Cổ phiếu Novaland: Khó khăn mới chỉ bắt đầu

00:00 12/10/2020

Trong 3 tháng đầu năm, cổ phiếu NVL giảm mạnh hơn mức giảm của chỉ số VN-Index, dù có ít dấu hiệu khởi sắc. Tuy vậy, tại Novaland còn tồn tại nhiều yếu tố làm kìm hãm đà tăng của cổ phiếu này.

Theo đà giảm điểm chung của thị trường, cổ phiếu NVL của Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) cũng mất gần 9% thị giá kể từ đầu năm 2020 đến nay. Hiện tại, thị giá NVL đang ở mức 54.400 đồng/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch bình quân gần 560.000 đơn vị/phiên. 

 

A close up of a map

Description automatically generated

 

Hình ảnh biến động cổ phiếu của NVL so với VN-Index

Trong bối cảnh cổ phiếu giảm giá, ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland liên tục gom mua cổ phiếu. Sau 2 đợt giao dịch từ ngày 11/2-11/3 và 20/3-15/4, ông Nhơn đã gom vào tổng cộng hơn 14 triệu cổ phiếu NVL. Sau các giao dịch, ông Nhơn hiện nắm hơn 206 triệu cổ phiếu NVL, tương đương 21,25% vốn.

Chưa dừng lại, Chủ tịch của Novaland tiếp tục mua thêm 10 triệu cổ phiếu trong đợt giao dịch kế tiếp từ 21/4 đến 20/5 và đã nâng sở hữu lên mức 22,28% vốn.

Trước đó, vợ ông Bùi Thành Nhơn là bà Cao Thị Ngọc Sương mua vào gần 40 triệu cổ phiếu NVL, nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 5,7% vốn điều lệ của Tập đoàn.

Cùng với động thái mua vào của vợ chồng Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã đưa ra khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho cổ phiếu NVL với giá mục tiêu 62.000 đồng/cp. VCSC cho biết, NVL hiện đang giao dịch với P/E và P/B năm 2020 đạt lần lượt 17,5 lần và 2,3 lần.

Đâu là những nguyên nhân khiến cổ phiếu NVL không thể bứt phá?

Trong khi những thông tin mua vào cổ phiếu để cứu giá của Chủ tịch kể trên vẫn chưa đủ để bình ổn tâm lý các nhà đầu tư. Novaland lên kế hoạch phát hành thêm tối đa 378 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Nếu như phương án được thông qua, vốn điều lệ của Novaland sẽ tăng thêm 3.780 tỷ đồng lên 13.477 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi phát hành thành công, cổ phiếu NVL sẽ đối mặt với rủi ro pha loãng EPS vì tốc độ tăng lợi nhuận chưa thể lập tức đuổi kịp tốc độ tăng vốn. Theo đó, nếu đợt phát hành trên thành công, số lượng cổ phần sẽ tăng thêm gần 40% trong khi lợi nhuận năm 2019 của Novaland lại giảm 28% so với năm 2018.

Ngoài ra, tại Novaland, kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán, Công ty hầu như không đề cập đến vấn đề chia cổ tức cho cổ đông. Duy chỉ có một lần vào năm 2018, Novaland phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 100:31 cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Trong kế hoạch được trình trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông vào năm 2020, Novaland cho biết lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến thời điểm 31/12/2019 đạt 8.723 tỷ đồng, tuy vậy Công ty dự kiến không chia cổ tức năm 2019, toàn bộ lợi nhuận sẽ được giữ lại. Trong năm 2020, Công ty tạm thời không có kế hoạch chia cổ tức. 

Ngoài ra, việc khối ngoại bán ròng cổ phiếu NVL trong đầu tháng 4 khiến nhà đầu tư trong nước lo ngại và không dám đặt niềm tin vào cổ phiếu ngành bất động sản này. 

Đỉnh điểm là trong phiên 7/4, khối ngoại giao dịch rất sôi động và bán ròng mạnh như trên là do đến từ việc thỏa thuận cổ phiếu NVL. Cụ thể, NVL bị khối ngoại bán ra 6,5 triệu cổ phiếu, tương đương với 455 tỷ đồng thông qua phương thức thỏa thuận. 

Giá cổ phiếu phụ thuộc vào pháp lý dự án

Đối với một công ty bất động sản, dự án pháp lý là một trong những yếu tố sống còn tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh. Ở Novaland, những thông tin này còn có tác động mạnh đến giá cổ phiếu. 

Đơn cử như vào đầu năm 2019, sau thông tin TP.HCM tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất để làm nhà ở đối với 7 khu đất có vị trí đắc địa được Novaland triển khai, cổ phiếu NVL của doanh nghiệp này đã lao dốc mạnh. Theo đó, giá trị vốn hoá của Novaland mất hơn 5.000 tỷ đồng. 

Từ mức 62.000 đồng, cổ phiếu NVL rớt về mức 57.700 đồng chỉ trong phiên sau đó, khối ngoại cũng bán ròng đến 460.000 cổ phiếu trong 1 phiên giao dịch. Pháp lý những dự án nói trên cũng chưa rõ thời gian nào có thể được tháo gỡ. Những sản phẩm của Novaland luôn được đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, rất nhiều dự án của họ dù bàn giao nhiều năm nhưng chưa thể bàn giao sổ hồng cho cư dân. Từ đây nhiều mâu thuẫn, tranh chấp của khách hàng phát sinh với Novaland đã xảy ra.

VCSC cho rằng tác động của dịch COVID-19 đối với ngành du lịch toàn cầu có thể làm trì hoãn mở bán các dự án khách sạn - nghỉ dưỡng của Công ty. Do vậy, VCSC dự phóng giá trị hợp đồng bán 2020 của Novaland sẽ giảm 21% về 31 nghìn tỷ đồng, được đóng góp bởi triển khai mở bán các dự án khách sạn - nghỉ dưỡng (46%), bao gồm các dự án NovaWorld Phan Thiết (1.000ha, Bình Thuận), NovaWolrd Hồ Tràm (600ha, Vũng Tàu), các dự án nhà ở tại TP. HCM (29%) và dự án Aqua City tại Đồng Nai (tổng cộng 4.000 căn hộ; 25%).

Với diễn biến hiện tại do dịch COVID-19 bùng phát, dự kiến Novaland còn gặp khá nhiều khó khăn với ngành, nhiều khả năng còn ảnh hưởng đến thị giá cổ phiếu NVL trong thời gian tới. Gian nan với NVL có thể mới chỉ bắt đầu chứ chưa thể kết thúc như nhiều người mong muốn.

Hồ Đông