Con dấu Doanh nghiệp hay chữ ký số cho thời công nghệ 4.0?

00:00 12/10/2020

Từ những năm 2000, các nước tiên tiến trên thế giới như Estopina, Malaysia, Hàn Quốc…đã sử dụng chữ ký số trong giao thương. Ngược lại tại Việt Nam, các chuyên gia nhìn nhận khá lạc hậu trong vấn đề này. Thời đại công nghệ 4.0, con dấu Doanh nghiệp vẫn đóng vai trò chính yếu trong quản lý hoạt động công ty.

Thực trạng quản lý con dấu doanh nghiệp và chữ ký số

Năm 2018 chủ tịch HĐQT công ty Cung ứng Biển Hải Phòng đã gửi đơn kêu cứu đến thủ tướng, các bộ nghành, cơ quan thành phố Hải Phòng, cho biết doanh nghiệp này hiện đang bị Ngô Văn Thắng – giám đốc nghỉ hưu năm 2016 chiếm giữ con dấu khiến cho HĐQT, TGĐ không thể điều hành công ty. Đặc biệt là việc chiếm giữ con dấu đã khiến các giấy tờ tài liệu do TGĐ, chủ tịch HĐQT phát hành không được cơ quan chức năng của thành phố Hải Phòng thừa nhận, dẫn đến công ty đã thiệt hại nghiêm trọng.

Hay câu chuyện tại Công ty CP Công nghệ phẩm Hải Phòng về việc giám đốc bị bãi nhiễm năm 2011, bà Nguyễn Thị Tuyết Len chiếm giữ con dấu, giấy tờ của công ty gây ra cuộc tranh chấp kiện tụng gần thập kỷ. Các lá đơn đề nghị, khiếu nại, kêu cứu liên tiếp được gửi đi của cả hai bên, khiến  chính quyền Hải Phòng “đau đầu”.

Hai câu chuyện trên là một trong rất nhiều vụ tranh chấp căng thẳng trong nội bộ công ty liên quan đến việc quản lý con dấu doanh nghiệp đang tồn tại ở Việt Nam.

Trước những bất cập do việc một doanh nghiệp chỉ nắm giữ một con dấu gây ra, luật Doanh Nghiệp năm 2014 đã nới lỏng các quy định về con dấu Doanh nghiệp.

Cụ thể: theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, nội dung, số lượng con dấu. Trong đó, về cơ chế quản lý nhà nước đối với con dấu doanh nghiệp: doanh nghiệp được hoàn toàn chủ động trong việc làm con dấu. Doanh nghiệp có thể tự khắc dấu hoặc đến cơ sở khắc dấu để làm con dấu.

Vậy, sau 5 năm thực hiện, các chủ doanh nghiệp hay doanh nghiệp đã có những biến chuyển ra sao trong quyết định sử dụng con dấu?

Tiến sỹ Nguyễn Đức Tùng – hội đồng tư vấn cải cách TTHC của thủ tướng chính phủ cho hay: “ Luật DN 2014 là một bước cải tiến thuận lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên trong quá trình quan sát của hội đồng, các doanh nghiệp Việt vẫn chưa hoàn toàn ứng dụng khai thác các nới lỏng luật mà nhà nước tạo điều kiện. Họ vẫn coi con dấu là một tài sản. Thậm chí con dấu là một trong những nguyên nhân gây ra rất nhiều những tranh chấp cho công ty”.

Luật sư  Nguyễn Hưng Quang – chủ tịch trung tâm hòa giải Thương mại quốc tế Việt Nam cho hay: việc nới lỏng luật doanh nghiệp 2014 thể hiện con dấu đã không còn là công cụ mang tính quyền lực, mà nó là một hình thức để định dạng lại các doanh nghiệp. Con dấu không còn là trói buộc nhưng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ví dụ: một doanh nghiệp có thể sử dụng con dấu để viết giấy giới thiệu cho nhân viên đến công ty đối tác, thay vì phải nhờ đến bên dịch vụ thứ 3.

Đó là về con dấu. Song bước vào kỷ nguyên công nghệ số 4.0, trên thế giới người ta thường nói đến chữ ký số hơn bất cứ từ “con dấu” nào. Vậy, hiện trạng Việt Nam đã hòa nhập với chữ ký số ra sao?

Chữ ký số hiện chỉ được sử dụng trong các cơ quan thuế. Ứng dụng rất hạn chế so với sự đáp ứng cần có cho một thị trường số ngày nay.

Một câu hỏi đặt ra: Liệu doanh nghiệp hay chủ doanh nghiệp có sẵn sàng thay đổi con dấu sang chữ ký số để thích nghi thời đại công nghệ số hay không?

Thực tế câu trả lời là một bộ phận doanh nghiệp hưởng ứng sự thay đổi trên, một bộ phận lại có tư tưởng cố hữu không muốn tách rời con dấu và cho rằng hiện nay chưa phải là thời điểm để thay đổi việc bỏ con dấu.

Kết quả khảo sát của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư về luật DN 2014 đã chứng minh cho điều trên. Tỷ lệ các doanh nghiệp ủng hộ việc từ bỏ con dấu doanh nghiệp đã vượt qua tỷ lệ phản đối lần lượt là 51% - 48% chỉ có 1% là có ý kiến khác.  

Hiện nay, con dấu DN vẫn đóng một vai trò khá thiết yếu trong các hoạt động công ty. Một con dấu gần như trở thành một quyền lực ngầm cho ai là người sở hữu chúng.

Đi tìm nguyên nhân

Tại sao luật Doanh Nghiệp 2014 chưa được thực hành sâu rộng trong đời sống doanh nghiệp? Tại sao chữ ký số lại được ứng dụng e dè?

Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất, luật sư Nguyễn Hưng Quang cho biết: Nguyên nhân xuất phát từ  nền văn hóa pháp lý của người Việt cũng như một số nước Châu Á. Họ giữ con dấu như một biểu hiện của địa vị, của quyền lực. Hoặc chính thói quen cộng với cảm giác con dấu mang lại sự chắc chắn, bảo đảm khi giao dịch với đối tác, với chính quyền hơn là hình thức chữ ký số.

Bên cạnh đó, nguyên nhân còn ở các đơn vị hành chính công nhà nước. Đôi khi chỉ các cơ quan công quyền Chính Phủ, Bộ Nghành biết được các thay đổi của chính sách mới. Song đến các cơ quan hành chính công thấp hơn như ở đơn vị xã phường lại chưa hiểu, chưa biết đến sự thay đổi trên, nên việc chấp nhận những thủ tục văn bản hành chính số là khó.

Cũng không loại trừ nguyên nhân ở chính các doanh nghiệp không cập nhật đến sự thay đổi pháp lý về con dấu của luật Doanh Nghiệp 2014. Dẫn đến câu chuyện doanh nghiệp vẫn giữ duy nhất một con dấu cộng thêm điều lệ của công ty không thay đổi. Do đó họ bị trói buộc bởi chính những điều lệ, quy định DN cũ của mình.

Tiếp theo đáp án cho câu hỏi thứ hai, cũng do luật sư Nguyễn Hưng Quang đưa ra là do sự e ngại của chủ doanh nghiệp. Họ nghĩ rằng, bất cứ ai cũng có thể sử dụng chữ ký số để đóng vai là chủ doanh nghiệp.

Thêm nguyên nhân thực tế, chi phí sử dụng loại hình này cao. Các ông chủ DN cho rằng còn nhiều chi phí khác đáng để đầu tư hơn là chữ ký số ở thời kỳ Việt Nam mới đang chuyển mình vào cuộc cách mạng 4.0 này.

Chung quy lại, nguyên nhân xuất phát chính ở các doanh nghiệp.  Sự thay đổi một thói quen suy nghĩ, một truyền thống là việc không thể sớm chiều.

Vậy, làm thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ký kết giao dịch, ký kết hợp đồng, thực hiện các thủ tục pháp lý với cơ quan nhà nước bằng con dấu hoặc chữ ký điện tử trong lần thực hiện sửa đổi bổ sung luật doanh nghiệp lần này?

Giải pháp nào cho cả hai?

Chữ ký số là tiến trình bắt buộc phải ứng dụng cho doanh nghiệp nếu muốn hòa mình vào thời đại công nghệ số. Theo một số chuyên gia hoạch định, cần thiết lập một lộ trình cho các doanh nghiệp được trải nghiệm về chữ ký số trước. Điều này tạo sự hòa nhập dần dần cho doanh nghiệp và để chính các doanh nghiệp tự hiểu được các lợi ích về chữ ký số. Lúc này, họ sẽ tự động chuyển đổi không sử dụng con dấu DN.

Nhưng trong tiến trình áp dụng cái mới và bỏ cái cũ, con dấu vật lý doanh nghiệp vẫn còn giá trị sử dụng trong thời gian tới . Đánh giá về giải pháp này ông Nguyễn Đức Tùng – hội đồng tư vấn cải cách TTHC quốc gia cũng đưa ra một số khuyến nghị như:

Cần phải có quy định nội bộ về sử dụng con dấu. Thực tế là các DN đã không tự xây dựng cho mình các quy định này nên khi tranh chấp xảy ra khó giải quyết nội bộ.

Và điều lệ công ty cần phải sửa đổi để phù hợp với mô hình luật DN mới, mô hình quản trị mới. Cần xác định mục đích rõ ràng sử dụng con dấu làm gì? Để thuận tiện cho giao dịch hay thể hiện quyền lực?

Ngược lại, một số DN quyết định chuyển sang sử dụng con dấu số, chữ ký số cũng cần một số lưu ý sau:

Phân biệt rõ ràng về mục đích sử dụng của chữ ký số trong loại hình kinh doanh của DN đó. Nâng cao năng lực quản trị của chính DN trong việc bảo mật thông tin liên quan đến chữ ký điện tử - chữ ký số.

Phương Giang