Cục Thuế Vĩnh Phúc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2018

00:00 12/10/2020

Năm 2018, Cục Thuế Vĩnh Phúc được Trung ương và HĐND tỉnh giao nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) nội địa là 26.690 tỷ đồng. Chỉ mới 6 tháng đầu năm, kết quả số thu đã đạt khoảng 16,736 tỷ đồng, đạt 62,7% dự toán pháp lệnh và bằng 106,3% so với cùng kỳ. Hầu hết, các lĩnh vực thu các sắc thuế đều đạt dự toán đề ra.

Hội nghị Trao thưởng, tập huấn và đối thoại về chính sách thuế, thủ tục hành chính năm 2018

Một số lĩnh vực có số thu 6 tháng đạt khá là thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thu phí… Bên cạnh đó, các chức năng quản lý thuế chính như: tuyên truyền hỗ trợ NNT, kê khai kế toán thuế, thanh - kiểm tra thuế, quản lý nợ thuế, cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa công tác thuế… được triển khai tích cực, đồng bộ, hiệu quả.

Trong bối cảnh năm 2018 có nhiều biến động lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ thu NSNN trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các ngành nghề chủ lực có đóng góp lớn cho sự tăng trưởng của địa phương như ngành công nghiệp ôtô, xe máy… Ngành Thuế Vĩnh Phúc đã chủ động, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, khai thác tối đa mọi tiềm năng, phát huy các lợi thế và sát cánh cùng các doanh nghiệp, doanh nhân và các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn để triển khai hiệu quả công tác quản lý, cải cách hành chính thuế mang về cho ngân sách tỉnh số thu tăng trưởng quan trọng.

Để có được kết quả đó, ngành Thuế luôn nhận thức rằng, nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ tỉnh đến cơ sở một cách quyết liệt và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính... nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì phát triển sản xuất kinh doanh và thực hiện tốt cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp thuế điện tử qua mạng Internet… Nhờ những nỗ lực đó, nền kinh tế Vĩnh Phúc đã có nhiều khởi sắc.

Xác định việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại chính là đòn bẩy thúc đẩy hoạt động chuyên môn, ngành Thuế  đã chú trọng và đầu tư đúng mức, tiến tới mục tiêu chuyên nghiệp, hiện đại hóa nhanh nhất. Hiện nay, Cục Thuế đang vận hành 15 ứng dụng (phần mềm) quản lý cho từng mảng nghiệp vụ, chức năng riêng và có một phần mềm TMS quản lý tập trung toàn ngành. Đã có 100% doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện kê khai, hoàn thuế qua mạng Internet; 98% doanh nghiệp nộp thuế bằng phương thức điện tử. Số giờ thực hiện thủ tục hành chính của NNT chỉ còn 121,5giờ/năm.

Bên cạnh đó, Cục Thuế Vĩnh Phúc đã thực hiện công tác bồi dưỡng đào tạo thường xuyên cho CCVC và thực hiện luân chuyển, luân phiên cán bộ công khai và minh bạch, sắp xếp cán bộ đúng năng lực, sở trường và phát huy sự sáng tạo trong bản thân mỗi cán bộ công chức… Điều đó đã giúp cho cán bộ có động lực phấn đấu, bộ máy quản lý vận hành thông suốt và đạt hiệu quả rõ rệt trong những năm qua.

Ngành Thuế Vĩnh Phúc chú trọng đào tạo bồi dưỡng, sắp xếp nguồn nhân lực để vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vừa thực hiện tốt nhất các chức năng chính trong quản lý thuế

Đặc biệt, Cục Thuế Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 01 của BTV Tỉnh ủy về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CCVC các cơ quan đơn vị giai đoạn 2016-2021; Quyết định số 520 của Bộ Tài chính về việc “Phê duyệt kế hoạch sắp xếp, sáp nhập Chi cục Thuế quận, huyện, thành phố thành Chi cục Thuế khu vực thuộc Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”. Cụ thể, đã xây dựng kế hoạch, lộ trình 2018 - 2020 sẽ tiến hành sắp xếp, sáp nhập 9 Chi cục Thuế huyện, thành phố xuống còn 5 đơn vị. Trong năm 2018, đã sáp nhập Chi cục Thuế Lập Thạch với Chi cục Thuế Sông Lô.

Nhờ sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ của các ngành liên quan, các đơn vị trong khối truyền thông, toàn tỉnh đã hỗ trợ đắc lực cho công tác chỉ đạo thu NSNN trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao, đóng góp tích cực cho NSNN, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất ôtô, xe máy... Kết quả đó cũng khẳng định tinh thần đoàn kết, sự chủ động linh hoạt và quyết tâm cao của đội ngũ lãnh đạo, quản lý cùng toàn thể công chức viên chức ngành Thuế Vĩnh Phúc.

Phát huy kết quả đạt được, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, ngành Thuế Vĩnh Phúc đã và đang tiếp tục triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, nhằm vận hành bộ máy quản lý thuế thông suốt, đồng thời tạo mọi điều kiện hỗ trợ NNT thực hiện chính sách pháp luật thuế thuận lợi, đóng góp số thuế tăng trưởng cho NSNN. Để đạt và vượt mục tiêu đề ra, ngành Thuế Vĩnh Phúc xác định những tháng còn lại của năm sẽ tập trung vào những giải pháp trọng tâm như sau:

Trước hết, về các giải pháp nghiệp vụ: chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác điều hành thu NSNN; chỉ đạo, đôn đốc khai thác các nguồn thu; triển khai đồng bộ các biện pháp tổ chức quản lý thu trên tất cả các lĩnh vực; phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN từ nội địa năm 2018 với khả năng cao nhất. Thường xuyên phối hợp với các ngành trong công tác thu, công tác tuyên truyền về thuế. Kịp thời tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền trong công tác thu cũng như các biện pháp chỉ đạo nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc tại cơ sở để đạt hiệu quả trong công tác thu ngân sách. Thực hiện tốt công tác phối hợp với các sở, ngành Tài chính, Tài nguyên & Môi trường, Kế hoạch & và Đầu tư, Xây dựng và các ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố cần kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh công tác quản lý thu trong các lĩnh vực đất đai, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực hiện.

Tiếp đó, tăng cường thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế theo lộ trình của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và chỉ đạo của UBND tỉnh. Tiếp tục chú trọng đầu tư nhằm hiện đại hóa hệ thống thuế và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Tích cực triển khai công tác quản lý thuế đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, dịch vụ trên mạng xã hội như Website, Facebook và Zalo. Chú trọng đào tạo bồi dưỡng, sắp xếp nguồn nhân lực để vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vừa thực hiện tốt nhất các chức năng chính trong quản lý thuế, đó là công tác tuyên truyền - hỗ trợ người nộp thuế, công tác kê khai - kế toán thuế, công tác quản lý nợ thuế; duy trì chỉ tiêu nợ cho phép của Tổng cục Thuế (dưới 5% trên tổng số thu ngân sách); xử lý nghiêm đối với các vi phạm về thuế. Đặc biệt, chú trọng đề cao kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, tạo môi trường, phương pháp làm việc chuyên nghiệp, bài bản. Trong năm 2019 và 2020 sẽ tiếp tục sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế còn lại cho phù hợp với sự phát triển KT-XH của địa phương, đảm bảo sự thuận lợi trong cải cách và hiện đại hóa công tác quản lý của ngành Thuế.

 Bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, cần đẩy mạnh phong trào thi đua, khen thưởng nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế; đồng thời luôn quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần nhằm khuyến khích, động viên kịp thời đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác, tập trung trí tuệ, cống hiến sức lực để hoàn thành tốt nhất mọi mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2018.                     

B.Hảo