CPTPP với doanh nghiệp: Lợi ích hay thách thức?

00:00 12/10/2020

Tại Hội thảo "Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với doanh nghiệp: Lợi ích hay thách thức?", vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động trong "sân chơi" này. 

CPTPP có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019, mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, song cũng đi kèm thách thức rất lớn. Các lĩnh vực, ngành hàng như dệt may, giày dép, cà phê, chè, hạt tiêu... sẽ được hưởng lợi nhiều từ CPTPP. Nhưng, lĩnh vực khác, chẳng hạn ôtô, thực phẩm, chăn nuôi… có thể phải chịu tác động từ các cam kết. Ngay cả đối với ngành dệt may, dù được cho là sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ những ưu đãi thuế quan, song theo bà Bùi Kim Thùy - chuyên gia của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, ngành dệt may sẽ phải chịu tác động mạnh nhất từ các cam kết trong CPTPP.

cptpp voi doanh nghiep loi ich hay thach thuc

Nguyên nhân, theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - việc phải nhập khẩu lượng lớn vải từ nước không tham gia CPTPP (Trung Quốc…), thì khó có thể tận dụng tốt ưu đãi thuế quan từ xuất xứ hàng hóa. Các thành viên CPTPP khác có ngành sản xuất vải phát triển sẽ tận dụng được tối đa ưu đãi, thậm chí có thể còn dùng cơ chế phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất vải trong nước, điều này sẽ khiến doanh nghiệp may mặc Việt Nam phải đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn. Bên cạnh đó, trình độ nguồn nhân lực ngành dệt may còn thấp, 76% vẫn là lao động phổ thông.

Để giải quyết "điểm nghẽn" trên, ông Trương Văn Cẩm cho rằng, ngoài cơ chế, chính sách của nhà nước, doanh nghiệp dệt may phải chủ động tìm hiểu kỹ cơ chế ưu đãi, cam kết trong CPTTP. Từ đó, xác định thế mạnh, điểm yếu để đưa ra chiến lược phát triển thích hợp; chú trọng đến đầu tư sản xuất vải (in, nhuộm, hoàn thiện) trong nước. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách của nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp về quy hoạch, đất đai… để hình thành khu công nghiệp tập trung chuyên ngành lĩnh vực này.

Đối với ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Cao Trí - Tổng giám đốc NS BlueScope Lysaght Việt Nam – khuyến nghị: Để sản phẩm chăn nuôi khai thác tốt thị trường CPTPP, doanh nghiệp cần chủ động liên kết với người chăn nuôi để tạo ra những vùng chăn nuôi trọng điểm theo chuỗi từ sản xuất, chế biến, đến phát triển thị trường tiêu thụ.

Ông Đỗ Văn Huệ - Ủy viên thường trực Câu lạc bộ Nông nghiệp CNC Việt Nam - cho biết, đa số doanh nghiệp nông nghiệp vẫn chưa chủ động được thị trường xuất khẩu, chủ yếu vẫn phải gia công sản phẩm cho đối tác nước ngoài, rất rủi ro, bị động. Để tận dụng cơ hội từ CPTPP, trước hết, doanh nghiệp nông nghiệp phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ nội dung cam kết trong CPTPP, từ đó đưa ra phương án tổ chức sản xuất, thị trường hợp lý...

Bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương): CPTPP cắt giảm gần 100% các dòng thuế, trong đó 66% về 0% khi có hiệu lực và tỷ lệ này tăng lên 86,5% sau 3 năm; không áp dụng thuế xuất khẩu (loại trừ một số mặt hàng như xăng dầu...)

Lan Ngọc