Cứ tưởng xúc than lên mà bán...

00:00 12/10/2020

Họ là những nhà văn, nhà báo khá nổi tiếng, trong đó nhiều người hiện đang làm việc tại các tờ báo lớn. Trong đoàn có ba nhà văn nữ. Để các nhà văn nữ được vào lò, đoàn phải qua các thủ tục nghiêm ngặt với sự can thiệp của những người có trách nhiệm quản lý mỏ.

tho-mo-trong-nganh-than

tho-mo-trong-nganh-than-1

Các nhà văn làm thủ tục vào lò -người đang ký vào sổ ra vào lò là Nhà văn Lê Hồng Nguyên

tho-mo-trong-nganh-than-2

tho-mo-trong-nganh-than-3

Nhìn khai trường bao bọc cây xanh và hoa, đẹp như công viên, các nhà văn thích thú chụp ảnh lia lịa, cười nói ríu ran. Đến lúc ông Phó Giám đốc nghiêm mặt yêu cầu mọi người cất máy ảnh, điện thoại, bật lửa và hô tập hợp thành hàng ngang để nghe hướng dẫn an toàn, tôi thấy gương mặt các nhà văn tỏ vẻ hồi hộp, lo lắng.

Các đường lò trong hệ thống mở vỉa chưa được trang bị phương tiện chở người nên đoàn phải đi bộ. Đoàn theo giếng chính xuống lò. Đây là giếng nghiêng dốc khoảng 23 độ, dài gần một cây số, xuống tới âm 220. Ông PGĐ dẫn đầu, ông PQĐ đi sau cùng. Đến mức âm 75, đoàn theo chân ông PGĐ rẽ phải, theo lò bằng vào gương lò đá công nhân đang sản xuất. Trong khoảng không gian chật hẹp, hơi nước mịt mùng, qua ánh đèn lò lấp lóa, gương mặt các nhà văn nữ trắng bệch, đầm đìa, phấn son và bụi loang lổ, nom họ thật bé nhỏ trước những anh thợ lò vạm vỡ đang xoạc chân, ấn máy khoan xuyên vào vỉa đá. Tiếng máy khoan rền vang, át cả tiếng nói, các nhà văn phải ghé sát vào tai người thợ để phỏng vấn. Người thợ không ghé vào tai các nhà văn nữ để trả lời mà dùng  tay ra hiệu và nói thật to, át cả tiếng máy khoan. Nom cử chỉ của thợ lò mạnh mẽ, dứt khoát cứ như họ đang vào trận đánh vậy.

Khi lên mặt đất, đoàn theo giếng gió. Giếng nghiêng này dài 300 mét, được trang bị tời hỗ trợ người đi bộ. Việc sử dụng tời trợ lực rất đơn giản. Chỉ cần đeo thắt lưng vào người, sau đó móc thanh thép một đầu có dây dù vào thắt lưng, đầu kia khoặc vào dây tời. Khi tời quay, người bám vào thanh sắt, bước theo tốc độ di chuyển của dây tời. Đơn giản vậy và đã được ông PGĐ và PQĐ hướng dẫn sử dụng, thao tác rất cặn kẽ nhưng các nhà văn nữ hãi, thà đi bộ. Các chị bám theo hông lò ì ạch, thập thững. Leo một đoạn, các chị dừng lại, bám vào vì chống thở dốc, đầu gối rung bần bật. Khi lên cửa lò, ai nấy mặt bạc cả ra, người ướt đầm. Ông PGĐ  phì cười:

- Đã ăn thua gì! Chúng ta mới đi ở mức trên, khoảng ba cây số. Nếu đi xuống mức  âm 220 phải mất cả ngày.

Nhà văn Lê Hồng Nguyên thốt lên:

- Ôi trời…

Tôi hỏi ông PGĐ:

- Tôi được biết, Dự án này khởi công năm hai linh chín (2009), đến nay đã đào được bao nhiêu mét đường lò, hả anh?

- Hơn tám cây số

- Dự kiến bao giờ ra than ạ?

- Phấn đấu cuối năm nay ra tấn than đầu tiên anh ạ.

Nhà văn Lê Hồng Nguyên lại thốt lên:

- Ôi trời…

Lại hỏi ông Liệu, PQĐ:

- Anh là phó quản đốc, trực tiếp chỉ huy sản xuất. Vậy, mỗi ca, anh phải đi bộ trong lò khoảng bao nhiêu cây số?

- Nếu không có sự cố, bình quân mỗi ngày chúng tôi phải đi bộ khoảng dăm cây số mới nắm hết tình hình ở các khu vực sản xuất, anh ạ.

- Ôi trời...

Nhà văn Lê Hồng Nguyên ứa nước mắt, sụt sịt, chúng em mới chỉ đi có mấy trăm mét, chẳng phải làm gì mà đã nhọc thế này… vậy mà suốt bốn năm nay, các anh không những đi lại vất vả mà còn đào hơn tám cây số đường lò vẫn chưa lấy được than. Vậy mà lâu nay em cứ tưởng, than có sẵn trong lòng đất, cứ xúc lên mà bán…

Minh Cao