Cúng ông Công ông Táo năm 2019 trước ngày 23 được không?

00:00 12/10/2020

Ngày 23 tháng Chạp năm nay rơi đúng vào ngày thứ Hai (tức ngày 28.1.2019), là ngày đi làm. Vậy lễ cúng ông Công ông Táo năm 2019 có thể làm trước ngày 23 tháng Chạp được không?

Cúng ông Công ông Táo năm 2019 trước ngày 23 được không?

Ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Táo lên chầu Trời để báo cáo về tình hình của các gia đình chốn nhân gian trong một năm qua. Vào ngày này, các gia đình sẽ chuẩn bị các mâm lễ cúng để tiễn các vị thần lên Thiên đình. Đây được xem là một lễ trọng trong phong tục của người Việt.

Theo tập tục, lễ cúng ông Công ông Táo sẽ được các gia đình tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhiều gia đình đặc biệt là các gia đình ở thành phố sẽ phải đi làm hành chính, trong khi đó, ngày cúng ông Công ông Táo năm nay lại rơi vào thứ Hai nên nhiều người thắc mắc rằng liệu có thể cúng trước ngày 23 tháng Chạp được không?

Không những thế, nhiều người cho rằng ngày 23 tháng Chạp năm nay rơi vào ngày không đẹp nên việc cúng ông Công ông Táo phải cúng trước 1 ngày là ngày 22 tháng chạp. Thông tin này có đúng không?

Chuyên gia phong thủy, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Cung Hà cho biết: “Theo truyền thống tập tục, tín ngưỡng lâu đời của người Việt Nam thì ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Táo lên chầu Trời để báo cáo việc của thế gian trong năm. Vì vậy, việc cúng ông Công ông Táo là một điều bình thường không có chuyện xấu ngày ở đây”.

Chuyên gia phong thủy, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Cung Hà. Ảnh: Chụp màn hình VTC14

“Tuy nhiên, trong dân gian người ta có thể cúng trước ngày đấy 1 vài ngày, thậm chí là 5-7 ngày với ngụ ý là mình sẽ báo cáo mọi việc với ông Táo, còn việc ông Táo lên chầu Trời sẽ đúng ngày 23 tháng Chạp, cho nên, việc nói ngày hôm đấy xấu là không đúng. Bởi vì đây là truyền thống, tập tục bất thành văn của dân tộc Việt Nam và chính ngày đấy ông Táo bắt buộc phải lên Thiên đình.

Khi cúng ông Công ông Táo người ta thương tránh cúng vào sau 12 giờ trưa, bởi vì, sau 12 giờ trưa đã đóng cửa thiên đình. Vì vậy, ngày 23 có thể cúng trong buổi sáng” – ông Hà cho biết thêm.

Mâm cúng ông Công ông Táo chuẩn bị như thế nào?

Cũng theo chuyên gia phong thủy, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Cung Hà, lễ cúng ông Công ông Táo bao gồm có lễ mặn và lễ chay.

Lễ mặn gồm có 1 mâm cơm canh. Lễ này tùy vào điều kiện, hoàn cảnh gia đình có thể làm thật thịnh soạn hoặc có thể đơn giản, bình thường.

Lễ chay gồm có: Bánh trái, hoa quả, bộ mũ ông Công ông Táo. Theo truyền thống là có 2 ông 1 bà (mũ ông có cánh chuồn còn mũ bà không có cánh chuồn) và 3 con cá chép. Ngày nay người ta cũng có thể thay 3 con cá chép bằng giấy.

Lễ cúng ông Công ông Táo bao gồm có lễ mặn và lễ chay. Ảnh: By

“Việc giữ gìn tập tục là điều cần thiết, tuy nhiên, mình cũng không nên rườm rà quá. nếu điều kiện, hoàn cảnh không cho phép mình có thể đơn giản bằng các lễ vật như hương, hoa, đăng, trà, quả, bộ mũ ông Công ông Táo và có thể mua cá bằng giấy hoặc cá thật” – Ông Hà cho biết.

Món gì cần phải kiêng kỵ trên mâm cúng ông Công ông Táo?

Theo chuyên gia Nguyễn Cung Hà, trong mâm cúng ông Công ông Táo từ thượng cổ đến bây giờ người ta kiêng không nên cúng thịt chó, thịt trâu, cá mè, vịt, ngan…

"Việc cúng bái thịnh soạn hay đơn giản quan trọng nhất vẫn là tâm thành, thể hiện đạo lý truyền thống của người Việt Nam” – Chuyên gia Cung Hà cho biết.

Yến Linh