Cổ phần hóa doanh nghiệp: Động lực mới

00:00 12/10/2020

Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sau khi cổ phần hóa (CPH) đã đổi mới quản trị, tăng tính tự chủ, linh hoạt trong hoạt động, công khai minh bạch thông tin, qua đó, nâng hiệu quả, sức cạnh tranh và khả năng hội nhập của DN.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng hợp kết quả hoạt động của các DN sau CPH cho thấy, so với năm trước khi CPH, bình quân lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách nhà nước, vốn điều lệ, tổng tài sản, doanh thu, thu nhập bình quân của người lao động đều tăng.

Công ty CP Giống cây trồng Trung ương tăng doanh thu sau CPH

Dẫn chứng cụ thể từng giai đoạn, báo cáo nêu rõ, giai đoạn trước năm 2015, tổng hợp kết quả hoạt động của trên 300 DN sau CPH năm 2015 cho thấy, bình quân lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%, vốn điều lệ tăng 72%, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu tăng 29%, thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%.

Điển hình như Công ty CP Giống cây trồng Trung ương có doanh thu tăng 20 lần, lợi nhuận tăng 40 lần, tổng tài sản tăng 22 lần, vốn chủ sở hữu tăng 40 lần. Hay, Công ty CP Sữa Việt Nam có doanh thu tăng 10 lần, nộp ngân sách tăng trên 6 lần, vốn chủ sở hữu tăng 13 lần.

Đến năm 2017, theo báo cáo của 294 DN có cổ phần, vốn góp của nhà nước, tổng tài sản theo báo cáo hợp nhất của các DN cổ phần là 543.858 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2016; vốn chủ sở hữu là 210.035 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2016; tổng doanh thu đạt 482.545 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2016; tổng lợi nhuận kế toán trước thuế theo báo cáo hợp nhất là 36.633 tỷ đồng, tăng 11% so với số thực hiện năm 2016.

Như vậy có thể thấy, các DN sau CPH vẫn có xu hướng tăng trưởng ổn định và phát triển. Hơn nữa, việc cơ cấu lại DNNN thông qua quá trình CPH đã tạo ra nguồn hàng hóa đầu tiên, đóng vai trò chủ chốt trong tạo lập cơ sở cho sự hình thành của thị trường chứng khoán Việt Nam.

CPH là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN. Theo công văn số 991/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017 - 2020, CPH 127 DN, trong đó có những bộ, ngành, địa phương đã triển khai CPH nhiều DN với giá trị lớn như Bộ Công Thương, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - cho biết, thời gian qua chúng ta thực hiện tái cơ cấu DNNN trên ba mảng đó là buộc các DNNN phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường; nâng cao hiệu lực quản trị DNNN thông qua áp dụng chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và CPH, thoái vốn DNNN.

“Thời gian qua chúng ta đã làm tốt CPH, thoái vốn, nhưng nên tiếp tục củng cố xu hướng thiên về chất lượng CPH, không chạy theo số lượng CPH” - TS. Nguyễn Đình Cung nói và cho rằng, nguyên tắc CPH là cơ cấu lại danh mục đầu tư nhà nước, phải chuyển được tài sản chưa tốt thành tài sản tốt, tài sản tốt thành tài sản tốt hơn, đừng làm theo xu hướng ngược, lại biến tài sản tốt thành tài sản không tốt. Đây là điểm rất quan trọng để củng cố được nền tảng, sức mạnh của khu vực DNNN.

Theo Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính, vấn đề CPH chỉ thực sự đem lại hiệu quả khi được thực hiện quyết liệt, triệt để, thay đổi toàn bộ về lượng và chất, thực sự là “bình mới, rượu mới”. Đồng thời cần có sự giám sát, kiểm tra, công khai, minh bạch trước, trong và sau CPH; kiên quyết hoạt động theo cơ chế thị trường sau CPH để đem lại giá trị gia tăng lớn hơn.

Theo Bộ Tài chính, hầu hết các DNNN CPH đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoạt động kinh doanh có lãi qua các năm và có sự tăng trưởng cả về doanh thu cũng như lợi nhuận. Tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận của các DN này chiếm khá lớn so với toàn thị trường niêm yết nói chung.

Quỳnh Nga