Cứu hàng không để nền kinh tế hồi phục một cách hữu hiệu?

00:00 12/10/2020

Chính phủ đã có hàng loạt gói hỗ trợ về tiền tệ, tài khóa, an sinh xã hội... để cứu doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế dần thoát khỏi những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra lúc này là chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía các cấp, các ngành ngoài yếu tố minh bạch, kịp thời còn cần thúc đẩy sự vươn lên của bản thân doanh nghiệp để kích thích tăng trưởng, giải quyết việc làm.

Cục Hàng không cho biết từ đầu tháng 4 đến nay, lượng hành khách vận chuyển hàng không chỉ bằng 1-2% so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19. Ảnh minh họa: TTXVN

Vận tải hàng không vào nhóm ưu tiên 'cấp cứu'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 13-4 đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến về công tác chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Thủ tướng với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh ứng phó dịch Covid-19. Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, trong đó mức độ thiệt hại đối với cộng đồng doanh nghiệp rất nặng nề, nhất là các ngành du lịch, vận tải, dịch vụ ăn uống...

Đánh giá cao những gói hỗ trợ tăng trưởng của các bộ, ngành, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp từ phía các địa phương, Thủ tướng cho rằng tiếp theo cần có một hội nghị với doanh nghiệp toàn quốc để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, đồng thời giám sát, kiểm tra, đáng giá hiệu quả của các gói hỗ trợ, qua đó kịp thời hoàn thiện các giải pháp phù hợp và hoàn thiện hơn; xử lý, giải quyết cụ thể các vấn đề, khó khăn từ các loại hình doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề để khắc phục các bất cập, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Cũng trong ngày 13-4, TS. Cấn Văn Lực và các cộng sự ở Viện Đào tạo và Nghiên cứu ngân hàng BIDV công bố báo cáo đánh giá về tác động của Covid-19 lên các ngành kinh tế Việt Nam. Báo cáo này khẳng định, hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế đều chịu tác động tiêu cực. Vấn đề là trong bối cảnh nguồn lực có hạn, Chính phủ cần đánh giá chính xác mức độ thiệt hại của từng ngành đề lựa chọn ưu tiên và thiết kế các gói hỗ trợ nhanh, hiệu quả, có sức lan tỏa lớn. Hay nói khác đi, việc xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ đóng vai trò rất quan trọng.

Nhóm nghiên cứu xác định 7 ngành, gồm du lịch, hàng không, vận tải, kho bãi, bán lẻ, tài chính - ngân hàng, kinh doanh bất động sản, dịch vụ y tế... chịu ảnh hưởng do biến động về tổng cầu và xáo trộn do dịch bệnh. Tuy nhiên, mức độ bị tác động của các ngành không giống nhau. Có ngành tác động tức thì, toàn diện, nghiêm trọng (như du lịch, hàng không), có ngành chịu tác động có độ trễ (tài chính - ngân hàng) và có ngành chịu tác động 2 chiều (y tế).

SSI Reseach trong Báo cáo thương mại phát hành đầu năm 2019 cho biết, độ mở của nền kinh tế Việt Nam tính đến thời điểm đó là 200%, đồng nghĩa với việc kinh tế Việt nam cũng nhạy cảm hơn với các diễn biến bên ngoài.

Như vậy, khi đại dịch Covid 19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, giao thương toàn cầu thì việc đầu tiên cần làm là nối lại giao thương để phục hồi tăng trưởng, cả trong và ngoài nước. Và hàng không, vận tải vốn là những ngành chịu tác động đầu tiên và mạnh mẽ trong số các nhóm ngành dịch vụ, cần những chính sách ưu tiên để góp phần nối lại những “đứt gãy” sau đại dịch, thúc đẩy chuỗi cung ứng, giao thương, dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Tại một cuộc hội thảo vào năm 2019 về phát triển hàng không, ông Nguyễn Thiện Tống, giảng viên trường Đại học Bách Khoa (TPHCM) cho rằng có sự tác động qua lại một cách nhanh chóng giữa tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng hàng không. Khi kinh tế phát triển sẽ kéo theo ngành hàng không phát triển và ngược lại.

Ví dụ, giai đoạn 1996-2017, GDP Việt Nam tăng 3,43 lần trong khi vận chuyển hành khách qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tăng 6,92 lần, qua sân bay quốc nội Tân Sơn Nhất tăng 11,33 lần. Như vậy, mức tăng trưởng sản lượng hành khách qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tăng gấp 2 lần và mức tăng trưởng sản lượng hành khách qua sân bay quốc nội Tân Sơn Nhất gấp 5 lần tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam. Các dự báo khác đều cho thấy, tốc độ tăng trưởng thực tế (gắn với sức mua) của thị trường hàng không đều bằng 1-2 lần tăng trưởng GDP. Như vậy có thể nói, ngành hàng không có quan hệ cộng sinh mạnh với các ngành khác và với tăng trưởng GDP của nền kinh tế.

Ông Tống cũng cho biết là trong quá trình ông và các cộng sự nghiên cứu các kế hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, nhận thấy bình quân mỗi năm hành khách hàng không nội địa đóng góp 100 đô la Mỹ, tương ứng 10 triệu khách nội địa đóng góp 1 tỉ đô la cho nền kinh tế; hành khách quốc tế đóng 500 đô la Mỹ, 20 triệu khách quốc tế đóng góp 10 tỉ đô la cho nền kinh tế. Trên thực tế, do tính cạnh tranh trên thị trường hàng không ngày càng trở nên quyết liệt, mức doanh thu bình quân/khách trong vòng 2 năm gần đây không còn cao như tính toán của ông Tống nhưng cũng tạo ra những động lực tăng trưởng lớn cho kinh tế. Bởi vì ngành vận tải, hàng không có sự thông thương thì các cơ hội giao thương, hoạt động đầu tư trong và ngoài nước, hoạt động cung ứng và hậu cần mới có thể kết nối trở lại.

Hãng hàng không Vietnam Airlines thực hiện hàng trăm chuyến bay vận chuyển hàng hóa cứu trợ đi khắp trong và ngoài nước trong dịp Covid-19. Ảnh: VNA

Cần những toa thuốc đặc trị 

Các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã ban hành các gói kích thích kinh tế bằng chính sách lẫn tài chính để cứu nền kinh tế, doanh nghiệp và người lao động. Trong đó có các chính sách giải cứu ngành hàng không như tiến hành quốc hữu hóa, cung cấp các khoản vay khẩn cấp... Những động thái này được tiến hành đồng loạt theo nhiều cách khác nhau ở khắp các quốc gia để tránh các nguy cơ phá sản các hãng hàng không.

Vietnam Airlines, hãng có đến hơn 90% vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng đưa ra hàng loạt thông báo cho Chính phủ biết tình trạng “sức khỏe” của mình trong quí 1-2020 năm nay và dự báo cho cả năm 2020. Hãng dự kiến bị lỗ 2.383 tỉ đồng trong quí 1, lỗ gần 20.000 tỉ nếu dịch bệnh kéo dài đến hết năm, chưa tính các khoản vay đến hạn không thanh toán được. Hãng hàng không quốc gia đề xuất được cho vay 12.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi, giải ngân từ tháng 4 để cứu lấy doanh nghiệp.

Hai hãng hàng không tư nhân Vietjet Air và Bamboo Airways không công bố các khoản lỗ và sức chịu đựng của mình trước dịch bệnh. Nhưng với quy mô thị phần 44% và doanh thu năm 2019 chỉ kém hơn Vietnam Airlines, Vietjet Air cũng đang chịu những tác động nặng nề của việc dừng bay. Còn Bamboo Airways là hãng mới ra đời, đang trong giai đoạn đầu tư ban đầu thì thiệt hại lại càng nặng.

Chính phủ đã có những gói hỗ trợ cụ thể về tiền tệ do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì (tổng giá trị khoảng 300.000 tỉ đồng); gói hỗ trợ về tài khóa, thuế, giãn nợ, miễn giảm một số khoản thu cho các đối tượng ( khoảng 180.000 tỉ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (62.000 tỉ đồng)... Chưa kể đến những khoản đầu tư công gần 700.000 tỉ đồng (khoảng 30 tỉ đô la Mỹ) cần giải ngân hết năm nay.

Trong lĩnh vực đầu tư công, vốn giải ngân được đẩy nhanh qua chính sách chuyển hàng loạt các dự án hạ tầng được đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP) sang đầu tư hoàn toàn bằng vốn Nhà nước, trong đó có các dự án cải tạo, nâng cấp các cảng hàng không. Các gói tiền tệ, tài khóa đều chỉ đạo mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

NHNN nhấn mạnh việc “cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, các lĩnh vực bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch”. Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng thương mại đều chưa ban hành chi tiết hướng dẫn về việc này, nhất là mức độ ưu tiên cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh như hàng không, giáo dục ra sao.

Còn về gói tài khóa, với 98% tổng số doanh nghiệp trên cả nước được thụ hưởng. Thời báo Tài chính dẫn lời  chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh, cho biết việc xác định đúng đối tượng rất quan trọng để tránh bị lạm dụng.  “Ví dụ, như các đối tượng không có nhu cầu vay vốn để mở rộng hay duy trì sản xuất thì việc cho vay vốn mới sẽ không có ý nghĩa”.

TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng việc triển khai các gói hỗ trợ hiện nay nếu để các cơ quan quản lý, ngân hàng thực hiện theo cách riêng mà Chính phủ lại thiếu sự hướng dẫn cụ thể về tiêu chí đối tượng, thiếu sự rà soát, bổ sung những lĩnh vực cần hỗ trợ cấp thiết thì các gói hỗ trợ sẽ khó đạt được hiệu quả lan tỏa rộng nhất như mong muốn.

Lan Nhi