Cổ phần hóa DNNN: Mới khoảng 8% số vốn được bán ra

00:00 12/10/2020

Dù đã có hơn 95% doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được cổ phần hóa nhưng tổng vốn nhà nước bán ra mới khoảng 8%. Do đó, dư địa trong lĩnh vực này chính là “miếng bánh” khó cưỡng với đông đảo nhà đầu tư.

Ảnh minh họa

Hấp dẫn “miếng bánh” thoái vốn nhà nước

Là một hoạt động kinh tế bình thường nhưng trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) đã và đang nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ. Bởi quá trình tái cơ cấu nền kinh tế vừa mở ra cơ hội thu hút cả dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI), dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII), vừa hấp dẫn các luồng đầu tư khác thông qua M&A.

“Tái cơ cấu kinh tế cũng đòi hỏi một mặt vừa phải xử lý những dự án, doanh nghiệp (DN) yếu kém, thua lỗ, nhưng năng lực sản xuất dư thừa, mặt khác vẫn phải tạo ra năng lực sản xuất mới. Và hoạt động M&A được xem là giải pháp hỗ trợ đắc lực cho cả hai quá trình này”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định ngay tại Diễn đàn M&A thường niên vừa diễn ra ở TPHCM.

Không ngần ngại “quảng bá” cho các lĩnh vực mà Việt Nam muốn kêu gọi vốn đầu tư, người đại diện Chính phủ cho hay hiện tại Việt Nam có 5 lĩnh vực đang tái cơ cấu, gồm 3 lĩnh vực “truyền thống” là Tài chính - ngân hàng, Doanh nghiệp Nhà nước, Đầu tư công; cùng 2 lĩnh vực mới được bổ sung thêm là Cơ cấu lại thu chi ngân sách - đảm bảo ổn định nợ công và Cơ cấu lại hệ thống đơn vị sự nghiệp.

Trong đó, ở lĩnh vực Tài chính - ngân hàng, Việt Nam khuyến khích M&A các tổ chức tín dụng (TCTD) nhỏ thành các ngân hàng thương mại (NHTM) có quy mô lớn hơn. Ngoài ra, Chính phủ sẽ bán và chuyển giao bắt buộc các NHTM yếu kém đã mua lại hoặc đang được đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt. “Sắp tới, Việt Nam sẽ hết sức hạn chế, có thể nói là không cấp thêm giấy phép cho ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam nhưng vẫn cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua và sở hữu ngân hàng yếu kém”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thông tin.

Các công ty chứng khoán, quỹ tín dụng nhân dân và khoảng 36-38 công ty tài chính thuộc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cũng nằm trong diện phải tái cơ cấu lại và rất cần sự tham gia từ nhà đầu tư bên ngoài.

Ngoài ra, những khoản đầu tư hấp dẫn hơn từ các NHTM nhà nước lớn cũng dần được hé lộ qua chủ trương Chính phủ sẽ tiếp tục thoái bớt vốn nhà nước tại các nhà cho vay đã được IPO từ nhiều năm trước.

Thật vậy, mặc dù thời gian qua đã có tới hơn 95% DNNN đã được cổ phần hóa nhưng tổng số vốn nhà nước được bán ra mới khoảng 8%. Do đó, dư địa trong lĩnh vực này chính là “miếng bánh” khó cưỡng với đông đảo nhà đầu tư.

Nhà đầu tư “than” bị “hét giá”

Tuy được đánh giá là hình thức rót vốn linh hoạt hơn đầu tư FDI - bị cho là tốn kém rất nhiều thời gian từ khi nghiên cứu dự án, xin phép đầu tư, thực hiện thủ tục đầu tư, điều hành DN đến khi có thể thoái vốn chốt lời - nhưng theo nhận định của ông Warrick Cleine, Chủ tịch và CEO Công ty Kiểm toán KPMG Việt Nam và Campuchia, hoạt động M&A tại Việt Nam không chỉ có “bánh mì và hoa hồng”.

Quan ngại lớn nhất của nhà đầu tư vẫn là những thách thức “muôn năm cũ” về chất lượng thông tin trong quá khứ của DN, cách thức mà DN công bố thông tin cho các bên liên quan, cách thức DN quản lý sổ sách, tài sản, nợ phải trả, khoản phải thu, “họ không chấp nhận các con số không giải trình được”, ông Warrick Cleine cho hay.

Từ kinh nghiệm hỗ trợ cho các thương vụ mua bán sáp nhập, người đại diện của KPMG cũng “than thở” về sự sẵn sàng của các DN nội địa khi tham gia M&A. Các DN tư nhân khá dè dặt, luôn mang tâm thế mình bị lợi dụng nên thường “phát giá” quá cao. Trong khi đó, với sự phát triển của thị trường chứng khoán như hiện nay, sẽ không quá khó để người ta nhận ra giá trị thực của DN. Ngoài ra, cũng thật mâu thuẫn khi DN vừa muốn có thêm vốn, thêm người cùng đồng hành nhưng lại không muốn chia sẻ thông tin cùng họ.

Có lẽ vậy nên cùng với các “điểm mờ” về tính tuân thủ chính sách nhà nước của DN - đặc biệt liên quan tới các quy định thuế - mà tỉ lệ thành công của một thương vụ M&A tại Việt Nam còn khá thấp, chưa tới 2/5 trường hợp đôi bên cùng tới được hồi kết sau giai đoạn thẩm định, rà soát thông tin chi tiết tại DN.

Cũng có ý kiến cho rằng các nhà đầu tư đang phải đối mặt với những thách thức khác liên quan tới thủ tục hành chính. Trong đó, quyết định phê chuẩn - chấp nhận một thương vụ M&A tại các cơ quan chức năng bị cho là còn kéo dài, rối rắm. Dù vậy, đáp lại những “phàn nàn” này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho hay hoạt động tăng cường rà soát trước khi phê chuẩn các thương vụ M&A không phải để “siết” thủ tục hành chính mà chính là muốn hướng nền kinh tế tới phát triển bền vững. “Chúng tôi không chỉ chọn nhà đầu tư có kinh nghiệm và năng lực tài chính, mà còn phải là những người có thể mang đến hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng ít tài nguyên, tạo được hiệu ứng lan tỏa cho khu vực DN trong nước”, ông Tuyến nêu quan điểm.

Tương tự, trước những ngại ngần về lượng hàng “khủng” sẽ được tung ra cùng với chủ trương thúc đẩy cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước có thể khiến thị trường bị “ngập lụt”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay Chính phủ sẽ tùy thuộc vào lực cầu để tính toán kế hoạch chào bán vốn cổ phần phù hợp với quy mô thị trường trong từng thời điểm.

Cởi mở khung pháp lý, hứa hẹn sôi động M&A

Với các nhà đầu tư, M&A tại Việt Nam sẽ ngày càng thuận lợi. Có thể thấy rõ thông điệp này khi người đại diện Chính phủ tại Diễn đàn khẳng định Việt Nam vẫn ưu tiên củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, với lạm phát thấp, tỉ giá và lãi suất ổn định. Song song đó là các hoạt động hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thể chế như: Rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến đầu tư và kinh doanh (Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, Luật Các Tổ chức tín dụng, Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu...).

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, còn tiết lộ thêm “trong một tháng nữa, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ công bố dự thảo Sửa đổi Luật Chứng khoán để lấy ý kiến rộng rãi của công chúng, trong đó có nội dung nói về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong DN”.

Thực tế, những ai quan tâm đến M&A đều biết hàng loạt nghị định liên quan cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước đã được sửa đổi và công bố ngay từ đầu năm 2018. Một ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại các DN cũng đang được thành lập. Các điều kiện kinh doanh với DN cũng đã được “lên lịch” gỡ bỏ - riêng năm nay sẽ phải bớt đi một nửa. Các thủ tục kiểm tra chuyên ngành cũng phải được cắt giảm 50%.

Hiện tốc độ tăng trưởng của hoạt động M&A tại Việt Nam đang được đánh giá khá tốt. Số thương vụ có giá trị cao cũng ngày một nhiều hơn và Việt Nam được cho là có tiềm năng ngày càng lớn cho các hoạt động M&A. Dự báo, tổng giá trị các thương vụ M&A năm 2018 có thể đạt mốc 6,5-6,9 tỷ USD.

Phương Hiền