Công văn 2843 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: Liệu có công bằng(!?).

00:00 12/10/2020

xuat-khau-lao-dong

Việc đi xuất khẩu lao động ra nước ngoài trong thời gian qua là một xu hướng của các lao động trên toàn quốc, trong đó thị trường Hàn Quốc được xem là một điểm đến hấp dẫn, có nhiều thuận lợi, thu nhập ổn định... Vì vậy hàng vạn lao động của các miền quê trên cả nước, trong đó nhiều nhất là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… đã quyết tâm học để được sang Hàn Quốc lao động nhằm thay đổi cuộc đời. Vậy nhưng ngày 29/7/2016, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ra công văn số 2843/LĐTBXH-QLLĐNN về việc tạm dừng tuyển dụng lao động theo chương trình EPS gửi cho ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Công văn này giống như một gáo nước lạnh dội vào những ước mơ cháy bỏng được đi lao động ở Hàn Quốc của hàng vạn lao động trên cả nước.

Công văn này nêu rõ “90 quận/huyện có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước trên 35% thuộc 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số lao động bất hợp pháp cao nhất tại Hàn Quốc thuộc diện đưa vào xem xét tạm dừng tuyển chọn trong năm 2016” và “Tạm dừng tuyển chọn lao động trong năm 2016 đối với 44 quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên trong số 90 quận/huyện nêu trên”. Việc có nhiều lao động của Việt Nam sau khi hết thời hạn đã trốn ra ngoài làm mà không trở về nước là một thực tế có thật, đã và đang diễn ra rất phức tạp tại Hàn Quốc. Nhưng để giải quyết tình trạng này bằng cách hạn chế, hoặc không tuyển lao động mới của Việt Nam (đặc biệt là các tỉnh, thành phố tại một số địa phương như Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên) sang làm việc thì quả là không công bằng. Không công bằng ở lẽ, tại sao một số lao động này làm sai quy định mà lại bắt một số người lao động khác, đang ở quê nhà phải chịu trách nhiệm là sao?. Cụ thể ở đây là những lao động hết thời hạn không về nước mà ở lại lao động bất hợp pháp, chính họ đã phá vỡ hợp đồng và vi phạm pháp luật của nước sở tại, chính họ mới phải chịu trách nhiệm về việc đó. Ngoài ra, các đơn vị tuyển dụng những người lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc cũng có lỗi là sử dụng lao động bất hợp pháp. Vậy tại sao cả người làm thuê và người sử dựng lao động trực tiếp lại không chịu trách nhiệm gì mà trách nhiệm này lại đổ lên đầu của những lao động ở quê nhà đang muốn được thay đổi cuộc sống và họ không bị vi phạm bất cứ điều gì (Có chăng là do họ sinh ra đúng trong cái huyện không may bị tạm đình chỉ đó). Giải pháp để làm sao các lao động hết thời hạn về nước là một việc làm hết sức khó khăn, phức tạp, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữ nhiều bên, trong đó vai trò quan trọng nhất vấn là cách thức quản lý các công ty đưa người đi lao động ở Việt Nam và các công ty đang sử dụng lao động ở Hàn Quốc. Bởi, đây là nơi để xuất phát ra tình trạng trên. Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng cần được các cấp có liên quan tổ chức thường xuyên để cho người đi lao động biết, hiểu về các việc làm phi pháp đó. Được như thế thì mới mong giảm được tình trạng lao động hết hạn không về nước mà ở lại lao động, cư trú bất hợp pháp mới có thể thực hiện được. Và trong lúc thực hiện các biện pháp đó, thì vấn tổ chức các đợt thi tuyển để những lao động có nhu cầu sang lao động tại Hàn Quốc vấn được thực hiện. Có như vậy mới đảm bảo được tính công bằng cho tất cả mọi lao động có mong muốn đi lao động tại Hàn Quốc.

Hoàng Kiểm