Covid-19 là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số

00:00 12/10/2020

Chuyển đổi số là chiến lược dài hạn đối với doanh nghiệp, thế nhưng dịch Covid-19 bất ngờ đến khiến tiến trình này diễn ra nhanh, quyết liệt hơn, giống như một chất xúc tác đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Thực tiễn chuyển đổi số ở Việt Nam

Theo ông Tan Jee Toon - Tổng giám đốc IBM Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, đặc biệt là với định hướng của Chính phủ nhằm thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế hướng tới nền công nghiệp 4.0. Một số doanh nghiệp đang đi đầu trong xu hướng này, đặc biệt là các doanh nghiệp khối ngân hàng và viễn thông.

Mặc dù vậy, việc ứng dụng lại chưa thực sự phổ biến trong tất cả các ngành. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là hầu hết các doanh nghiệp đều đang tận dụng công nghệ thông tin để số hóa và tự động hóa quy trình kinh doanh của họ, đồng thời bắt đầu thử nghiệm các công nghệ đám mây và trí tuệ nhân tạo.

Nói về rào cản của chuyển đổi số, ông Phạm Thế Trường – Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam trích dẫn báo báo cáo chuyển đổi số do Microsoft thực hiện cùng IDC, rào cản lớn nhất đối với việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương chính là thiếu nguồn nhân lực có các kỹ năng cần thiết của thời đại số.

Ảnh minh họa

Covid-19 là chất xúc tác thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số

Theo ông Võ Tấn Long, Phó tổng giám đốc Dịch vụ công nghệ thông tin, Công ty tư vấn PwC Việt Nam, Covid-19 không chỉ thúc đẩy thay đổi công nghệ, chiến lược, mô hình kinh doanh mà quan trọng là thay đổi nhân viên, cách ứng xử của họ với khách hàng. Các khuyến khích nhân viên cũng là vấn đề quan trọng trong quản lý những thay đổi, thúc đẩy giá trị lan tỏa vào doanh nghiệp.

Việc chuyển đổi thành công hay không ở cơ chế từ quyết định, làm sao nâng tầm nhân viên để họ tự ra quyết định, đồng thời lãnh đạo cũng phải chấp nhận sai lầm, chấp nhận thử và thua để học từ việc kinh nghiệm đó. Nhiều doanh nghiệp nhìn nhận việc đầu tư cho chuyển đổi số là tốn kém nhưng theo ông Long những đầu tư công nghệ cần đặt kèm với những thay đổi trải nghiệm khách hàng.

“Trước khi Covid-19 xảy ra, việc đi ra vào tòa nhà, mở cửa trực tiếp là bình thường nhưng sau đó một số ngân hàng ứng dụng nhận diện khuôn mặt tự động mở cửa để nhân viên không cần sờ tay vào. Điều đó cho thấy các nền tảng công nghệ sẽ thay đổi nhanh hơn và vòng đời đầu tư công nghệ ngắn hơn,” theo ông Long.

Ông Long gợi ý các doanh nghiệp khi chuyển đối số trong bối cảnh biến động như Covid-19 cần quan tâm: xác định được chiến lược, tìm kiếm sự khác biệt và có sự đầu tư trọng tâm. Doanh nghiệp cũng phải chấp nhận văn hóa cởi mở hơn. "Nếu làm được những điều này thì dù tìm được kho báu hay không doanh nghiệp đã đạt thành công nhất định trong chuyển đổi số", ông Long nói.

Cũng bình luận về vấn đề này, ông Nishikawa Shinichiro - Giám đốc cấp cao khu vực Đông Nam Á - NTT Data Global, thành viên HĐQT Công ty Dịch vụ Trực tuyến Cộng Đồng Việt (Payoo) cho hay, Covid-19 trở thành cơ hội để đưa ra những công nghệ mới nhất vào lĩnh vực thanh toán, lúc đó các doanh nghiệp đặc biệt SMEs phải lên kế hoạch bán hàng ngay trong dịch, làm sao thu được tiền, thu được nợ và vẫn bán được sản phẩm.

“Thông qua thanh toán có thể thấy được sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, điều này được chứng minh qua mức gia tăng thanh toán trực tuyến trong giai đoạn dịch vừa qua tại Việt Nam là rất lớn”, ông Nishikawa Shinichiro nói.

Theo ông Shinichiro, 10 năm trước ví điện tử đã có tại Việt Nam nhưng ít người dùng nhưng hiện nay đã hiện diện khắp nơi. Việt Nam hiện có sự cân bằng rất tốt trong việc tăng trải nghiệm cho người dùng và đảm bảo tính riêng tư, an toàn. "Công nghệ trong thanh toán sẽ tiếp tục được cải thiện và phát triển mạnh trong 2-3 năm tới,” chuyên gia Nhật nói.

 Thảo Nguyên