“Cú hích” cổ phần hóa

00:00 12/10/2020

Thời gian tới, một số vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa (CPH) cơ bản sẽ được tháo gỡ sau khi Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành công ty CP.

Đây được coi là “cú hích” giúp quá trình CPH kỳ vọng có nhiều đột phá. Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) về vấn đề này. Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, tiến độ CPH DNNN thời gian qua vẫn bị chậm và chưa thực chất? - CPH hiện nay chủ yếu là các DN lớn. Với lượng tài sản lớn, cấu trúc tài sản phức tạp khiến việc hoàn tất các khâu chuẩn bị cho tiến hành bán đấu giá CP lần đầu ra công chúng (IPO) của các DN lớn khá mất thời gian. Ví dụ, một số DN như MobiFone có vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng; Tổng Công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam với vốn điều lệ 357,7 tỷ đồng…. cũng đang vừa phải triển khai phương án CPH vừa phải xử lý các vướng mắc, nhất là vấn đề tài chính để hoàn thành CPH trong năm nay. Bên cạnh đó, tư tưởng một số Bộ vẫn muốn nắm giữ tỷ lệ vốn Nhà nước tại DN lớn cũng đang là trở ngại đối với việc đẩy nhanh tiến độ CPH. Không những CPH bị chậm, thời gian qua, việc IPO một số DN cũng “ế ẩm”, lượng CP bán được thấp. Theo ông, làm thế nào để khắc phục được vấn đề này? - Thời gian qua, việc IPO đã chứng kiến sự không thành công của nhiều DNNN vì lượng CP bán được thấp, cá biệt có một số DN chào bán tới 30 - 40% CP nhưng chỉ bán được 1 - 2% CP. Cụ thể, Tổng Công ty Viglacera, tỷ lệ dự kiến bán ra là 25,83% nhưng tỷ lệ thực tế bán được chỉ 8,52%; Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng, tỷ lệ dự kiến bán ra 27,02%, tỷ lệ thực tế bán được 5,39%... Từ thực tiễn này cho thấy, không phải cứ DN tốt là bán được, quan trọng là khâu chuẩn bị đi bán. Một anh bán mà lúc nào cũng đon đả, tươi cười, dù hàng có giá đắt một chút thì khách hàng cũng sẽ mua. Ngược lại, nếu anh bán hàng mặt luôn cau có thì khó bán được. Chọn đơn vị tư vấn ở đây là chọn được đơn vị có trình độ, họ đưa ra được lợi thế, cơ hội của DN. Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 59 nếu được thông qua sẽ giúp thúc đẩy tiến trình CPH. Ông có thể nói rõ hơn những điểm mới tại dự thảo này? - Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 59 có 12 vấn đề chính và có khá nhiều điểm mới nhằm tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến trình CPH nhưng vẫn hạn chế tối đa thất thoát vốn Nhà nước. Về phương thức IPO, ngoài 3 phương thức hiện hành (đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp), dự thảo Nghị định bổ sung thêm phương pháp mới là dựng sổ (Book building) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một phương thức phổ biến trên thế giới cần được nghiên cứu áp dụng trong quá trình CPH. Theo đó, tổ chức bảo lãnh phát hành phối hợp với tổ chức phát hành xác định khoảng giá dự kiến và dựa vào nhu cầu của thị trường trên cơ sở dựng sổ lệnh về nhu cầu nhà đầu tư (NĐT) để xác định mức giá cuối cùng.
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh MobiFone Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Thanh Hải
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh MobiFone Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Thanh Hải
Dự thảo cũng điều chỉnh quy định việc bán CP cho NĐT chiến lược. Cụ thể, quy định bổ sung tiêu chuẩn của NĐT chiến lược phải là NĐT có cùng ngành nghề kinh doanh chính với DN CPH, có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh 2 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua CP phải có lãi. Và vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán bởi một công ty kiểm toán độc lập phải đảm bảo có đủ nguồn để mua số lượng CP đăng ký mua. Trường hợp chỉ có một NĐT chiến lược đăng ký mua thì không tổ chức bán thỏa thuận cho NĐT này mà chuyển sang bán đấu giá công khai cùng với các NĐT thông thường khác. Việc bán CP cho NĐT chiến lược phải trên cơ sở đấu giá giữa các NĐT chiến lược với nhau trên Sở giao dịch chứng khoán sau cuộc đấu giá công khai (không áp dụng hình thức bán trước cho NĐT chiến lược và bỏ quy định mức khống chế số lượng tối đa 3 NĐT chiến lược tại mỗi DN)...
(theo ktdt.vn)