Công bố Quy hoạch phát triển ngành Than đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 điều chỉnh

00:00 12/10/2020

 Sáng 31/8, Bộ Công Thương tổ chức họp báo công bố những thông tin chính của Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030. Đồng chí Nguyễn Khắc Thọ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng chủ trì họp báo.

Dự án điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ - TTg ngày 14/3/2016. Theo đó có những nội dung chính như sau:

Quan điểm phát triển: phát triển ngành Than trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước; đóng góp tích cực vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước; đảm bảo việc xuất, nhập khẩu hợp lý theo hướng giảm dần xuất khẩu và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng thông qua biện pháp quản lý bằng kế hoạch, các biện pháp điều tiết khác phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và các cam kết quốc tế của Việt Nam. Đẩy mạnh các hoạt động điều tra cơ bản, thăm dò, đánh giá tài nguyên và trữ lượng than trong nước để chuẩn bị cơ sở tài nguyên tin cậy cho sự phát triển bền vững của ngành Than. Đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng đủ than cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Mục tiêu phát triển tổng quát: xây dựng ngành Than Việt Nam trở thành ngành công nghiệp phát triển; có sức cạnh tranh cao; có trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực ở tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sàng tuyển, chế biến, sử dụng than; đáp ứng đủ than cho nhu cầu sử dụng trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện.

Tổng tài nguyên và trữ lượng than: tổng trữ lượng và tài nguyên than dự tính đến ngày 31/12/2015 khoảng 48,88 tỷ tấn; trữ lượng và tài nguyên than huy động vào quy hoạch khoảng 3,05 tỷ tấn.

Về Quy hoạch:

Định hướng trong quy hoạch thăm dò: tập trung thăm dò nâng cấp tài nguyên than hiện có để chuẩn bị đủ tài nguyên tin cậy phục vụ thiết kế khai thác theo Quy hoạch và đảm bảo công tác thăm dò phải luôn đi trước một bước.

Định hướng trong quy hoạch khai thác: quy hoạch các mỏ có quy mô nhỏ thành mỏ có quy mô lớn; phát triển sản lượng khai thác theo hướng bền vững, hiệu quả; quy hoạch đổ thải theo hướng sử dụng tối đa bãi thải trong; đầu tư một số dự án thử nghiệm tại bể than Sông Hồng để lựa chọn công nghệ khai thác hợp lý.

Định hướng trong quy hoạch sàng tuyển, chế biến than: phát triển các hệ thống sàng tuyển đồng bộ, tập trung; từng bước giảm dần các cụm sàng tuyển nhỏ lẻ. Chế biến than theo hướng tối đa chủng loại than cho sản xuất điện; đa dạng hoá sản phẩm đáp ứng theo nhu cầu sử dụng trong nước.

Định hướng xuất, nhập khẩu than: đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu thụ than trong nước về chủng loại và khối lượng; giảm dần xuất khẩu; tích cực, chủ động tìm nguồn than nhập khẩu để đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện.

Định hướng quy hoạch cung cấp điện: nâng cao chất lượng của hệ thống cung cấp điện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của ngành Than; áp dụng đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện.

Định hướng quy hoạch vận tải ngoài: tăng cường các hình thức vận tải bằng đường sắt, băng tải hoặc liên hợp ô tô - băng tải; giảm tối đa hình thức vận tải bằng ô tô để giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Định hướng quy hoạch cảng xuất than: cải tạo, xây dựng mới các cụm cảng tập trung có quy mô, công suất lớn với thiết bị rót hiện đại; từng bước xoá dần các bến nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu.

Định hướng quy hoạch cảng nhập than: xây dựng mới, đầu tư nâng cấp, mở rộng các cảng hiện có đáp ứng nhu cầu nhập khẩu than theo từng giai đoạn, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển các cảng biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Than, Thủ tướng Chính phủ đã phân công chi tiết nhiệm vụ của các Bộ, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn Nhà nước có liên quan và Tổng Công ty Đông Bắc trong việc tổ chức và thực hiện quy hoạch phát triển ngành Than. Quyết định số 403/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành các phụ lục chi tiết quy định danh mục các dự án thăm dò, khai thác và các dự án hạ tầng phục vụ phát triển ngành Than sẽ đầu tư xây dựng và đi vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2030.

Tại buổi họp báo, xung quanh Quy hoạch điều chỉnh có nhiều vấn đề được báo chí quan tâm như: cân đối sao cho hài hoà, hiệu quả việc than nhập khẩu và nguồn than trong nước; xem xét xây dựng cơ chế đặc thù về điều kiện thăm dò, khai thác… để ngành Than có thể thực hiện được đảm bảo Quy hoạch điều chỉnh; định hướng cụ thể về công nghệ khai thác để giảm tỷ lệ tổn thất than như mong muốn… Về cơ bản, các ý kiến được nêu ra tại buổi họp báo đã được đồng chí Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng giải đáp cụ thể./.