Còn nhiều kẽ hở

00:00 12/10/2020

Từ ngày 1/6, giá dịch vụ y tế với những người không có bảo hiểm tăng theo giá thị trường, đã có 80% dân số được bảo hiểm y tế, tức là 80% dân số được bao cấp về y tế cho dù giá dịch vụ, giá thuốc tăng lên, 20% còn lại đang được tích cực giải quyết bằng các biện phấp khẩn trương, thận trọng và thiết thực.
Tuy nhiên, bên cạnh những cố gắng đó, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt vụ tiêu cực như kê khai sai, chồng chéo, lợi dụng để kiếm lợi từ những khe hở trong chính sách, hay tình trạng buông lỏng quản lý, vô trách nhiệm trong thực hiện bảo hiểm y tế.
Trong cuộc họp báo ngày 23/5, BHXH Việt Nam thông báo, trong 4 tháng đầu năm 2017, có trên 46,8 triệu hồ sơ đề nghị thanh toán BHYT với trên 17.000 tỷ đồng. Hệ thống tự động  đã phát hiện và từ chối trên 10% hồ sơ đề nghị thanh toán với số tiền gần 3.000 tỷ đồng do sai thông tin về thẻ BHYT, sai mức hưởng, đề nghị thanh toán trùng lặp hoặc chỉ định thuốc, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật ngoài phạm vi hưởng BHYT. Một số sai phạm lên đến con số hàng tỷ đồng xảy ra ở nhiều tỉnh, TP. Thậm chí, chỉ ở một bệnh viện, việc thanh toán thừa dịch vụ lên tới 1,19 tỷ đồng.
Sai phạm chủ yếu của người được bảo hiểm là tăng số lần khám bệnh, lấy thuốc, trùng lặp việc khám bệnh, lấy thuốc ở nhiều nơi, kéo dài thời gian điều trị nội trú. BHXH Việt Nam đã phát hiện gần 2.800 người đi khám 50 lần chỉ trong 4 tháng. Trong đó, người khám nhiều nhất là 123 lần kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết. Có 195 trường hợp thường xuyên đến khám tại 4 cơ sở khám chữa bệnh trở lên với tổng số tiền bảo hiểm phải trả lên tới trên 7,7 tỷ đồng. Qua giám sát tại các cơ sở khám, chữa bệnh bước đầu đã phát hiện những trường hợp bất thường như kéo dài ngày nằm viện, đề nghị thanh toán không đúng quy định, chỉ định xét nghiệm (chẩn đoán hình ảnh) quá mức cần thiết, không đúng quy trình kỹ thuật, áp sai giá dịch vụ, tách dịch vụ để thanh toán.
Số tiền BHYT đội lên lớn trong khi ngân sách hạn hẹp, nguy cơ vỡ quỹ BHXH trong đó có BHYT cận kề. Sai phạm đã rõ nên không thể chỉ kết luận do các văn bản, chính sách còn sơ hở; phối hợp còn rời rạc và thái độ vô trách nhiệm, vì lợi ích của tập thể nhỏ hoặc cá nhân lấn át lợi ích chung. Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng, càng kéo người vào khám bệnh càng có lợi. Phải chăng có sự chia chác trong vấn đề này...?
Qua việc hàng nghìn thiết bị xã hội hóa lãng phí, bỏ không; hàng trăm ngàn viên thuốc chữa ung thư quá đát chỉ vì thủ tục hành chính, hàng nghìn thẻ y tế thừa, thiếu, cấp sai ở các địa phương, tình trạng chết 7 người chạy thận ở Hòa Bình trong lúc ngành y tế đang kêu gọi chuyển nhiều kỹ thuật khó về địa phương để giảm tải tuyến T.Ư… mới thấy để ngành y tế thoát khỏi khủng hoảng, không chỉ cần có tiền, mà phải lấp đầy những kẽ hở của chính sách, của đạo đức cán bộ, công nhân viên.
Theo kinhtedothi.vn