Coi chừng, các điểm trông giữ, rửa xe…

00:00 12/10/2020

Lâu nay, việc giao xe cho nhân viên (NV) các điểm trông giữ, rửa xe… để di chuyển trong những trường hợp cần thiết là chuyện rất đỗi bình thường, đặc biệt ở những thành phố lớn.

Một điểm trông giữ xe.
Chỉ đến khi liên tiếp những vụ NV điểm trông giữ, rửa xe… gây tai nạn (TN) thảm khốc do tự ý điều khiển phương tiện khi chưa có Giấy phép lái xe (GPLX) xảy ra, nhiều người mới bàng hoàng nhận thấy, việc dễ dãi giao chìa khóa xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện đã gián tiếp gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Khi TN xảy ra, lỗi đầu tiên thuộc về người trực tiếp điều khiển phương tiện, song trách nhiệm của chủ xe và chủ ga ra cũng không hề nhỏ… Sự dễ dãi… chết người! Liên tiếp trong các ngày 29-2 và 3-3-2016, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra hai vụ TN giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại phố Ái Mộ (Long Biên) và đường Hồng Hà (Hoàn Kiếm), khiến 5 nạn nhân thiệt mạng. Đáng lưu ý, cả hai vụ TN đều có cùng nguyên nhân: NV các điểm trông giữ, rửa xe tự ý điều khiển phương tiện trong điều kiện không có GPLX. Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ TN do NV các điểm trông giữ xe, rửa xe gây ra. Anh Đức Duy (phố Trần Thái Tông - Cầu Giấy), chủ nhân chiếc xe Santa Fe kể lại, cơ quan anh nằm trên phố Láng Hạ, do hầm để xe quá chật chội nên anh thường xuyên phải gửi xe ở điểm trông giữ ô tô trên phố Huỳnh Thúc Kháng. Theo yêu cầu của các NV điểm trông giữ xe, mỗi lần gửi xe, anh Duy phải giao lại chìa khóa để họ chủ động di chuyển xe cộ mỗi khi có phương tiện ra vào điểm trông giữ. "Sáng hôm đó tôi để xe ở vỉa hè, phía sát lề đường như mọi ngày. Hết giờ làm việc, ra lấy xe, thấy xe đã được NV trông giữ đưa vào vị trí khác. Do trời tối, lại vội về đưa con đi học thêm nên tôi không kiểm tra mà lái xe đi ngay. Chỉ sáng hôm sau mới phát hiện dọc cánh cửa bên phụ lái bị xước xát nặng, phía mũi xe bị lõm một vết rất sâu do va chạm mạnh. Do sự việc không được phát hiện kịp thời, ngày hôm sau khi tôi phản ánh lại thì tất cả NV tại điểm trông giữ đều chối bay chối biến. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không rõ liệu các NV ở đó đã có GPLX hay chưa? Mỗi khi hỏi, họ chỉ cười trừ…" . Sau lần đó, anh Duy phải đưa xe vào gara sơn sửa lại chi phí lên tới 4 triệu đồng. May mắn hơn anh Duy, chị Ngà (ở Nghĩa Đô) lại có nỗi lo khác. Là khách hàng thường xuyên của điểm rửa xe trên phố Nghĩa Tân, do lượng khách ở đây rất đông, khu vực cầu rửa xe chật chội, mỗi khi rửa xong phần ngoại thất, các NV phải đánh xe ra phía sau để tiến hành việc xịt khô, lau dọn nội thất… Để tránh phải chờ đợi, chị Ngà và khách đến rửa xe đều được yêu cầu giao lại chìa khóa cho NV. "Sau vụ TN ở Ái Mộ vừa qua, rút kinh nghiệm, tôi nhất quyết không giao chìa khóa xe cho NV mà túc trực ở đó chờ và tự di chuyển xe khi cần thiết. Nói dại, lỡ giao xe cho NV rồi họ gây TN hoặc khi quay lại không thấy cả người lẫn xe thì biết phải đòi ai? Tuy yêu cầu khách hàng phải giao xe nhưng thử hỏi có gara nào có hợp đồng bàn giao tài sản với khách hàng, dù ô tô là một tài sản lớn?" - chị Ngà thắc mắc. Không chỉ các gara sửa chữa, tại các điểm trông giữ, rửa xe… đều thường xuyên yêu cầu khách để lại chìa khóa để tiện cho việc di chuyển phương tiện khi cần thiết. Phần lớn khách hàng khi sử dụng dịch vụ đều coi việc giao chìa khóa phương tiện là hết sức bình thường mà không hề biết người mình giao chìa khóa đã có bằng lái hay chưa? Có được các chủ gara ký hợp đồng lao động cụ thể hay không? Và vô tình, chủ xe đã vi phạm pháp luật. Chủ xe và chủ ga ra đều phải chịu trách nhiệm Trên thực tế, lâu nay việc tuyển dụng, quản lý NV tại các điểm trông giữ, rửa xe… của các chủ gara diễn ra rất lỏng lẻo. Hai vụ TN xảy ra trên phố Ái Mộ và đường Hồng Hà, cả hai NV tự ý lái xe gây TN đều không có GPLX. Nhiều chủ gara thu tiền trông giữ của khách hàng 1-2 triệu đồng/xe/tháng nhưng không hề có hợp đồng trông giữ, không ký hợp đồng lao động với NV; thậm chí không biết rõ lai lịch, nhân thân của người lao động. Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều chủ xe lâm vào cảnh "khóc dở, mếu dở" khi chỉ sau một đêm gửi, sáng hôm sau nhận lại xe trong tình trạng xe nồng nặc mùi bia rượu, thuốc lá và ngổn ngang đồ ăn vương vãi khắp sàn. Cá biệt, có NV còn tự ý "mượn" xe của khách để… tranh thủ học lái xe, đưa đón bạn gái… Theo Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Trưởng Văn phòng luật sư Hồng Thái và Đồng nghiệp (HILAP), Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra nêu rõ, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ thì những người này có trách nhiệm bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong trường hợp cơ quan điều tra chứng minh chủ phương tiện biết rõ NV điểm trông giữ, rửa xe… không có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật (không có GPLX…) nhưng vẫn giao xe cho người đó sử dụng thì chủ phương tiện có dấu hiệu phạm tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 205 BLHS. Ngoài ra, chủ phương tiện phải có trách nhiệm bồi thường trách nhiệm dân sự theo quy định tại Điều 632 Bộ luật Dân sự. Trường hợp chủ phương tiện giao xe cho chủ gara thì hai bên coi như đã giao kết hợp đồng gửi giữ tài sản, chủ gara phải có trách nhiệm quản lý tài sản cho chủ xe. Nếu chủ gara do quản lý và giám sát người lao động không chặt chẽ, để NV không có GPLX tự ý điều khiển phương tiện ra ngoài hoặc giao xe cho người mà biết rõ người đó không có GPLX và gây TN thì chủ gara phải chịu trách nhiệm liên đới. Từ những vụ việc đáng tiếc nêu trên, các chủ phương tiện cần hạn chế tối đa việc giao xe cho NV các điểm trông giữ, gara… Trường hợp cần thiết phải giao phương tiện, nên giao trực tiếp cho chủ gara hoặc người có trách nhiệm quản lý, yêu cầu người được giao xe xuất trình các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện điều khiển phương tiện. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần siết chặt quy định về việc cấp phép các điểm trông giữ, rửa xe… trong đó có điều kiện tuyển dụng NV (có GPLX, hợp đồng lao động).
Quốc Phong