Coteccons làm ăn ra sao trước khi Kusto xuất hiện?

00:00 12/10/2020

Kusto đầu tư và trở thành cổ đông lớn tại Coteccons từ năm 2012, bổ sung dòng tiền giúp doanh nghiệp có được giai đoạn hoàng kim trước khi chững lại tầm 1 năm trở lại đây.

 Công ty CP Xây dựng Coteccons (CTD) hiện là doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, công ty này đang trở thành tâm điểm chú ý khi những mâu thuẫn nội bộ giữa nhóm cổ đông lớn Kusto và ban lãnh đạo doanh nghiệp ngày càng căng thẳng.

Mới nhất, Kusto đã đơn phương triệu tập đại hội cổ đông bất thường ngày 13/7 yêu cầu bầu lại HĐQT mới và kiểm toán đặc biệt nhằm làm rõ các vấn đề xung đột lợi ích tại doanh nghiệp.

Ban lãnh đạo Coteccons sau đó cũng lên tiếng cho rằng cổ đông ngoại này đang có ý định thâu tóm doanh nghiệp.

Tham gia của Kusto và bài toán về dòng tiền

Kusto là một tập đoàn đầu tư tư nhân quốc tế có trụ sở chính tại Singapore. Lĩnh vực đầu tư chính của đơn vị này là khai thác quặng, khoáng sản, xây dựng công nghiệp… Ngoài Việt Nam, các thị trường chính của tập đoàn này chủ yếu tập trung tại các nước Đông Âu gồm Nga, Ukraine, Kazakhstan...

Tập đoàn này lần đầu xuất hiện tại Coteccons từ năm 2012 khi hai bên có những cuộc tiếp xúc để cùng nhau mở rộng thị trường và phát triển đội ngũ. Doanh nghiệp phía Việt Nam sau đó đã tạo điều kiện để tập đoàn ngoại này trở thành cổ đông lớn thông qua đợt phát hành hơn 10 triệu cổ phiếu, huy động 500 tỷ đồng.

Trước năm 2012, khi chưa có mặt Kusto trong cơ cấu cổ đông, Coteccons vẫn thuộc nhóm nhà thầu xây dựng lớn nhất thị trường. Doanh thu khi đó của công ty này trên dưới 4.000 tỷ đồng/năm và lợi nhuận bình quân trên 200 tỷ đồng.

Với chủ trương không vay vốn ngân hàng, nguồn vốn lưu động chính của Coteccons phụ thuộc vào vào dòng tiền từ hoạt động kinh doanh.

Trong khi đó, giai đoạn 2011-2012 lại ở cuối chu kỳ xây dựng của thị trường, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp đã âm nhiều năm liên tiếp. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc gia tăng các khoản phải thu trong khi lợi nhuận không tăng trưởng nhiều.

Báo cáo tài chính của Coteccons cho hay, đến cuối năm 2011, khoản tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp này vào khoảng 252 tỷ đồng, giảm 13% so với đầu năm. Trong khi số đầu năm cũng đã giảm 21% so với năm liền trước.

Nguồn tiền lưu động này dồi dào hơn ngay sau khi Kusto rót vốn vào doanh nghiệp

Đến cuối năm 2012, tiền và các khoản tương đương tiền của Coteccons đã tăng gần 3 lần, đạt 681 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn tiền tăng thêm đến từ việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông ngoại nói trên.

Cũng trong năm này, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã chuyển từ âm 115 tỷ đồng sang dương 442 tỷ đồng (trong khi lợi nhuận vẫn dưới 300 tỷ đồng).

Giai đoạn hoàng kim của Coteccons

Sau khi được bổ sung nguồn tiền từ phát hành vốn cho Kusto, doanh thu Coteccons cũng ghi nhận đà tăng trưởng nhanh, từ trên 4.000 tỷ đồng giai đoạn 2011-2012 lên tới hơn 27.000 tỷ đồng vào năm 2017, gấp 6 lần sau 5 năm.

Tăng trưởng doanh thu trung bình của nhà thầu xây dựng này giai đoạn 2013-2017 cũng lên tới 45%/năm. Cùng với đó, tăng trưởng lợi nhuận bình quân năm giai đoạn này là 54%/năm.

Trong đó, lợi nhuận đã tăng đột biến vào năm 2015-2016 với mức tăng gấp đôi mỗi năm.

Theo tài liệu của lãnh đạo Coteccons, Kusto cùng các cổ đông chủ chốt hiện tại của doanh nghiệp đã ký thỏa thuận cam kết ủng hộ những quyết định cần thiết để hợp nhất Unicons và Phú Hưng Gia (nay là Ricons) vào Coteccons.

Sau đó, Unicons đã được hợp nhất vào doanh nghiệp năm 2015. Do có phân khúc khách hàng riêng, sau khi được sáp nhập, Unicons đã góp phần lớn giúp kết quả kinh doanh hợp nhất tăng trưởng với doanh thu tăng 52%, lợi nhuận tăng 94% vào năm 2016.

Hiện tại, Unicons cũng là 1 trong 3 nhà thầu tư nhân lớn nhất Việt Nam với doanh thu hàng năm đạt khoảng 8.000-8.500 tỷ/năm.

Lợi nhuận của Coteccons đạt đỉnh vào năm 2017 khi mang về tới 1.653 tỷ đồng lãi ròng cho các ông chủ. Trong khi mức đỉnh doanh thu nhà thầu này đạt được là 28.561 tỷ đồng vào năm 2018.

Trên thị trường chứng khoán, năm 2015 cũng khởi đầu giai đoạn hoàng kim của cổ phiếu CTD khi tăng một mạch từ vùng giá dưới 50.000 đồng/cổ phiếu lên trên 200.000 đồng. Có thời điểm, cổ phiếu này tăng gấp 4 lần trong chưa đầy 1 năm và lọt top những cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường.

Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của nhà thầu xây dựng này bắt đầu suy giảm từ năm 2018 khi doanh thu chỉ tăng 5% và lợi nhuận giảm 9%.

Số liệu càng xấu hơn trong năm 2019 khi doanh thu sụt giảm 17% còn lợi nhuận giảm tới 53% về mức thấp nhất 5 năm.

Kết thúc năm 2019, Coteccons không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh và ghi nhận năm thứ 2 liên tiếp dòng tiền kinh doanh âm, dòng tiền thuần doanh nghiệp cũng âm năm thứ 3 liên tiếp.

Trong quý I vừa qua, dù biên lợi nhuận được cải thiện, nhưng lợi nhuận của Coteccons cũng đã giảm về mức thấp nhất 5 năm, dòng tiền kinh doanh âm thêm 427 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ.

Cùng với kết quả kinh doanh đi xuống, cổ phiếu CTD đã giảm mạnh từ năm 2018 đến nay. Hiện mỗi cổ phiếu CTD đang được giao dịch với giá 70.000 đồng, giảm trên 70% từ đỉnh cuối năm 2017.

Để giải bài toán tăng trưởng, Coteccons đã tính tới việc sáp nhập Ricons (1 trong 5 nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam) tương tự như cách từng làm với Unicons năm 2015. Tuy nhiên, đề xuất này cũng khởi đầu cho những mâu thuẫn nội bộ diễn ra tại doanh nghiệp.

Trong khi lãnh đạo Coteccons chủ trương sáp nhập thì cổ đông lớn Kusto lại phản đối với lý do không mang lại lợi ích cho cổ đông.

Ngoài ra, việc Coteccons chỉ sở hữu 15% cổ phần tại Ricons, trong khi nhiều phần vốn tại nhà thầu xây dựng này do ban lãnh đạo Coteccons và người nhà nắm giữ khiến việc sáp nhập nói trên có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ sở hữu của Kusto.

Đây được xem là nguyên nhân lớn nhất khiến cổ đông ngoại phản đối gay gắt thương vụ sáp nhập nói trên.

PV