Cuộc trả nợ đời của ông "vua" Mường

00:00 12/10/2020

Sau khi học được “phép bùa chú” từ một đồng đội người Dao trong quân ngũ, ông Hiển dựa vào mấy câu “thần chú” và con dao, hà hơi vào bát nước lã là có thể chữa được khỏi một số bệnh cho người dân trong bản. Thậm chí, còn đoán được chính xác trọng lượng của một vật bất kỳ đúng tới từng lạng…

Vượt qua những con dốc dựng đứng qua các khe suối nước chảy quá nửa bánh xe, chúng tôi đã có mặt tại ngôi nhà sàn của ông Bùi Văn Hiển (SN 1957) nằm ở cuối xóm Ong, xã Lạc Sĩ, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình lúc trời đã ngả bóng xế chiều. Những tia nắng yếu ớt của buổi chiều đầu đông bắt đầu nhạt dần, nhường chỗ cho không gian tĩnh mịch, tiếng ếch nhái kêu i uôm chốn rừng xanh núi đỏ khiến cho những câu chuyện về “Vua” Mường càng trở nên ly kỳ. Những “thủ thuật” mị dân Sau khi cất tiếng gọi từ dưới con dốc ở đầu ngõ, chúng tôi đã thấy hình ảnh của một người đàn ông dân tộc Mường đang ngồi trong căn nhà sàn như đang chuẩn bị đón khách, rồi ông đáp tiếng chào người tới từ phương xa. Vừa nhìn thoáng qua, ông đã cười và hỏi ngay: “Các cậu là phóng viên từ Hà Nội lên đây định gặp tôi viết bài hả? Mời các cậu lên nhà!”. Bỏ tạm chiếc balo nặng trĩu trên lưng xuống sàn nhà, chúng tôi đã được tận mắt “diện kiến” ông “Vua” Mường một thời từng làm “khuynh đảo” cả một xóm năm nào. Ông Hiển năm nay đã gần 60 tuổi nhưng dáng vẻ hãy còn khỏe mạnh và lạc quan lắm. Tiếp khách phương xa với những nụ cười thân thiện, ông vẫn không quên nhắc nhở chúng tôi: “Các cậu đừng gọi tôi là “Vua” này “Vua” kia nhé kẻo mọi người biết lại không hay. Đó chỉ là quá khứ một thời lầm lỗi của tôi thôi”.
meo 1
Ông Bùi Văn Hiển – “Vua” Mường một thời ở Lạc Sĩ
Vừa nhấp ngụm nước chè xanh được hái từ rừng vừa mới pha còn nóng hôi hổi, thì ra ông đang chuẩn bị đi sang xóm bên có đám cỗ nhà thằng cháu con nhà chú em ruột. Nhưng thấy khách lạ tới nên đồng ý ở nhà để tiếp chuyện chúng tôi. Ngồi nói chuyện được một lúc, thì có tiếng động dưới sân nhà. Đó là tiếng xếp củi của người vợ thứ hai của ông – bà Bùi Thị Chẻm (46 tuổi) vừa đi đẵn củi ở trên rừng về chất thành đống gọn gàng, ngăn nắp để dùng trong những ngày đông rét sắp tới. Dường như hiểu ý của chồng sau vài câu chào hỏi bằng tiếng địa phương, người phụ nữ nhỏ nhắn ấy đã nhanh chóng xuống bếp làm cơm để chuẩn bị đãi khách. Sau chừng gần 1 tiếng, mâm cơm gồm 1 đĩa thịt gà chấm mắm ớt và một bát canh măng đắng nấu cổ cánh còn nóng sốt đã được dọn lên giữa nhà. Trong men rượu cay nồng của chốn hoang sơn, ông chậm rãi kể lại cho chúng tôi nghe về quãng thời gian mình đã “làm mưa làm gió” cùng với cái danh “Vua” Mường một thời. Năm 19 tuổi, ông gia nhập quân ngũ và được phân công vào một đơn vị thuộc Tổng cục quản lý vũ khí, đạn dược trong quân đội đóng tại huyện Cao Phong. Tại đây, ông chơi rất thân với một đồng đội người Dao (quê ở Cao Bằng). Anh ta có một số “thủ thuật” đặc biệt và ông Hiển đã học được từ người này những bí quyết và “kỹ xảo” một cách rất tự nhiên mà không cần phải vất vả trèo đèo lội suối để “tầm sư học đạo” ở đâu xa xôi cả. “Trước khi truyền dạy, anh ấy cũng dặn tôi rằng chỉ nên dùng phép thuật vào việc cần thiết, không được dùng tùy tiện, quá giới hạn mà dễ bị tù tội. Thế rồi, bảo tôi phải lấy 1 vật thiết thân bên mình để niệm các bùa chú. Sau đó, các thủ thuật về niệm chú, giải hạn, trừ tà, phán đoán…tôi đều lần lượt học được từ anh ấy”, ông Hiển kể lại. Với bản tính trai trẻ còn nông nổi, sau khi xuất ngũ trở về nhà năm 1981, ông đã quá tự tin vào các “thủ thuật” mà mình học được và biến chúng thành các mánh khóe để khoe với dân bản. Không thể không nhắc đến trong các thủ thuật “bùa chú” mà ông đã học được đó là: Tạo ra được tiếng ếch kêu ồm ộp trên ngực phụ nữ, dùng miệng phi dao cắm lên thân cây, đoán khối lượng của một vật chính xác tới từng lạng… Tất cả đã tạo nên một “vỏ bọc” hoàn hảo khiến cho dân bản càng tin tưởng và tôn sùng ông là “Vua” Mường hay “Vua” Hiển. Họ mù quáng đến mức cùng nhau cống nộp những tài sản có giá trị trong nhà và thay nhau phục dịch cho “Vua”. Nói đến đây, giọng ông Hiển như trùng xuống. Những điếu thuốc lào cứ lần lượt được ông nhét vào chiếc điếu cầy nhỏ, được nhả hơi đều đều vào trong không gian yên lặng nơi núi rừng cùng những cái nheo mắt xót xa. Ông nói: “Trong thời kỳ đó, do gia đình còn nghèo chỉ ăn khoai sắn thôi, lại được dân bản tôn sùng cống nạp các đồ vật quý nên nghĩ là được hưởng lộc mà làm điều dại dột như vậy. Đâu nghĩ đó là hành động trái pháp luật của Nhà nước đâu”. Những tháng ngày trả nợ cuộc đời Sẵn được dân bản tin tưởng một cách mù quáng, “Vua” Hiển liên tục được bà con mời tới dự và làm lễ cúng mỗi khi có việc hệ trọng, từ ma chay, cưới hỏi đến làm nhà. Một kỷ niệm mà ông nhớ mãi, đó là vào một dịp làm lễ cúng thần linh, “Vua” Hiển lấy con dao hà hơi, niệm chú chỉ lên trời và nói rằng các thần linh đang đòi ăn và dân bản phải đóng góp đồ lễ. Riêng lợn sẽ lấy ở nhà của cán bộ xã.
me o 2
“Vua” Mường một thời đang trò chuyện với phóng viên về quãng đời tội lỗi của mình.
Nhân lúc trời sắp chuyển mưa, ông đã cố tình cho họp dân bản giữa ban ngày rồi làm “thủ thuật” rồi chỉ tay lên trời, miệng lẩm nhẩm đọc “thần chú” khiến cho trời tối sầm lại càng khiến cho bà con tưởng thật và nghe theo. Họp xong, “Vua” Hiển phán rằng: “Thần linh muốn ăn con lợn của nhà đội trưởng đội sản xuất vì nó nặng 51 cân 7 lạng. Nếu đoán đúng thì phải thịt cho dân bản ăn. Còn nếu sai tôi sẽ chịu phạt gấp 10 lần con lợn đó”. Quả thực, mọi người và cả ông đội trưởng kia cũng được một phen trố mắt vì con lợn đó nặng đúng 51 cân 7 lạng mà thôi. Giữ lời hứa, con lợn đó đã được mổ để cúng thần linh. Đương nhiên, những phần ngon nhất như thủ lợn, chân giò, lòng lợn, thịt nướng và xương sụn sẽ được dâng “Vua”. Ngoài thủ thuật đoán vật nặng bao nhiêu, ông Hiển còn nhiều trò đùa tai quái khác mà giờ nhắc lại khiến cả người kể và người nghe cũng thấy ái ngại. Ấy là những lần ông cùng với đám trai bản trêu ghẹo con gái. Có những buổi đêm tối, lúc mấy cô sơn nữ đi chơi tối về thì bất ngờ, bị “Vua” Hiển và đám trai bản nhảy từ bụi cây ra chặn đường. Các cô còn chưa kịp định thần lại và sợ run bần bật mà ôm lấy nhau thì lập tức, bị ông Hiển dùng thủ thuật trêu ghẹo. Ông Hiển chỉ mấp máy môi, rít những hơi dài rồi dùng chính “con dao thần” hay đeo bên mình chỉ thẳng vào ngực các cô gái, tạo ra tiếng ếch kêu ồm ộp khiến các cô thất kinh và chạy tán loạn. “Sau những lần như thế, có thách các cô cũng không dám ra đường vào ban đêm nữa”, ông Hiển nhớ lại.
meo 3
Bà Bùi Thị Chẻm, người vợ thứ hai của ông Hiển vẫn miệt mài cùng chồng lo làm ăn nuôi sống gia đình.
Không chỉ có vậy, “Vua” Hiển còn có thể dùng thủ thuật thổi được những vết rắn cắn ở vật nuôi bằng một bát nước lã đã được ông hà hơi, niệm “thần chú”. Rồi câu chuyện, ông “chiếm đoạt” cái áo kim tuyến của cặp vợ chồng buôn cau người Kinh cũng bằng thủ thuật đoán trong người họ có đúng 42 đồng (ngang với 2 chỉ vàng lúc đó) càng khiến cho ông thấy thêm hối hận về quãng thời gian lầm lỗi đó. Tuy nhiên, quy luật nhân quả cuối cùng cũng đã lên tiếng. Sau gần 1 năm lừa bịp, mị dân để lừa dân bản bằng những trò mê tín, dị đoan, ông Hiển đã bị Công an tỉnh Hòa Bình bắt giữ và bị Tòa án tuyên phạt 7 năm tù giam sau những hành vi tội lỗi của mình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh, trật tự tại địa phương. Quãng thời gian ở trại cải tạo Tân Kỳ (Nghệ An), do thực hiện tốt nội quy mà ông Hiển đã được đặc xá ra tù trước thời hạn sau khi chấp hành hình phạt tù được hơn 5 năm. Năm 1987, trở về nhà sau chuỗi ngày tù tội, trong lòng người đàn ông Mường này chất chứa bao nỗi ân hận. Cha mẹ già ở nhà vì quá thương con đã khuất núi, người vợ cả cũng bị bệnh không ai chăm sóc nên qua đời, bỏ lại đứa con thơ. Cảm thương tình cảnh éo le của ông mà bà Chẻm (quê ở Kim Bôi, Hòa Bình) đã tình nguyện cùng ông Hiển xây đắp lại cuộc sống gia đình với sự ra đời của người con trai thứ hai năm 1991. Từ đó đến nay, vợ chồng ông chăm chỉ làm ăn và được bà con trong bản quý mến nên những ký ức về một thời làm “Vua” Mường của ông giờ chỉ là những câu chuyện kể quanh chén rượu mà thôi. Thành Vinh – Đình Tuệ (congluan.vn)