Cuộc đua sống còn của ngân hàng năm 2019

00:00 12/10/2020

Không còn êm đềm như năm 2018, một “đấu trường không tiếng súng” dự báo sẽ diễn ra năm 2019, nơi các ngân hàng phải lao vào cuộc đua tăng vốn sống còn, nếu không muốn nếm mùi hạ chỉ tiêu lợi nhuận như một số nhà băng đã phải gánh chịu năm 2018.

10 tỷ USD thiếu hụt và cuộc đua sống còn

Trong một chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư trước thềm năm mới, Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP lo lắng: “Không phải cạnh tranh, không phải lợi nhuận, nỗi lo lớn nhất của các ngân hàng năm 2019 là liệu có thể tăng vốn kịp giờ G. Từ giữa năm 2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi cảnh báo và năm 2019, nếu không thể tăng vốn, nhiều khả năng chúng tôi phải giảm chỉ tiêu tín dụng. Tăng vốn là mấu chốt của tất cả vấn đề trong năm 2019”.

Năm 2018, tín dụng tăng chậm, nhưng các ngân hàng vẫn duy trì được lợi nhuận tốt nhờ đẩy mạnh bán lẻ. Ảnh: Đ.T

Năm 2018, một số ngân hàng đã “ngấm đòn” khi NHNN siết chặt room tín dụng và buộc phải điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận, đây đều là các ngân hàng đang chịu sức ép tăng vốn rất lớn. Cụ thể, LienVietPostBank phải giảm chỉ tiêu lợi nhuận từ 1.800 tỷ đồng xuống còn 1.200 tỷ đồng. Trong khi đó, VietinBank cũng phải giảm lợi nhuận từ 10.800 tỷ đồng xuống chỉ còn 6.700 tỷ đồng ngay trong những tuần cuối cùng của năm 2018.

Bước sang năm 2019, số ngân hàng lo lắng sụt giảm lợi nhuận có thể không chỉ dừng lại ở 2 ngân hàng, khi NHNN áp dụng “cấp phát” tín dụng tùy mức độ sức khỏe và khả năng tăng vốn của từng nhà băng.

Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), để tăng tín dụng 14-15% theo chuẩn Basel II, các ngân hàng niêm yết phải tăng vốn 237.000 tỷ đồng trong năm 2018-2019, tương đương 10 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Lê Đức Thúy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho hay, 2 năm gần đây, các ngân hàng loay hoay mãi cũng chỉ tăng được hơn 2 tỷ USD.

Theo lộ trình đề ra, đến năm 2020, các ngân hàng thương mại phải có mức vốn tự có theo chuẩn Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel II. Song kết thúc năm 2018, mới chỉ Vietcombank và VIB được NHNN công nhận đạt chuẩn Basel II. Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, có 2 ngân hàng nữa có thể sẽ được NHNN công nhận vào đầu năm 2019.

Trong bối cảnh giờ G đã cận kề, tăng vốn được coi là cuộc đua khốc liệt và sống còn nhất của các ngân hàng năm 2019. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế khẳng định: “Năm 2019, áp lực tăng vốn sẽ diễn ra khủng khiếp nhất với các ngân hàng. Bởi vì, chỉ tăng vốn, ngân hàng mới được tăng tín dụng, mới có lợi nhuận”.

Đầu năm 2018, có gần 20 ngân hàng đặt mục tiêu tăng vốn. Song kết thúc năm, số ngân hàng tăng vốn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hàng loạt kế hoạch tăng vốn của các nhà băng như SaigonBank, VietCapital Bank, BaoVietBank… vẫn nằm trên giấy.

Trong bối cảnh dư địa tăng vốn hạn hẹp, năm 2018, thị trường đã chứng kiến các đợt phát hành trái phiếu khủng của các ngân hàng. Xu hướng này được dự báo còn tiếp diễn trong năm 2019, cùng với các thương vụ chào bán cổ phần, trả cổ tức bằng cổ phiếu…

Hàng loạt thương vụ M&A khủng sẽ diễn ra

Việc bổ sung hàng tỷ USD để tăng vốn chỉ trong vòng một năm với các ngân hàng không hề đơn giản. Đây cũng là lý do khiến thị trường M&A ngân hàng dự báo tiếp tục sôi động trong năm 2019. Thương vụ không thể không kể đến là BIDV sẽ bán 15% cổ phần cho đối tác chiến lược Keb Hana (Hàn Quốc).

Để dọn đường cho thương vụ sáp nhập, cuối năm 2018, bộ máy lãnh đạo cấp cao của BIDV đã được hoàn chỉnh. Đồng thời, Ngân hàng cũng tích cực đẩy mạnh xử lý nợ xấu và đẩy nhanh tốc độ trích lập dự phòng. Chi phí dự phòng cả năm 2018 của BIDV ước đạt 21.028 tỷ đồng (tăng 42% so với cùng kỳ). Theo dự báo của BVSC, thương vụ bán cổ phần của BIDV sẽ diễn ra đầu năm 2019. Nếu thương vụ thành công, BIDV không chỉ nhanh chóng tăng vốn, cải thiện hệ số CAR, mà còn mở rộng cho vay, lấy dần lại phong độ.

Với Vietcombank, do đã được công nhận đạt chuẩn Basel II, nên áp lực tăng vốn không còn gay gắt như trước. Tuy vậy, ngân hàng này cũng đang sốt ruột đẩy nhanh thương vụ phát hành riêng lẻ 10% cổ phần cho đối tác nước ngoài. Cho đến nay, giá bán vẫn là vướng mắc lớn nhất và thương vụ sẽ khó có thể sớm hoàn thành nếu Chính phủ không có những văn bản gỡ vướng.

Đối với các ngân hàng nhỏ, cửa tăng vốn nhỏ hẹp càng khiến áp lực M&A trở nên mạnh mẽ. “Từ nay đến năm 2020, các thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng sẽ diễn ra sôi động. Việc tăng vốn để đáp ứng chuẩn mực Basel II đang lớn dần, trong khi dư địa tăng vốn không nhiều, buộc một số ngân hàng phải sáp nhập lại để lớn hơn”, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV dự báo.

Trước đó, trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định, Chính phủ khuyến khích các ngân hàng nhỏ sáp nhập thành các ngân hàng lớn hơn. Tuy khẳng định tới đây, Chính phủ rất hạn chế hoặc không cấp phép ngân hàng 100% vốn nước ngoài, nhưng Phó thủ tướng cho hay, sẽ mở cửa cho nước ngoài mua ngân hàng Việt Nam, đồng thời sẽ bán và chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã mua trước đó như OceanBank, CBBank và GPBank.

Cạnh tranh ngân hàng bán lẻ sẽ vô cùng khốc liệt

Áp lực lớn trong khi cánh cửa tăng vốn hạn hẹp đặt nhiều ngân hàng trước nguy cơ bị siết tín dụng năm 2019. Tìm chiến lược cạnh tranh để duy trì lợi nhuận sẽ là bài toán đau đầu với các nhà băng, nhất là khi tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) có nguy cơ giảm xuống, do lãi suất huy động tăng khá mạnh thời gian qua, trong khi lãi suất cho vay khó tăng theo tương ứng.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, trong bối cảnh khó khăn này, các ngân hàng sẽ phải tái cơ cấu lại danh mục cho vay để cải thiện tốc độ sinh lời. Bên cạnh đó, cũng cần thúc đẩy tăng trưởng mảng dịch vụ để giảm phụ thuộc vào tín dụng.

Ông Hà Huy Cường, Phó tổng giám đốc ABBank thừa nhận, năm 2018, tín dụng tăng chậm, nhưng các ngân hàng vẫn duy trì được lợi nhuận tốt nhờ đẩy mạnh bán lẻ, khiến NIM được cải thiện. Bên cạnh đó, mảng dịch vụ (đặc biệt là bảo hiểm) nở rộ cũng cải thiện nguồn thu cho các ngân hàng. Ông Cường dự báo, xu hướng này sẽ tiếp diễn và cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong năm 2019.

“Do áp lực Basel II, các ngân hàng sẽ phải giảm dần phụ thuộc vào tín dụng, tăng thu dịch vụ. Năm 2017, thu từ tín dụng của các ngân hàng chiếm 78,6%, nhưng năm 2018 chỉ còn 76% và sẽ còn giảm dần”, ông Cường nhận định.

Theo dự báo của các quỹ đầu tư, năm 2019, tăng trưởng tín dụng sẽ tập trung ở nhóm ngân hàng có vốn tự có dồi dào, xử lý nợ xấu tốt, chất lượng tài sản tốt. Ngược lại, nhóm các ngân hàng chật vật tăng vốn sẽ phải xoay xở tìm nguồn thu ngoài tín dụng nhiều hơn, đẩy mạnh cho vay bán lẻ hơn để cải thiện tỷ lệ NIM. Điều này khiến sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ và mảng dịch vụ ngân hàng sẽ diễn ra hết sức gay gắt.

Một biện pháp nữa để ngân hàng cải thiện lợi nhuận trong bối cảnh tín dụng bị suy giảm là số hóa để tiết giảm chi phí. Điều này dẫn tới dự báo, làn sóng đầu tư công nghệ ngân hàng, số hóa ngân hàng sẽ còn diễn ra rầm rộ năm 2019.

Ngân hàng nào nhanh tay số hóa, ngân hàng đó sẽ chiến thắng TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng

Từ năm 2019 trở đi, các ngân hàng sẽ đứng trước sức ép lớn về co hẹp tín dụng. Cùng với đó là cuộc cạnh tranh về cắt giảm chi phí, cải thiện khả năng sinh lời và khả năng chống chịu tài chính. Muốn vậy, các ngân hàng thương mại phải đi sâu vào số hoá để giảm thiểu các chi phí về quản trị, quản lý, giảm thiểu nhân lực, giảm thiểu cơ sở vật chất đầu tư chi nhánh… Ngân hàng nào nhanh tay số hóa thì ngân hàng đó sẽ chiến thắng. Với các ngân hàng yếu, không thể tăng vốn, bị hạn chế tín dụng, sẽ phải M&A để tồn tại.

Theo Thuỳ Liên/Báo Đầu Tư