Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và và vừa Việt Nam trước vận hội mới đất nước

00:00 12/10/2020

(DNHN): Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được coi là một trong 4 động lực tăng trưởng và đổi mới nền kinh tế. Cơ hội đặt ra với họ ngày càng gay gắt hơn, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, vừa phải vượt qua các thách thức nội tại vừa chống đỡ những khó khăn, sức ép từ ngoài thị trường. DNNVV Việt Nam đang rất khát khao hòa cùng biển lớn và vươn lên, nhưng nội lực có hạn, cộng với những thách thức lớn từ thể chế, hạ tầng  - chất lượng nguồn nhân lực, sức ép cạnh tranh khiến họ ngày càng đuối sức.

Cộng đồng DNNVV Việt Nam hiện nay

cong-dong-doanh-nghiep-nho-va-va-vua-viet-nam-truoc-van-hoi-moi-dat-nuoc-1

Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia kể cả các quốc gia phát triển, vai trò của DNNVV được đánh giá rất cao. Số lượng các DNNVV chiếm đa số tuyệt đối trong tổng cơ cấu các doanh nghiệp, thông thường tỉ lệ này từ 90-98%. Ví dụ tại các nước khối EU khoảng 90%, tại Mỹ khoảng 98%, tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là 96%, tại Nhật Bản là 98%. DNNVV Việt Nam  hiện nay chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, trong đó số doanh nghiệp vừa chỉ chiếm 2,2%, doanh nghiệp nhỏ chiếm 29,6% và còn lại 68,2% là siêu nhỏ. Trên thực tế, DNNVV đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. DNNVV là nơi tạo ra việc làm chủ yếu và tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt góp phần rất lớn vào an sinh và trật tự xã hội. Đồng thời khai thác nhiều tiềm năng thế mạnh ở các vùng nông thôn… Hàng năm các DNNVV đã tạo trên một triệu lao động mới, sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP cho đất nước. DNNVV Việt Nam tuy thiếu nhân lực có tay nghề cao, thiếu vốn, chưa áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nhưng họ khơi dậy được chính sức tự lực tự cường, tiềm năng đất đai, con người, chịu trách nhiệm đối với xã hội lớn, đặc biệt trước pháp luật cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và các cấp chính quyền.

cong-dong-doanh-nghiep-nho-va-va-vua-viet-nam-truoc-van-hoi-moi-dat-nuoc-2 Gần đây tại các hội nghị tiếp xúc giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao vai trò của cộng đồng DNNVV: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập của xã hội, khơi nguồn đổi mới, sáng tạo trong kinh doanh nên cần có chính sách riêng để nhóm doanh nghiệp này phát triển hội nhập”. Mới đây nhất, trong dịp kỉ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, Thủ tướng cũng đã phát động phong trào “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với cộng đồng doanh nghiệp sẽ là một động lực thiết thực tiếp lửa cho cải cách của Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Thủ tướng đã và đang chỉ đạo quyết liệt, các ban ngành cùng đồng hành, nhưng đồng thời doanh nghiệp phải tiến lên, cần sản xuất kinh doanh có bài bản, minh bạch, đóng góp có trách nhiệm cho cộng đồng DN. Tinh thần của Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp rất rõ ràng và nhiều điểm mới, đó là  phải chuyển quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặt trên cơ sở niềm tin của người dân vào doanh nghiệp, xưa nay chúng ta làm theo kiểu quản lí nhiều hơn là phục vụ, dịch vụ nên quản lí không gắn phát triển. Không thể vì một người mắc bệnh mà bắt cả làng uống thuốc. Đó là quan điểm rất mới về xây dựng nền quản lí từ kiểm soát sang phục vụ, không được thanh tra, kiểm tra chồng chéo hoặc hình sự hóa hoạt động của doanh nghiệp. Một định hướng và giải pháp rất đáng làm: Tăng liên kết, nhạy cảm với thời cuộc Hiện nay, DNNVV Việt Nam đã có những dấu hiệu bật dậy sau thời kì khủng hoảng và có sự chỉ đạo trúng và phù hợp minh chứng bằng tốc độ phát triển, doanh thu, lợi nhuận bắt đầu tăng trở lại.  Tuy nhiên, với những khó khăn nan giải từ lâu và đang diễn biến dẫn tới “lực bất tòng tâm” nhất là không phối hợp trong việc cạnh tranh với các DN nước ngoài quá khó vượt qua. Doanh nghiệp siêu nhỏ lại càng yếu thế khó cạnh tranh và tồn tại. Chính vì vậy cần phải tăng cường liên kết giữa các DNNVV, đoàn kết, giúp đỡ nhau về mọi mặt từ hợp tác, hỗ trợ vốn, tư vấn pháp lí, hỗ trợ nguồn nhân lực, công nghệ, thiết bị,… đến việc mở rộng thị trường tạo thành một cộng đồng DNNVV hùng mạnh với những định hướng hoạt động rõ ràng, phối hợp thực hiện thường xuyên. Thứ nhất, về phía Nhà nước:

  • Cần phải cải cách hệ thống luật lệ hướng dẫn triển khai thực hiện đồng bộ để gỡ khó và tạo thời cơ thuận lợi cho DN phát triển. Cụ thể, cơ chế chính sách bảo đảm cho hoạt động sản xuất kinh doanh phải chi tiết sát hợp hơn để đảm bảo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp với các thành phần kinh tế khác, kể cả đất đai, tiền vốn (trong đó có vốn ODA), đào tạo nhân lực.
  • Hoàn thiện và sớm ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 đi vào cuộc sống chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ.
  • Tất cả các cơ quan hành chính cần tạo điều kiện thuận lợi cho DN liên kết trên trang web, điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo để người dân, DN phản ánh những vấn đề cần thiết của doanh nghiệp. Nếu phát hiện có vi phạm cần xử lý ngay và nghiêm minh, đúng địa chỉ, đúng pháp luật để làm gương, giữ niềm tin của người dân vào pháp luật.

doanh-nghiep-doi-moi-2

doanh-nghiep-doi-moi-1

  • Ngân hàng Nhà nước cần điều chỉnh cơ cấu tín dụng, giảm theo nguyên tắc thị trường, biện pháp hành chính, mà sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ. Tập trung ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao..., giảm bớt tín dụng cho khu vực DN nhà nước. Muốn làm được điều này, ngân hàng phải thay đổi căn bản cách thức cho vay, đảm bảo hiệu quả và thu hồi vốn.
  • Cần có chính sách thúc đẩy tăng cường kết nối DN, thực hiện chính sách hỗ trợ theo chuỗi liên kết vùng, ngành, cụm công nghiệp, hỗ trợ DN nhỏ thuê đất trong các khu công nghiệp còn chưa lấp đầy. Chú trọng thúc đẩy kết nối khu vực DNNVV Việt Nam với DN nhỏ và vừa của nước ngoài, để DN Việt Nam tham gia được vào các chuỗi giá trị toàn cầu…
  • Cần hỗ trợ cho các DNNVV khởi nghiệp thay đổi tư duy theo hướng tập trung chú trọng vào sự đổi mới, khác biệt và sáng tạo không chỉ trong sản phẩm, dịch vụ cụ thể mà còn trong tư duy, ý tưởng kinh doanh, hình thức và phương thức kinh doanh, phục vụ phù hợp với thời kỳ hội nhập chứ không theo tư duy lợi ích cục bộ, xin cho, lợi dụng cơ chế của nhà nước như từ trước đến nay.
Thứ hai, về phía doanh nghiệp: Trong bối cảnh hội nhập hiện nay các DNNVV VN ngoài việc tăng cường liên kết, giúp đỡ nhau phải đặc biệt nhạy cảm với thị trường để chủ động ứng phó trước mọi hoàn cảnh bất ngờ. Nhiệm vụ to lớn của các DNNVV VN hiện nay là hoàn thành chỉ tiêu sản xuất, chăm lo đời sống cho người lao động, tiếp tục áp dụng tiến bộ kĩ thuật công nghệ cao nâng nhanh chất lượng nguồn nhân lực, mở rộng thị trường, tiếp cận thị trường xuất khẩu.
  • Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các DN. Hợp tác sản xuất các sản phẩm có liên hệ hỗ trợ hay thay thế, cung cấp nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, khai thác sử dụng thương hiệu (nhượng quyền thương mại), góp vốn kinh doanh... Chủ động hợp tác với DN lớn trong nước và nước ngoài để tranh thủ vốn, công nghệ, thị trường; liên kết để tham gia vào chuỗi cung ứng hay mạng sản xuất, tức xác lập vị trí trong chuỗi tạo ra giá trị, kể cả chuỗi giá trị toàn cầu.
  • Cần tự hoàn thiện, nâng cao năng lực quản trị DN theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện hệ thống kế toán theo hướng minh bạch, rõ ràng, tiến tới việc thực hiện chế độ kiểm toán độc lập báo cáo tài chính hàng năm; đầu tư đổi mới công nghệ; nâng cao trình độ quản lý, đào tạo nâng cao tay nghề của công nhân để tăng năng suất lao động, khả năng cạnh tranh của sản phẩm và hiệu quả của DN.
  • Hội nhập sâu rộng đòi hỏi các DNNVV chúng ta phải nắm vững các qui trình quản lý. Phát triển mối quan hệ cá nhân với các nhà tư vấn, các học giả, chuyên gia kinh tế, các chuyên gia của đoàn đàm phán dần thay cho việc quan hệ với các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng, chính quyền, ngân hàng… dựa theo những qui định khá mơ hồ, có thể hiểu theo nhiều cách nên không thỏa mãn được yêu cầu thật sự của doanh nghiệp mà đôi khi tạo điều kiện cho tham nhũng, lợi ích nhóm và thường thiên về hình thức.
Sự đóng góp của DNNVV là rất lớn, song DNNVV cần nhận rõ trách nhiệm xã hội với đất nước hiện nay và cả mai sau, không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn và tiếp nhận sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các cấp các ngành, từng địa phương và cả cộng đồng xã hội để duy trì sản xuất kinh doanh ngày càng hiệu quả, đưa doanh nghiệp mình phát triển bền vững, đồng thời ngày càng đóng góp xứng đáng cho nền kinh tế xã hội của nước nhà. TS.Cao Sĩ Kiêm