chờ phương án xử lý tiếp theo.

Vì ảnh hưởng đó nên quý 1 Dana Ý lỗ 17,5 tỷ đồng. Nhờ số lãi đạt được hơn 6,1 tỷ đồng quý 2 mà tính chung 6 tháng đầu năm 2018 Dana Ý còn lỗ khoảng 11,4 tỷ đồng.

Doanh nghiệp ô tô - Ô tô TMT (TMT) vừa báo lỗ quý thứ 2 liên tiếp với số lỗ hơn 9 tỷ đồng, nâng tổng lỗ 6 tháng đầu năm lên 10,1 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn lãi sau thuế hơn 3 tỷ đồng.

Việc kinh doanh ô tô của các doanh nghiệp ngành xe nói chung đang gặp khó khăn do tâm lý chờ đợi chính sách thuế của người mua. Tâm lý này đã tồn tại từ cuối năm 2017 khi chờ chính sách cụ thể năm 2018 – và lại tiếp tục chờ đợi khi kết quả giảm thuế không nằm trong dự kiến mong đợi của khách hàng. Bên cạnh đó các doanh nghiệp phân phối xe nhập khẩu cũng đang rơi vào thế khó khi thủ tục nhập khẩu xe về nước còn vướng nhiều thủ tục.

Đã có hàng loạt doanh nghiệp báo lỗ quý 2 và 6 tháng đầu năm 2018 - Ảnh 2.

Dù các tổ máy số 1 và số 2 đã bắt đầu phát điện thương mại từ năm 2012, nhưng đến tháng 7/2016 Thủy điện Bắc Hà (BHA) mới tham gia thị trường phát điện cạnh tranh và đến tháng 11/2016 mới hoàn thành quyết toán dự án Thủy điện Bắc Hà. Do vậy cả quý 2 và lũy kế 6 tháng đầu năm 2018 doanh thu bán điện thương phẩm của Thủy điện Bắc Hà đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.

Tuy nhiên do khoản vay nợ thuê tài chính còn rất lớn, tính đến hết quý 2/2018 còn 1.321 tỷ đồng nợ dài hạn, nên chi phí trả lãi tiền vay hàng quý lớn, không đủ bù đắp số lãi từ bán điện. Do vậy nửa đầu năm 2018 Thủy điện Bắc Hà lỗ 47 tỷ đồng – giảm 20 tỷ đồng so với cùng kỳ và nâng tổng lỗ lũy kế lên trên 80 tỷ đồng.

Thủy điện Miền Trung (CHP) đã phát điện trở lại từ quý 2/2018 sau khi tạm dừng phát điện để thực hiện đại tu tổ máy H1 và bảo dưỡng đường hầm dẫn nước từ quý 4 năm ngoái. Tuy vậy doanh thu và lợi nhuận quý 2 vẫn giảm sút so với cùng kỳ. Đồng thời quý 1 không phát điện nhưng vẫn phải duy trì hoạt động với chi phí cao nên lỗ đến 74 tỷ đồng. Tính chung lại 6 tháng đầu năm 2018 Thủy điện Miền Trung lỗ 18,7 tỷ đồng – giảm sâu so với số lãi gần 198 tỷ đồng đạt được nửa đầu năm ngoái.

CTCP Chế tạo giàn khoan dầu khí (PVShipyard) thông báo quý 2 lỗ thêm hơn 18 tỷ đồng trong quý 2/2018, nâng tổng lỗ từ đầu năm lên 30,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong cả 6 tháng đầu năm 2018 PVShipyard không có hợp đồng chế tạo giàn khoan nào. Hợp đồng giá trị nhất của công ty là những hợp đồng chế tạo xà lan cá hồi.

Còn CTCP Xây dựng công nghiệp và dân dụng Dầu khí (PXI) chỉ đạt gần 11 tỷ đồng doanh thu, xấp xỉ bằng 1/4 cùng kỳ, nâng tổng doanh thu 6 tháng đầu năm lên trên 149 tỷ đồng. Trừ chi phí giá vốn và các loại chi phí khác PXI ghi nhận lỗ gần 9 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm – cải thiện rất nhiều so với số lỗ 19,9 tỷ đồng nửa đầu năm ngoái.

Đạm Hà Bắc (DHB) báo cáo doanh thu quý 2 tăng 23% so với cùng kỳ, lên mức 843 tỷ đồng. Chi phí giá vốn cũng giảm dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vị đạt gần 160 tỷ đồng, tăng đến 35% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên do gánh nặng chi phí tài chính, mà chủ yếu là chi phí lãi vay nên quý 2 Đạm Hà Bắc vẫn lỗ hơn 83 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm lên gần 170 tỷ đồng.

Trên báo cáo tài chính công ty thể hiện tính đến hết quý 2 Đạm Hà Bắc còn vay nợ ngắn hạn 851 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn 6.903 tỷ đồng. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc công ty phải mang gánh nặng chi phí tài chính.

CTCP Nông nghiệp và thực phẩm Hà Nội – Kinh Bắc (HKB) cho biết hiện công ty đang trong quá trình tái cơ cấu và sắp xếp lại nguồn vôn tín dụng với các ngân hàng nên không đủ nguồn vốn ngắn hạn để phục vụ cho hoạt động SXKD. Do vậy doanh thu quý 2 chỉ hơn 5,3 tỷ đồng, bằng 1/8 cùng kỳ. Và trừ các loại chi phí thì quý 1 lỗ hơn 15 tỷ đồng.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2018 doanh thu đạt gần 22,5 tỷ đồng và Hakinvest báo lỗ đến 27,37 tỷ đồng, tăng nhiều so với số lỗ 18,1 tỷ đồng ghi nhận trong nửa đầu năm ngoái. Tổng lỗ lũy kế chưa phân phối đến cuối quý 2 lên đến trên 44 tỷ đồng.

Vneco 2 (VE2) lỗ 6 tháng đầu năm 2018 chưa đến 400 triệu đồng nhưng cũng đã nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối quý 2 lên 369 tỷ đồng.

Doanh nghiệp chế biến điều – CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAF) cũng vừa có kỳ kinh doanh không thuận lợi khi doanh thu quý 2 chỉ bằng 21% so với cùng kỳ, đạt gần 99 tỷ đồng, trong khi giá vốn bỏ ra còn lớn hơn cả doanh thu nên Lafooco đã lỗ gộp 14 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2018 Lafooco đạt 224 tỷ đồng doanh thu và ghi nhận lỗ 27,9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi sau thuế 11,4 tỷ đồng.  

Habeco Hải Phòng (HBH) báo lỗ quý thứ 2 liên tiếp với số lỗ gần 2 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế từ đầu năm 2018 lên hơn 8 tỷ đồng.  

Bánh kẹo Hải Hà (HHC) đang chìm trong rắc rối với cuộc đấu tranh quyền lực từ khi Vinataba thoái hết 51% vốn. Số cổ phần này được 1 cá nhân là bà Nguyễn Thị Duyên mua vào. Sau đó cô phần được thay chủ liên tục với các cái tên được nhắc đến như bà Lê Bích Thục, như bà Trần Thị Thu Trang, ong Nguyễn Văn Bắc, ông Vũ Hải, rồi đến bà Trương Thị Bửu và ông Lưu Văn Vũ.

Sự biến động cổ đông lớn liên tục khiến ĐHCĐ thường niên năm 2018 của công ty đã 3 lần họp bất thàng. Doanh thu quý 2 đạt 159 tỷ đồng và ghi nhận hơn 7,3 tỷ đồng lỗ. Nhờ số lãi nhận được trong quý 1 mà Hải Hà đã thoát lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm, còn ghi nhận lãi sau thuế vỏn vẹn chưa đến 1 tỷ đồng. 

Chứng khoán ACB (ACBS) công bố doanh thu quý 2 tăng 106% so với cùng kỳ, đạt 128 tỷ đồng. Tuy nhiên do chi phí tăng đột biến 829% lên mức 109 tỷ đồng nên ACBS lỗ ròng hơn 17 tỷ đồng trong quý 2. Nhờ quý 1 lãi lớn nên lũy kế 6 tháng đầu năm 2018 Chứng khoán ACB vẫn lãi ròng đến 49 tỷ đồng.  

Còn rất nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh không thuận lợi trong quý 2 và cả 6 tháng đầu năm 2018.

Thạch Lâm