Cuộc đua không tưởng của Pfizer

00:00 12/10/2020

Giữa tháng ba, Giám đốc của Pfizer, Albert Bourla, có cuộc họp trực tuyến trên webex với các trưởng nhóm nghiên cứu và sản xuất vaccine của tập đoàn dược phẩm khổng lồ của Mỹ. Hai nhóm này đã làm việc đến tận khuya để nghiên cứu kế hoạch phát triển vaccine thử nghiệm chống covid-19 của Pfizer...

Họ báo cáo với Bourla rằng họ cố gắng sản xuất được vaccine nhanh hết mức có thể. Có khả năng sẽ có vaccine vào năm 2021. “Vẫn chưa nhanh đủ,” Bourla nói. Khuôn mặt của các nhà nghiên cứu căng thẳng. Ý thức được rằng họ đã nỗ lực hết mình, Bourla không quên nói lời cảm ơn họ.

Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục thúc đẩy họ. Ông hỏi những người tham dự liệu họ có nghĩ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại vào mùa thu hay không và họ dự đoán điều gì sẽ xảy ra nếu không có vaccine khi dịch bệnh quay lại cùng thời điểm bắt đầu mùa cúm mới.

Vấn đề này được trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh liên bang nêu ra sau đó vài tuần. Bourla nói với họ: “Hãy nghĩ theo nhiều hướng khác nhau. Hãy nghĩ nếu không phải lo về tài chính, tiến hành mọi thứ song song, chứ không phải theo tuần tự. Hãy nghĩ tới việc phải xây dựng nhà máy sản xuất vaccine trước khi xác định được hiệu quả của sản phẩm. Nếu không làm được hiệu quả, cứ để tôi chịu trách nhiệm và chúng ta sẽ xóa mọi thứ đi làm lại.”

Mikael Dolsten, giám đốc khoa học của Pfizer, cho biết: “Ông ấy yêu cầu nhóm nghiên cứu làm điều dường như không tưởng, để hàng triệu liều vaccine có thể đến với những người dễ bị tổn thương trước cuối năm nay.”

Ngày thứ hai đầu tiên của tháng năm, Pfizer đã tiêm liều vaccine Covid-19 thử nghiệm đầu tiên cho các tình nguyện viên người Mỹ khỏe mạnh ở Baltimore. Đây là sản phẩm do Pfizer hợp tác phát triển với công ty BioNTech của Đức. Bourla biết tin này ngay lập tức. Ngày hôm sau, trong cuộc phỏng vấn từ nhà của ông ở ngoại ô Scarsdale, New York, ông nói rằng thông thường phải mất nhiều năm để hoàn thành những gì Pfizer vừa làm được trong vài tuần.

Ông nói: “Không phải công ty dược phẩm lớn nào cũng có thể đạt đến tốc độ nhanh chóng như chúng tôi. Đây là tốc độ đáng ghen tị của công ty công nghệ sinh học do doanh nhân sáng lập.”

Bourla, một bác sĩ thú y người Hi Lạp, đã từng bước thăng tiến tại Pfizer trong 25 năm trước khi trở thành CEO vào năm 2019. Ông chia sẻ, trong sự nghiệp của mình, ông chưa từng trải qua điều gì giúp ông chuẩn bị kinh nghiệm cho thời điểm này. Nhưng Bourla tin sự chuyển đổi ở quy mô lớn của công ty dưới sự dẫn dắt của ông là bước chuẩn bị cho Pfizer.

Bourla đã lãnh đạo tập đoàn khổng lồ này (doanh thu năm 2019 là 51,8 tỉ USD) tiến sâu hơn vào cuộc chơi mang tính rủi ro cao nhưng được đền bù xứng đáng: Phát triển các loại thuốc mới được cấp bằng sáng chế và tránh xa các loại thuốc generic (loại thuốc thành phẩm nhằm thay thế một thuốc phát minh có bản quyền sau khi bằng phát minh độc quyền hết hạn) và các sản phẩm tiêu dùng như Advil và Chapstick.

Đối với Bourla, 58 tuổi, bốn tháng vừa qua giống như đi tàu lượn siêu tốc, thất bại và chiến thắng đan xen. Nhưng Pfizer không đua một mình. Hầu hết các công ty dược phẩm lớn nhất thế giới, gồm Johnson & Johnson, Sanofi, AstraZeneca và Roche, đều đang đặt cược mọi thứ để đối phó với Covid-19.

Cuộc đua không tưởng của Pfizer giữa đại dịch Covid-19 - ảnh 1

Mũi tiêm hy vọng
Các tình nguyện viên được tiêm vaccine COVID-19 thử nghiệm của Pfizer vào đầu tháng năm tại trường Y thuộc ĐH Maryland ở Baltimore. Pfizer đang thử nghiệm ở ba thành phố của Hoa Kỳ: New York, Cincinnati và Rochester.

Một số chuyên gia cảm thấy thời hạn mà Bourla đưa ra để sản xuất ra loại vaccine khả thi trong vài tháng là không thực tế. Không hề nản lòng, Bourla yêu cầu hàng trăm nhà nghiên cứu tìm kiếm trong kho thuốc thử nghiệm và thuốc hiện có của Pfizer để tìm ra các liệu pháp tiềm năng. Ngay từ đầu, ông đã công khai các cuộc thảo luận và chia sẻ thông tin độc quyền với các công ty đối thủ.

Đây là những động thái chưa từng có tiền lệ trong thế giới bí mật của các công ty dược phẩm lớn. Bourla giúp các công ty công nghệ sinh học nhỏ tiếp cận khả năng sản xuất của Pfizer và cũng đang thảo luận để cung cấp số lượng lớn liệu pháp tiềm năng chống Covid-19 cho các công ty khác.

Nỗ lực nổi bật nhất của Pfizer là hợp tác với công ty BioNTech có trụ sở tại Mainz (Đức), một công ty đổi mới có doanh thu năm 2019 là 120 triệu đô la Mỹ, nổi tiếng chủ yếu nhờ sản xuất thuốc trị ung thư. Vaccine Covid-19 thử nghiệm đạt hiệu quả nhờ RNA thông tin (ARN trong tiếng Việt, viết tắt là mRNA), một công nghệ tiên tiến nhưng chưa từng mang lại kết quả điều trị thành công.

Pfizer hi vọng chính phủ Hoa Kỳ sẽ cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine vào tháng mười. Chiến lược độc đáo của họ là nhanh chóng thử nghiệm cùng lúc bốn mẫu vaccine mRNA khác nhau để tìm ra và chú trọng phát triển mẫu vaccine có tiềm năng nhất. Để chuẩn bị, công ty đang dịch chuyển sản xuất tại bốn nhà máy để sản xuất 20 triệu liều vaccine vào cuối năm nay và hàng trăm triệu liều vào năm 2021.

Bourla cho biết, Pfizer sẵn sàng chi một tỉ đô la Mỹ trong năm 2020 để phát triển và sản xuất vaccine trước khi họ xác minh được hiệu quả của sản phẩm: “Tốc độ là cực kỳ quan trọng.” Ngoài nỗ lực sản xuất vaccine đang thu hút sự chú ý, Pfizer cũng đang gấp rút bắt đầu thử nghiệm lâm sàng loại thuốc chống virus mới để điều trị Covid-19 vào mùa hè này.

Bên cạnh đó, công ty còn tham gia nghiên cứu trên cơ thể người nhằm tìm cách tái sử dụng thuốc viêm khớp nổi tiếng của Pfizer, Xeljanz, cho bệnh nhân Covid-19 giai đoạn sau. “Đảm nhận chức vụ CEO của công ty dược phẩm có thể tạo thay đổi lớn hoặc thất bại lớn trong giai đoạn khủng hoảng này là trách nhiệm rất nặng nề,” Bourla nói. “Ngay cả các con tôi cũng hỏi: ‘Bố có tìm ra được gì không?’

Mọi người quen của tôi đều hỏi giống vậy. Bạn cảm thấy nếu làm đúng bạn có thể cứu thế giới. Và nếu không đúng, bạn sẽ chẳng giúp ích được gì.”

Hồi tháng một, Ugur Sahin, nhà miễn dịch học xuất sắc sáng lập ra BioNTech, đã đọc bài viết về Covid-19 trên tờ The Lancet. Sahin thành lập BioNTech nhằm tìm cách can thiệp vào các tế bào của con người để chữa bệnh, đặc biệt là ung thư, và ông nghĩ công nghệ tương tự cũng có thể đánh bại Covid-19. Sahin nhanh chóng thảo luận với Thomas Strüngmann, tỉ phú ngành dược người Đức vẫn luôn ủng hộ Sahin và vợ ông, nhà miễn dịch học Özlem Türeci, trong các dự án của họ qua nhiều năm.

“Anh ấy nói: ‘Đây là thảm họa lớn.’ Theo anh ấy, các trường học sẽ bị đóng cửa và đây sẽ là đại dịch,” Strüngmann kể lại những gì Sahin đã dự đoán. “Anh ấy đã chuyển phần lớn nhân viên của mình sang nghiên cứu vaccine.”

Vào tháng hai, Sahin (hiện cũng là tỉ phú khi cổ phiếu BioNTech tăng vọt) gọi cho Kathrin Jansen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển vaccine của Pfizer. Ông cho biết BioNTech đã tìm ra các vaccine tiềm năng cho Covid-19 và hỏi Jansen, liệu Pfizer có hứng thú hợp tác với ông hay không. Jansen đáp lời: “Ugur, anh còn phải hỏi sao? Tất nhiên là chúng tôi quan tâm rồi.”


Cuộc đua không tưởng của Pfizer giữa đại dịch Covid-19 - ảnh 2
 

Vài năm gần đây, các nhà khoa học quan tâm đến ý tưởng sử dụng mRNA, loại phân tử di truyền có khả năng “hướng dẫn” các tế bào tạo ra protein, để phát triển các loại thuốc điều trị ung thư, bệnh tim và thậm chí các bệnh virus truyền nhiễm, bằng cách biến tế bào của con người thành nhà máy sản xuất thuốc. Vì virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) là một loại virus RNA, nên các nhà nghiên cứu như Sahin tập trung nghiên cứu ý tưởng đưa bộ máy tế bào có khả năng sản sinh ra protein có thể kích hoạt các kháng thể chống virus vào các mRNA.

Vaccine mRNA có lợi thế lớn hơn nhiều so với loại truyền thống. Vì loại vaccine này có thể được tạo ra trực tiếp từ mã di truyền của virus, nên thời gian phát minh và đưa vào thử nghiệm lâm sàng có thể rút gọn còn vài tuần, thay vì vài tháng hoặc nhiều năm. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có ai sản xuất thành công loại vaccine này – đây là một nhược điểm lớn. BioNTech không phải là công ty duy nhất nghiên cứu vaccine mRNA.

Moderna Therapeutics, công ty công nghệ sinh học ở Cambridge, Massachusetts, cũng nghiên cứu vaccine mRNA từ tháng một và đã tiến hành đợt thử nghiệm lớn trên người. Công ty này được chính phủ liên bang tài trợ 483 triệu đô la Mỹ. Moderna cũng đặt mục tiêu sản xuất hàng triệu liều vaccine mỗi tháng vào cuối năm nay.

Pfizer thấy hài lòng khi hợp tác với BioNTech. Hai năm trước, hai công ty đã ký một hợp đồng trị giá 425 triệu USD để phát triển vaccine cúm mRNA. Việc tiếp cận theo hướng mRNA sẽ rút ngắn quá trình phát triển vaccine cho một chủng cúm mới mỗi năm. Pfizer rất hứng thú với tiềm năng này. Cũng chính sự linh hoạt và tốc độ đó đã thu hút Bourla khi ông nghĩ đến việc hợp tác sản xuất vaccine chống Covid-19.

Ngày 16.3, Bourla triệu tập các nhà quản lý cấp cao của Pfizer, và thông báo với họ rằng công ty sẽ không chú trọng đến lợi nhuận trong trận chiến chống Covid-19. “Đây không phải là công việc kinh doanh như thường lệ,” Bourla nói với họ. “Không nên để lợi ích tài chính ảnh hưởng đến bất kỳ quyết định nào.”

Pfizer đã ký một bức thư bày tỏ ý định với BioNTech vào ngày hôm sau. Hợp đồng mà họ đã ký vào tháng tư không đề cập đến việc thương mại hóa. Pfizer đầu tư rất lớn về năng lực nghiên cứu, sản xuất và đăng ký cho dự án này. BioNTech phụ trách về khoa học nền tảng. Đồng thời, Bourla quyết định chi 1 tỉ USD cho dự án này. Nếu có hiệu quả, họ có thể cung cấp vaccine vào mùa thu này.

Pfizer cũng sẽ sẵn sàng trả cho BioNTech thêm 563 triệu USD nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch. “1 tỉ USD sẽ không làm chúng tôi phá sản. Mà thật ra, tôi cũng không nghĩ sẽ mất số tiền này. Tôi dự kiến, chắc chắn chúng tôi sẽ sử dụng sản phẩm này,” Bourla nói. “Bạn sẽ không biết được đáp án cho đến khi bạn nhìn thấy dữ liệu. Vì vậy, có thể chúng tôi sẽ mất một tỉ nếu vaccine không có hiệu quả.”

Điều độc đáo của Pfizer là họ tiến hành thử nghiệm cùng lúc bốn mẫu vaccine mRNA riêng biệt – các nền tảng mRNA khác nhau, được cho là tạo ra phản ứng miễn dịch an toàn. Họ sẽ bắt đầu bằng cách thử nghiệm bốn mẫu vaccine với các liều dùng khác nhau trên 360 tình nguyện viên ở Hoa Kỳ và 200 người ở Đức, sau đó nhân rộng lên khoảng 8.000 người.

Thử nghiệm ở Hoa Kỳ được thiết kế theo hướng điều chỉnh từ từ, để công ty có thể nhanh chóng ngừng thử nghiệm bất kỳ một loại vaccine nào nếu dữ liệu miễn dịch cho thấy mẫu vaccine đó không tạo ra đủ kháng thể cần thiết. Các công ty đang thực hiện điều chỉnh theo tiến độ thử nghiệm. Các chuyên gia vẫn không tin tưởng lắm vào mục tiêu cung cấp hàng triệu liều vaccine cho những người dân dễ bị tổn thương vào mùa thu này của Pfizer.

Cuộc đua không tưởng của Pfizer giữa đại dịch Covid-19 - ảnh 3Lần đầu tiên Ugur Sahin là CEO gốc Thổ Nhĩ Kỳ của BioNTech. Công ty Đức này được thành lập 12 năm trước, và mặc dù là công ty đầy hứa hẹn nhưng họ vẫn chưa có thuốc được phê duyệt để đưa ra thị trường. 

Drew Weissmann, người đứng đầu phòng thí nghiệm của đại học Pennsylvania từng hợp tác với BioNTech về vaccine mRNA cho các bệnh truyền nhiễm, gần đây đã nói với Forbes rằng không chắc liệu vaccine mRNA có ngăn ngừa được bệnh truyền nhiễm hay không.

Jansen, giám đốc nghiên cứu vaccine của Pfizer, hi vọng Pfizer và BioNTech sẽ hiểu rõ tình hình hơn vào đầu tháng bảy, rằng mẫu vaccine nào có tiềm năng nhất trong số bốn loại họ thử nghiệm và liệu khung thời gian dự kiến của họ có khả thi hay không. Công ty có thể sẽ đưa một hoặc hai mẫu vaccine có tiềm năng nhất vào các thử nghiệm cấp cao hơn.

“Không hề dễ dàng. Thực tế là trước đây chưa có ai làm thế, nên tôi không thể đưa ra xác suất,” Jansen chia sẻ. “Trận đại dịch đang diễn ra hiện nay là cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ, nên cần phải có những hành động chưa từng có tiền lệ. Albert là người đầu tiên nhận ra và phản ứng theo thực tế đó, đồng thời cung cấp sự hỗ trợ và môi trường để chúng tôi suy nghĩ và hành động táo bạo.”

Khi Albert Bourla bắt đầu nhận chức CEO của Pfizer vào tháng 1.2019, ông đã đưa chiếc bàn màu nâu cồng kềnh ra khỏi phòng họp, sắp xếp lại những chiếc ghế thành vòng tròn và dán ảnh bệnh nhân lên tường. Ông làm vậy nhằm thúc đẩy thảo luận mở và nhắc nhở mọi người về mục đích thực sự của một công ty dược phẩm. Ngay sau đó, các nhân viên khác của Pfizer cũng bắt đầu đặt ảnh của bệnh nhân mà họ biết hoặc yêu thích lên bàn.

Bourla lớn lên ở thành phố lớn thứ hai của Hi Lạp, Thessaloniki, một thành phố cảng phía bắc biển Aegean. Gia đình ông thuộc tầng lớp trung lưu – cha và chú của ông sở hữu một cửa hàng rượu – là một phần của cộng đồng thiểu số Do Thái nhỏ bé sống sót sau khi Đức chiếm đóng và sau thảm sát Holocaust.

Tình yêu động vật và khoa học là động lực khiến Bourla trở thành bác sĩ thú y. Tại ĐH Aristotle ở Thessaloniki, ông nổi tiếng vì biết chơi guitar và hát. Và vào mùa hè, ông làm hướng dẫn viên du lịch châu Âu. Ông gia nhập chi nhánh Pfizer ở Hi Lạp năm 1993, làm việc trong bộ phận chăm sóc sức khỏe động vật, bắt đầu thăng tiến và đưa gia đình di chuyển theo ông đến tám thành phố ở năm quốc gia, bao gồm Ba Lan và Bỉ.

Năm 2014, Bourla trở thành giám đốc điều hành cấp cao tại trụ sở của Pfizer trên đường số 42 ở Manhattan. Tại đó, ông điều hành bộ phận vaccine và ung thư của Pfizer cùng những công việc khác. Ông đã mang hơi thở Địa Trung Hải đến với tập đoàn kín tiếng này. Các cuộc họp nhóm của ông rất náo nhiệt, vang vọng qua các hành lang vẫn thường yên lặng. Ông buộc các đơn vị của công ty phải trình bày số liệu về lượng bệnh nhân mà họ đã giúp đỡ, chứ không chỉ đơn thuần là con số về lợi nhuận.

Ian Read, CEO gốc Scotland của Pfizer thời bấy giờ, đã đảo ngược tình hình tài chính của công ty ở phố Wall - nơi cổ phiếu công ty đang rất bết bát, bằng cách mua lại rất nhiều cổ phiếu và thoái vốn trong các doanh nghiệp bán sữa bột và thuốc thú y.

Cuộc đua không tưởng của Pfizer giữa đại dịch Covid-19 - ảnh 4

Ngoài ra, Read còn hồi sinh ngành kinh doanh vaccine cốt lõi của Pfizer và trao quyền cho các nhà nghiên cứu của tập đoàn nhằm phát triển các liệu pháp trị liệu đích, đặc biệt là cho bệnh ung thư, điển hình là một số loại thuốc bán rộng rãi trên thị trường như thuốc generic điều trị rối loạn mỡ máu mang tên Lipitor.

Công việc cuối cùng của Bourla trước khi đặt chân vào dàn quản lý cấp cao của Pfizer là quản lý nhóm đổi mới của tập đoàn. Ông quản lý như thể đang điều hành công ty đầu tư mạo hiểm vào mảng khoa học - đời sống. Ông buộc mỗi đơn vị trong sáu đơn vị kinh doanh của mình, bao gồm ung thư, vaccine và các bệnh hiếm gặp, phải cạnh tranh để nhận được nguồn tài chính.

Ông kể: “Tôi đã nói với tất cả mọi người rằng ‘Tôi là ông chủ, tôi theo hướng đầu tư tư nhân, nên những ai có ý tưởng tốt hơn sẽ nhận được tiền. Một công ty có quy mô như Pfizer với tư duy của một công ty công nghệ sinh học nhỏ là điều tôi luôn mơ ước.”

“Albert luôn mang tâm lý sẵn sàng cho tình huống cấp bách, và điều đó thể hiện trong cách anh ấy quản lý các nguồn lực của công ty hỗ trợ cho nỗ lực phát triển vaccine hoặc phương pháp điều trị COVID-19,” Read, sếp cũ của Bourla chia sẻ. “Anh ấy là người có sức lôi cuốn, tạo năng lượng cổ vũ mọi người hoàn thành công việc.”

Tâm lý sẵn sàng cho tình huống cấp bách của Bourla thể hiện rõ sau một ngày cuối tuần tồi tệ trong tháng hai, khi ông nhận ra Covid-19 sẽ không chỉ là vấn đề của riêng Trung Quốc. Sáng thứ hai của tuần kế tiếp, Bourla lập tức đưa ra hướng dẫn cho các lãnh đạo cấp cao của Pfizer. Ông yêu cầu các giám đốc khoa học đảm bảo rằng các phòng thí nghiệm của công ty vẫn mở cửa và nói rằng Pfizer cần đóng góp giải pháp y tế cho đại dịch. “Nếu không phải chúng ta thì là ai?” Bourla nói.

Ông chỉ đạo đội ngũ sản xuất lập danh sách về các loại thuốc của Pfizer có thể sẽ có nhu cầu cao trong đại dịch – bao gồm cả thuốc điều trị suy tim và nhiễm trùng cơ hội – và đảm bảo nguồn cung thuốc được thông suốt. Sau đó, ông chính thức thông báo cho hội đồng quản trị rằng ông đang chuyển trọng tâm của công ty sang cuộc chiến chống Covid-19.

Một ngày, trong giai đoạn Pfizer đang thử nghiệm, giám đốc Scott Gottlieb, cựu điều hành cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA,) rời công ty ở Manhattan, và vài giờ sau, điều ông sợ hãi đã đến: Báo cáo từ California cho thấy lây nhiễm cộng đồng đang lan rộng ở Mỹ.

Tối hôm đó, Gottlieb đăng một bài viết trên Twitter: “Có thể chúng ta sẽ đối mặt với một cuộc chiến trường kỳ đòi hỏi sự hi sinh của tất cả mọi người.” Tuy nhiên, ông tuyên bố rằng, việc phát triển vaccine và phương pháp điều trị đang được tiến hành, một phần nhờ vào những nỗ lực của Bourla tại Pfizer.

“Từ lâu, Albert đã giải thích rõ nguyên nhân vì sao việc xây dựng các nguồn tài nguyên khổng lồ cho Pfizer mà không cần chú trọng đến lợi nhuận kinh doanh là điều vô cùng quan trọng,” Gottlieb nói. “Việc sản xuất được vaccine có thể sẽ thay đổi lịch sử loài người. Các công ty lớn có khả năng mở rộng quy mô sản xuất và cho thử nghiệm trên diện rộng, điều mà các nhà phát triển sản phẩm nhỏ không làm được.”

Vào giữa tháng ba, Bourla đã quyết định công bố kế hoạch chia sẻ dữ liệu nghiên cứu Covid-19 của Pfizer với các đối thủ. Ông hứa sẽ vận dụng bất kỳ năng lực sản xuất dư thừa nào và thậm chí dịch chuyển sản xuất tại các cơ sở của Pfizer, ngưng các sản phẩm của mình để sản xuất các phương pháp điều trị Covid-19 của các công ty khác.

Kể từ lúc đó, Pfizer đã nhận được thông tin từ 340 công ty. Tập đoàn này đã hỗ trợ kỹ thuật cho một số công ty trong số đó và chuẩn bị ký các thỏa thuận sản xuất lớn với những công ty khác. Pfizer cũng đang đàm phán với các công ty khác cần tài trợ cho các liệu pháp điều trị Covid-19 của riêng họ. Bourla tự hỏi: “Liệu các con của tôi có thể đi học lại vào mùa thu tới không? Tôi cũng là một phần của xã hội, không thể có thái độ bàng quan.”

Trong cuộc họp qua video của ban lãnh đạo Pfizer vào cuối tháng tư, Bourla nhận được thắc mắc rằng sẽ như thế nào nếu nhiều công ty sản xuất vaccine thành công. Ông đã trả lời, kết quả tốt nhất nên là như thế, vì như vậy nghĩa là có thể nhanh chóng sản xuất ra số lượng lớn vaccine.

Cuộc đua không tưởng của Pfizer giữa đại dịch Covid-19 - ảnh 5

Tiến hành Pfizer đang tích trữ các loại vaccine và thuốc tiêm hiện có để dồn năng lực vào việc sản xuất vaccine COVID-19 vào cuối năm nay.

 

Ngoài giải pháp vaccine, Pfizer cũng đang cố gắng tìm ra các giải pháp trị liệu. Các nhà nghiên cứu được giao nhiệm vụ nghiên cứu cơ sở dữ liệu phân tử của Pfizer đã lưu ý đến một số hợp chất chống virus có thể ngăn virus sinh sản. Sau khi Pfizer có được chuỗi ADN của virus corona vào tháng một, các nhà nghiên cứu đã tìm ra được loại nào mang lại hiệu quả tốt nhất.

Tuy nhiên, tiến hành nghiên cứu tiền lâm sàng trên các hợp chất được chọn là điều không hề dễ dàng. Pfizer gặp khó khăn trong việc tìm nơi thực hiện các xét nghiệm thích hợp. Công ty đã giảm quy mô nghiên cứu chống virus của mình từ mười năm trước và không còn sở hữu phòng thí nghiệm nào đủ an toàn sinh học để làm việc với virus sống. Bourla từng lo rằng việc thiếu phòng thí nghiệm sẽ làm trì hoãn quá trình thử nghiệm lâm sàng.

Nhưng một cơ quan y tế chính phủ hoạt động độc lập đã giúp Pfizer tìm được phòng thí nghiệm phù hợp ở Hà Lan. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của Pfizer đã cho thấy, một trong những chất ức chế protease của họ, ban đầu được phát triển để chống lại SARS, có khả năng chống virus SARS-CoV-2.

Hiện Pfizer đang dự kiến bắt đầu thử nghiệm loại thuốc kháng virus này trên người, qua hình thức tiêm tĩnh mạch, vào cuối mùa hè này. Một loại thuốc khác của Pfizer cũng đang được chú ý là thuốc trị viêm khớp Xeljanz, mang lại doanh thu 2,2 tỉ USD hằng năm. Thuốc này cũng được coi là giải pháp tiềm năng giúp giảm bớt phản ứng miễn dịch quá mức đối với Covid-19 khiến một số bệnh nhân diễn tiến nặng.

Pfizer đang hỗ trợ thử nghiệm Xeljanz trên bệnh nhân Covid-19 ở Ý. Ở Hoa Kỳ, họ cũng sẽ thử nghiệm một loại thuốc trị viêm khớp khác, với trọng tâm là protein Irak-4 có khả năng chống lại virus. Trong khi thực hiện mọi nỗ lực chống Covid-19, Bourla vẫn cần phải điều hành tốt các bộ phận còn lại của Pfizer.

Gần đây, ông đã lên kế hoạch đến thăm một nhà máy của Pfizer – không có nhà máy nào của họ bị đóng cửa. Nhưng sau khi sắp xếp xong kế hoạch, ông được thông báo rằng mình sẽ không được phép vào nhà máy vì ông không được coi là người có nhiệm vụ trọng yếu. “Tôi không rõ liệu mình có từng dự tính đến điều gì đó như thế này hay chưa,” Bourla nói. “Nhưng tôi cảm thấy mình cần phải chấp nhận khó khăn và vươn lên vì đó là điều mình phải làm.” 

PV