Công nghệ số đối với doanh nghiệp Việt Nam “Bây giờ hoặc không bao giờ”

00:00 12/10/2020

Làn sóng công nghiệp số hóa đang diễn ra với tốc độ chóng mặt tại mỗi quốc gia trên thế giới, với những mức độ khác nhau, tạo ra những tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội.


Do những thay đổi mang tính cách mạng về khoa học và công nghệ dẫn tới thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, mô hình kinh tế, hệ thống quản lý nhà nước, xã hội cũng như phương thức hoạt động của các doanh nghiệp. Cụ thể như: yêu cầu về đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin; đẩy mạnh khoa học phân tích và quản lý và xử lý dữ liệu lớn tạo ra tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định và tạo lợi thế cạnh tranh. Yêu cầu về đổi mới mô hình quản lý, sản xuất, tối ưu hóa mô hình kinh doanh, thiết lập chuỗi cung ứng và hậu cần thông minh trong mạng lưới chuỗi giá trị toàn cầu và mô hình thuế quan mới. Yêu cầu về hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ mới, tốt hơn trong thời đại số. Yêu cầu cao hơn về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.

Nhiều khái niệm mới như kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, toàn cầu hoá… xuất hiện. Lực lượng sản xuất quan trọng nhất sẽ là các kỹ sư, nhà khoa học và thế hệ “nô lệ” mới Robot với năng suất lao động cao hơn công nhân lao động hàng chục lần. Kinh tế chia sẻ đã tạo ra thách thức vô cùng nghiêm trọng cho các doanh nghiệp truyền thống. Kinh tế tri thức với hình ảnh các tỷ phú công nghệ tự thân và Top 5 doanh nghiệp có giá trị thị trường lớn nhất thế giới hiện nay đều là các công ty công nghệ.

Những doanh nghiệp hiện diện đa quốc gia sẽ đè bẹp các doanh nghiệp đơn quốc gia nhờ khả năng hút vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD và hệ sinh thái đa dịch vụ. Các mô thức kinh doanh trong kỷ nguyên kinh tế số có sự khác biệt rất lớn và thay đổi quá nhanh, mang lại rất nhiều thách thức cho các doanh nghiệp truyền thống muốn chuyển đổi công nghệ số.

Môi trường kinh doanh thay đổi, đòi hỏi phải được dẫn dắt bởi công nghệ trên nền tảng minh bạch. Đối thủ lớn nhất với các doanh nghiệp truyền thống không phải đến từ các doanh nghiệp truyền thống khác, mà đến từ một lớp doanh nghiệp mới, có gốc gác xuất thân công nghệ, nhảy vào kinh doanh cùng lĩnh vực, cạnh tranh với các doanh nghiệp truyền thống. Lợi thế lớn nhất của họ đến từ sự hiểu biết và năng lực triển khai ứng dụng công nghệ và cách tiếp cận tươi mới, khác biệt hoàn toàn so với các doanh nghiệp truyền thống. Họ tạo được đột phá khác biệt mà không bị cản trở bởi các tư duy cũ kỹ, lạc hậu, của các doanh nghiệp truyền thống.

Hơn 100 năm qua, Việt Nam luôn được nhìn như một thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất xám của các quốc gia phát triển hơn, kỷ nguyên kinh tế số không biên giới hiện nay chính là một khe cửa hẹp ít ỏi còn sót lại cho các doanh nhân công nghệ làm điều ngược lại: biến các quốc gia khác thành thị trường tiêu thụ sản phẩm trí tuệ Việt. Tới đây, cơ hội tồn tại lâu dài sẽ chỉ thuộc về những doanh nghiệp toàn cầu hoá thành công và có hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ liên kết vững mạnh, còn cơ hội cho các Fresh Startup sẽ ngày càng ít đi.

Vì vậy, để chủ động nắm bắt cơ hội của kỷ nguyên số, chúng ta phải đẩy mạnh việc triển khai những giải pháp thiết thực, đồng bộ, từ chính phủ số đến nền kinh tế số và hạ tầng số. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải liên kết lại, tận dụng tối đa những lợi thế, đồng thời chung tay giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với Việt Nam.

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư:

“Chúng ta phải chủ động, tích cực, quyết liệt đổi mới, sáng tạo, thực hiện hàng loạt chương trình cải cách trên 4 yếu tố nền tảng và 4 trụ cột chuyển đổi. Chúng ta không chỉ tiếp nhận, tận dụng cơ hội mà còn phải tạo ra cơ hội mới với tư duy và phương châm là hành động “bây giờ hoặc không bao giờ” vì cơ hội chỉ đến một lần và không bao giờ quay lại. 4 yếu tố nền tảng đó là: đột phá về thể chế, phát triển về năng lực nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và phát triển nguồn nâng lực. Trong đó, đổi mới và phát triển hệ thống thể chế phù hợp là quan trọng nhất và mang tính quyết định.

Hệ thống thể chế cho Cách mạng công nghiệp 4.0 là thể chế về kinh tế thị trường, hiện đại và hội nhập. Luôn hướng tới sự chấp thuận, thích nghi và khuyến khích thúc đẩy những cái mới, những thay đổi liên tục mạnh mẽ và nhanh chóng của khoa học và công nghệ. Là thể chế thu hút, nuôi dưỡng nhân tài, giải phóng năng lực cá nhân, phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mọi cá nhân, tổ chức để mang lại những giá trị mới cao hơn, bảo vệ được an toàn, an ninh trên không gian mạng cũng như quyền tự do và quyền riêng tư của mỗi con người”.

Ông Lê Quốc Hữu - Kiến trúc sư trưởng về Smart City, Tổng Công ty Viễn thông Viettel:

Dựa trên phân tích hiện trạng xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam hiện nay và nhu cầu xây dựng Chính phủ số, cần chỉ ra được những vấn đề tồn tại cần giải quyết để xây dựng Chính phủ số.

Giải pháp xây dựng chính phủ số trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 cần tập trung vào một số vấn đề sau:

 Thứ nhất, tập trung xây dựng các Kiến trúc Chính phủ số, Chính quyền số cấp quốc gia và cấp bộ ngành, địa phương;

Thứ hai, xây dựng Nền tảng Công nghệ số;

Thứ ba, triển khai các dịch vụ Mobile Connect, Mobile ID;

Thứ tư, tích hợp, đồng bộ các cơ sở dữ liệu về con người.

Ông Steven Furst - Giám đốc chiến lược và kiến trúc Công ty Hệ thống thông tin FPT:

“Việt Nam xếp thứ 6/10 quốc gia ASEAN có hệ thống chính phủ điện tử. Đây là mối tương quan rõ ràng. Ví dụ, quy trình cấp phép kinh doanh, nộp hồ sơ thuế và các văn bản khác nhanh chóng, thuận tiện hơn, minh bạch và dễ dàng hơn cho người dân và các doanh nghiệp, nhất là các công ty khởi nghiệp trong việc tiếp cận dữ liệu thị trường, cơ hội kinh doanh dịch vụ, ngành nghề mới bằng việc sử dụng dữ liệu mở của Chính phủ. Giao dịch xuyên biên xuyên biên giới được thông suốt, môi trường pháp lý, đăng ký tài sản ổn định, an toàn và minh bạch hơn.

Những người đang tiến hành xây dựng Chính phủ điện tử chính là những người đóng vai trò quan trọng nhất… Đối với lãnh đạo cần phải tham gia nhiều ủy ban hội thảo về kiến trúc sư hay chính phủ số, phải tham gia tích cực, có sự chỉ đạo cấp cao, có cam kết; xây dựng năng lực văn hóa, triển khai thành công việc phân bổ nguồn lực… với lãnh đạo cơ quan, ban, ngành. Cần tôn trọng ý kiến cử tri, khi người dân có ý tưởng đề xuất không nên bỏ qua mà cần tìm hiểu, mở rộng chia sẻ dữ liệu... Các DN cần phải số hóa, cần tiếp xúc chính phủ, sẵn sàng tham gia đầu tư, chia sẻ rủi ro. Người dân cũng như DN, phải tự trang bị kiến thức, tham gia số hóa nhiều hơn, hãy nêu ý kiến của mình để người khác lắng nghe”.

Ông Lữ Thành Long - Chủ tịch Công ty Cổ phần MISA:

“Hiện nay, kết nối chính phủ điện tử mới chỉ chú trọng ở góc độ trong hệ thống chính phủ. Việc kết nối giữa chính phủ với doanh nghiệp, doanh nhân chưa được chú ý. Trong khi đã có rất nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện việc này từ nhiều năm. Chúng tôi mong Chính phủ mở hệ thống, công bố những điều kiện chuẩn để doanh nghiệp phần mềm tuân thủ và tạo ra kết nối thuận lợi giữa DN với chính phủ. Làm được điều này sẽ đem lại 3 lợi ích: Doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức và rất thuận lợi về thủ tục; Chính phủ sẽ có được dữ liệu mà lại giảm được nguồn chi ngân sách rất lớn cho xây dựng những hệ thống vệ tinh; Doanh nghiệp phần mềm tạo ra được công nghệ hệ thống chặt chẽ hơn cho khách hàng.

Điều quan trọng nhất là Đối với chính phủ điện tử hay chính phủ số là phải có dữ liệu. Việc này đòi hỏi trách nhiệm đóng góp, chia sẻ dữ liệu từ phía tổ chức, doanh nghiệp, công dân. Ngược lại, chính phủ cũng cần chia sẻ dữ liệu với người dân, doanh nghiệp và các tổ chức. Điều này nhằm thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch. Chẳng hạn, trong vấn đề mua bán nhà đất, nếu chính phủ chia sẻ về dữ liệu thửa đất, ngôi nhà, căn hộ,… giúp người dân khi thực hiện những giao dịch này có thể biết rõ được lịch sử, nguồn gốc tài sản; Hoặc, đối với doanh nghiệp, họ đều có nhu cầu biết về tình hình của đối tượng mà mình định quan hệ, hợp tác (quá trình tuân thủ luật pháp họ thế nào, tình hình thuế và các vấn đề khác liên quan hoạt động…). Bên cạnh việc đảm bảo tính minh bạch, việc chia sẻ dữ liệu của chính phủ sẽ giúp cho chính các doanh nghiệp CNTT hình thành một hệ sinh thái mới mà DN tạo ra giá trị”.

Ông Nguyễn Hoà Bình - người sáng lập,Chủ tịch HĐQTNextTech-group:

“Sau 10 năm khởi nghiệp trong ngành Thương mại Điện tử, từ năm 2014, NextTech đã tái định nghĩa thành doanh nghiệp điện tử hóa, là cầu nối giúp các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi mô hình hoạt động lên nền tảng số để trở nên cạnh tranh hơn trong một nền kinh tế số đầy thách thức. NextTech không bán phần mềm hay giải pháp công nghệ, mà là cho không các Platform (nền tảng của mình) để đồng hành kinh doanh với các doanh nghiệp truyền thống và chia sẻ thành công đến từ các giá trị gia tăng mang lại cho người dùng cuối và đối tác.

Phạm vi điện tử hoá của NextTech rộng khắp, từ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm cho đến thương mại, hậu cần hay vận tải... ngành công nghiệp nào còn lạc hậu thì chúng tôi mong muốn có mặt ở đó để thúc đẩy chuyển đổi số, nhằm mang lại sự tiện lợi cho chuỗi giá trị đó. Sau 17 năm, NextTech-group đã phát triển thành một Hệ sinh thái gần 20 thương hiệu điện tử hoá, hiện diện ở 7 quốc gia phát triển hơn Việt Nam, trong đó có nhiều nền tảng đột phá đáng chú ý như mPoS.vn - máy chấp nhận thanh toán thẻ di động - là giải pháp công nghệ hiện đại, cho phép thực hiện thanh toán trên nền tảng điện thoại thông minh, máy tính bảng đối với các loại thẻ tín dụng quốc tế khác nhau (Visa, Master Card) và các loại thẻ ATM nội địa. MPoS.vn đã biến chiếc điện thoại di động thành máy quẹt thẻ ngân hàng giúp phổ biến thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, FastGo.mobi ứng dụng gọi xe của người Việt giúp các chủ xe và hãng taxi có thêm lựa chọn không bị áp bức bởi một doanh nghiệp đa quốc gia nào đó, hay VayMuon.vn nền tảng kết nối tài chính ngang hàng lần đầu tiên cho vay trong 30 phút mà không cần gặp mặt hay giấy tờ…

NextTech tin vào sức mạnh của công nghệ và đặt cho mình sứ mệnh là không ngừng phát triển những dự án công nghệ đem công nghệ để điện tử hóa thương mại, tiện lợi hóa cuộc sống của con người”.

GS, TS Hồ Tú Bảo - Giám đốc Viện John von Neumann, Giám đốc Phòng thí nghiệm về Khoa học Dữ liệu tại Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh:

“Cốt lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0 là sản xuất thông minh dựa trên các đột phá của công nghệ số. Có thể hiểu công nghệ số gồm hai nội dung chính: số hóa và dùng dữ liệu số hóa. Tiến bộ của khoa học đã cho phép con người dần số hóa được hầu hết thực thể trên đời (hệ gien người, cây lúa, chiếc ôtô, khách sạn, doanh nghiệp, cơ quan công quyền…), và trên Internet con người có thể kết nối các thực thể với nhau nhờ các phiên bản số của chúng (Internet vạn vật). Việc kết nối này thực chất là kết nối dữ liệu của các thực thể và do đó tạo ra một không gian dữ liệu số hóa của các thực thể rất lớn và rất phức tạp, hiện vượt quá khả năng xử lý của con người, gọi là hiện tượng dữ liệu lớn (big data). Nói sản xuất thông minh tức sản xuất được tiến hành và quyết định với sự hỗ trợ của máy tính qua việc tính toán và phân tích dữ liệu từ các thành phần sản xuất được kết nối (qua IoT).

Trong vài năm qua, các nước phát triển đều xây dựng chương trình chiến lược quốc gia cho sự phát triển của mình trong những thập kỷ tới, và nội dung công nghệ, phần cốt lõi của các chương trình, chính là câu chuyện của số hóa, kết nối và phân tích dữ liệu lớn. Xuyên suốt ba khía cạnh công nghệ này chính là khoa học dữ liệu.

Định nghĩa một cách giản dị, khoa học dữ liệu là dùng toán học và máy tính phân tích dữ liệu để đưa ra các quyết định hành động. Khoa học dữ liệu có đặc điểm là phát triển và thay đổi nhanh, phù hợp với tính chất năng động của tuổi trẻ. Người trẻ của ta có khả năng toán học tốt. Khoa học dữ liệu động chạm tới mọi ngành, đặt ra những vấn đề mới ở mỗi ngành rồi dùng dữ liệu phân tích tạo ra giá trị mới, tôi nghĩ đó là một con đường. Khoa học dữ liệu vừa là cơ hội quan trọng vừa là trách nhiệm của chúng ta, của tuổi trẻ.

“Việt Nam có truyền thống về học toán học. Ta có lực lượng làm về công nghệ thông tin khá đông đảo và có kỹ năng tốt. Quan trọng hơn cả, ta có những thế hệ người trẻ tuổi, thông minh, khát vọng vươn lên cho đời mình và cho đất nước” - GS, TS Hồ Tú Bảo.

Ông Nguyễn Hùng Cường - Tổng Giám Đốc của NashTech Vietnam:

Xã hội phát triển trong xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhu cầu một thành phố thông minh với việc quản lý hiệu quả sự đi lại của người dân, phát hiện điểm tắc nghẽn, điều phối và hướng dẫn phân luồng giao thông tối ưu cho các khu vực đi bộ, đạp xe và cơ giới đang ngày càng trở nên cấp thiết. Xây dựng giải pháp Hệ thống giao thông thông minh, phát hiện và kiểm soát tội phạm là hệ thống giao thông kết nối bao gồm các cảm biến thông minh, các phân tích dữ liệu tiên tiến và cơ chế theo dõi từ xa giúp tăng hiệu quả của giao thông công cộng.

Thảo Nguyên