Cuộc đua cạnh tranh phát triển công nghệ 6G

00:00 12/10/2020

Trong khi mạng di dộng công nghệ 5G mới triển khai thì nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... đang cạnh tranh khốc liệt để chiếm lĩnh vị thế dẫn đầu về phát triển công nghệ 6G.

6G là gì?

Mạng di động thế hệ thứ 5 (5G) hiện vẫn đang chiếm thế thượng phong, nổi lên như một nền tảng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) chỉ trong vài năm gần đây.

Và trong lúc mạng 5G chưa kịp phủ sóng rộng rãi trên thế giới, các hãng công nghệ đã bắt đầu chạy đua phát triển mạng di động thế hệ thứ 6 (còn gọi là 6G).

 Cuộc đua 6G đã bắt đầu. Ảnh minh họa  

Mạng 6G là công nghệ kết nối di động sẽ thay thế 5G, nhưng hiện tại 6G chưa phải là một công nghệ hoạt động, mà mới trong giai đoạn nghiên cứu ban đầu. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ hiện nay, có lẽ 6G sẽ sớm không còn là công nghệ viễn tưởng.

Mạng 6G có thể mang lại tốc độ đáng kinh ngạc là 1TB/giây, hoặc 8.000 gigabits/giây. Cụ thể, với 5G, người dùng có thể tải 1 giờ phim trong vài giây, thì với 6G, chỉ trong một giây, bạn có thể tải xuống 142 giờ phim.

6G được xem giống như 5G, nhưng tốc độ cao hơn, độ trễ thấp hơn và khối lượng băng thông siêu “khủng”. Các nhà nghiên cứu khoa học cho rằng 6G sẽ vượt ra ngoài mạng có dây, với các thiết bị hoạt động như ăng ten sử dụng mạng phi tập trung, không thuộc quyền kiểm soát của một nhà khai thác mạng duy nhất. Với 6G, các thiết bị được kết nối miễn phí, vì tốc độ dữ liệu cao hơn và độ trễ thấp hơn, giúp kết nối giữa thiết bị gần như ngay lập tức.

Với 6G, các lĩnh vực khoa học viễn tưởng sẽ trở thành khoa học thực tiễn, khi tốc độ vượt quá 100Gbps có thể khiến các giao diện cảm giác có thể cảm nhận và trông giống như đời thực, có thể thông qua thiết bị như kính thông minh hoặc kính áp tròng…

Theo các nhà khoa học, công việc chuẩn hóa các thông số kỹ thuật cho mạng 6G dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào khoảng năm 2023. Nhờ đó, việc phát triển, sản xuất các thiết bị và bộ phận cần thiết cho cơ sở vật chất sẽ sớm được triển khai, dẫn đến quá trình thương mại hóa 6G có thể diễn ra sớm hơn dự kiến, vào khoảng năm 2027.

Theo sơ đồ phát triển của công nghiệp di động, 3G xuất hiện vào đầu những năm 2000, 5G vào năm 2010 và hiện thực hóa vào năm 2020, thì 6G có thể bước đầu ứng dụng vào năm 2030 không phải quá “siêu thực”, trên cơ sở phát triển tương đối ổn định của ngành công nghiệp di động.

Cuộc đua của những "cường quốc" công nghệ

Có thể nói với các quốc gia có tốc độ phát triển công nghệ như vũ bão được kể đến gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc thì chiến lược phát triển mạng di động 6G đang được nghiên cứu kỹ lưỡng và đầu tư bài bản.

 Nhiều quốc gia chuẩn bị hạ tầng cho phát triển 6G

Nhật Bản đã đưa ra dự án về 6G trong cuộc họp báo vào tháng 1/2020. Nhật Bản tuyên bố ý định dẫn đầu các nỗ lực tiêu chuẩn hóa và các thách thức nghiên cứu đối với 6G. Bộ Truyền thông Nhật Bản công bố mục tiêu đầy tham vọng trong chiến lược “Vượt lên 5G” hồi tháng 4/2020: Chiếm 30% thị phần trạm gốc và cơ sở hạ tầng khác, tăng từ 2% hiện tại.

Hàn Quốc đang muốn trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai dịch vụ thương mại 6G, thông qua việc thành lập trung tâm nghiên cứu do hai công ty Samsung và LG Electronics điều hành. Seoul cũng đang cân nhắc đầu tư 976 tỷ won (800 triệu USD) cho dự án này.

Trong khi đó, Tập đoàn công nghệ số 1 của Trung Quốc là Huawei đã cho ra mắt nhóm nghiên cứu tương tự. Nhà mạng China Unicom và nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE đã nhất trí về việc nghiên cứu và phát triển mạng 6G.

Tokyo cũng muốn 10% bằng sáng chế liên quan trên toàn thế giới đến từ các công ty Nhật Bản. Lúc này, Samsung dẫn đầu cuộc đua 5G khi chiếm 8,9% bằng sáng chế, tiếp theo là Huawei 8,3% và Qualcomm 7,4%. NTT Docomo của Nhật Bản đứng thứ sáu với 5,5% thị phần, theo Cyber Creative Institute.

Về kỹ thuật, các trạm thu phát sóng (BTS) dự kiến sẽ phải thay đổi cả về chất lượng lẫn số lượng để tương thích với mạng 6G. Mạng này có thể sẽ hỗ trợ tốc độ lên đến hơn 1 terabit/giây, nhanh hơn gấp 10 lần so với mạng 5G.

 Tuy nhiên, để truyền sóng 6G, các trạm BTS có thể sẽ phải nằm cách nhau trong phạm vi tối đa là 200m hoặc thậm chí gần hơn. Hiện Nhật Bản có 600.000 BTS. Nhưng để cung cấp dịch vụ 6G, nước này sẽ cần 1 tỉ trạm trong khi thế giới sẽ cần đến 100 tỉ trạm.

Tuy nhiên, mạng 6G sẽ sử dụng bước sóng ngắn hơn nên cần ăng ten nhỏ hơn. Do đó, các BTS cũng có thể sẽ nhỏ gọn như một chiếc điện thoại cầm tay. Thậm chí các thiết bị chiếu sáng, bảng hiệu hay các xe khách cũng có thể lắp thêm BTS.

Chưa kể đến khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit, hiện nay có ba công ty đang kiểm soát khoảng 80% thị trường trạm phát sóng mạng di động bao gồm Huawei, Ericsson (Thụy Điển) và Nokia (Phần Lan). Ngoài ra, châu Âu dự định phát triển các tiêu chuẩn 6G với 3GPP, tổ chức quốc tế giám sát các tiêu chuẩn di động và các tổ chức khác.

Tận dụng lợi thế từ việc phát triển các BTS hiện đại, một số “ông lớn” công nghệ đang nhắm đến nhiều dịch vụ mới dựa trên hạ tầng này. Tại Nhật, mạng di động KDDI đang hợp tác với Tập đoàn Amazon (Mỹ) phát triển dịch vụ Amazon Web nhằm cung cấp dịch vụ điện toán biên (Edge Computing - trung tâm tính toán nằm giữa đám mây và thiết bị), giúp xử lý dữ liệu ở khoảng cách vật lý gần hơn với người dùng.

Cho đến thời điểm hiện tại cuộc đua 6G đã có những bước đi nối dài từ ý tưởng thành hiện thực với những hứa hẹn về việc biến khoa học viễn tưởng dần trở thành công nghệ phục vụ đời sống.

Hà Thanh