Cú sốc cuối cùng của thị trường chứng khoán vẫn chưa xảy ra

00:00 12/10/2020

Những gì đã xảy ra từ đầu năm 2020 đến hiện tại nhiều khả năng chưa phải là “cú sốc” cuối cùng tới thị trường chứng khoán trong năm nay.

Cú sốc cuối cùng chưa xảy ra

Dịch COVID-19 tác động đáng kể đến kinh tế vĩ mô về tăng trưởng kinh tế, lạm phát và dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS), tăng trưởng GDP Việt Nam cho năm 2020 ở mức 3,5-3,9%; lạm phát cả năm 2020 ở mức 3-3,5%. Dòng tiền đầu tư trực tiếp (FDI) sẽ bị gián đoạn trong những tháng đầu năm 2020, và dòng vốn đầu tư gián tiếp (FPI) sẽ có xu hướng rút khỏi thị trường (bán ròng) ít nhất là trong nửa đầu năm 2020.

VCBS tin tưởng rằng dịch COVID-19 sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ và khống chế thành công trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam giai đoạn nửa cuối năm 2020, theo đó hạn chế tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội.

Mặc dù vậy, VCBS cũng nhấn mạnh rằng những gì đã xảy ra từ đầu năm 2020 đến hiện tại nhiều khả năng chưa phải là “cú sốc” cuối cùng tới thị trường chứng khoán trong năm nay.

Hệ quả là, mức độ biến động trên thị trường chứng khoán năm 2020 sẽ mạnh hơn nhiều so với năm 2019.

Theo dự báo của VCBS, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 trong nửa đầu năm và dần phục hồi trở lại trong nửa cuối năm 2020. Theo đó, 3 kịch bản của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020 đã được đưa ra.

Cụ thể, kịch bản I (cơ sở) - dịch bệnh cơ bản khống chế trên toàn cầu trong quý II/2020. Mức cao nhất trong năm của các chỉ số chính dự báo giảm từ 10-15% so với đỉnh năm 2019. Kịch bản II (tiêu cực) - dịch bệnh diễn biến phức tạp và chỉ được khống chế về cuối năm 2020. Mức cao nhất trong năm của các chỉ số chính dự báo giảm từ 20-25% so với đỉnh năm 2019. Và kịch bản III (xấu nhất) - dịch lan rộng bất ngờ và chưa thể khống chế trong năm 2020. Mức cao nhất trong năm của các chỉ số chính dự báo giảm từ 25-30% so với đỉnh năm 2019.

Trong đó, kịch bản cơ sở là mức cao nhất trong năm của các chỉ số chính được dự báo giảm từ 10-15% so với đỉnh của năm 2019. Tuy nhiên, khối lượng và giá trị giao dịch trung bình phiên được dự báo tiếp tục tích cực trong phần còn lại của năm 2020, với mức tăng chung cả năm khoảng 30% so với năm 2019. Đặc biệt, khoảng dao động của VN-Index được kỳ vọng lớn hơn nhiều so với năm 2019, trong khoảng 250-300 điểm.

Các nhóm ngành tiếp tục phân hóa

VCBS cho rằng các nhóm ngành là cơ hội cũng như tiềm ẩn rủi ro đầu tư trên thị trường sẽ tiếp tục duy trì xu hướng phân hóa rõ nét hơn trong phần còn lại của năm 2020.

Cụ thể, các nhóm ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất là những ngành cần “traffic” - tức yêu cầu tập trung khách hàng với mật độ cao, như hàng không, dịch vụ lưu trú, chuỗi cửa hàng phân phối hàng hóa không thiết yếu,...

Tiến độ các dự án bất động sản có thể chịu ảnh hưởng nhưng không nhiều. Hoạt động tiêu thụ dù có chậm trong nửa đầu năm nhưng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm do quý I thường là mùa thấp điểm cả về xây lắp và bán hàng.

Tình hình xuất khẩu một số nhóm hàng chủ yếu của Việt Nam giai đoạn 5 tháng đầu 2020 cũng không chịu nhiều tác động của dịch bệnh. Nguồn: VCBS.

Tình hình xuất khẩu một số nhóm hàng chủ yếu của Việt Nam giai đoạn 5 tháng đầu 2020 cũng không chịu nhiều tác động của dịch bệnh. Nguồn: VCBS.

Một số ngân hàng có thể gián tiếp chịu tác động tiêu cực nhưng có độ trễ và nhiều khả năng sẽ chỉ bắt đầu bộc lộ rõ nét kể từ năm 2021, đồng thời nghiêng nhiều hơn về nhóm ngân hàng có tỉ trọng doanh thu bán buôn lớn.

Các doanh nghiệp phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc có thể gặp nhiều khó khăn nếu tình trạng gián đoạn nguyên liệu đầu vào kéo dài.

Tình trạng tiêu dùng suy yếu toàn cầu do chính sách giãn cách xã hội ở nhiều quốc gia sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Các ngành nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực về sụt giảm đơn hàng xuất khẩu trong nửa cuối năm 2020 là may mặc, điện thoại và linh kiện điện tử.

Mối quan hệ xuất nhập khẩu giữ Việt Nam và Trung Quốc năm 2019. Nguồn: VCBS.

Mối quan hệ xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2019. Nguồn: VCBS.

Tác động của dịch bệnh lần này đến thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế Việt Nam là một thách thức lớn, đặc biệt là khi sức ảnh hưởng của vùng tâm dịch Hồ Bắc, trung tâm sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải lớn của Trung Quốc là chưa thể tính toán được, nhất là nếu xét thêm cả mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc với vai trò “công xưởng của thế giới” đến nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam điểm sáng là mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp không có sự lan tỏa. Do đó, cơ hội và rủi ro vẫn đan xen trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Kim Anh