Có một Chum Nốp hiền khô!

00:00 12/10/2020

Người hóa thân nhân vật này ngoài đời lại là một nam diễn viên người Khmer vô cùng hiền lành, chất phát! Đó là diễn viên Thạch Kim Long.

Nếu như trong phim “Đồng tiền quỷ ám” (biên kịch: Nhà văn Nguyễn Như Phong, đạo diễn: Trần Chí Thành), Chum Nốp là một ông chủ sới bạc khét tiếng mưu mô và độc ác, thì ngược lại, người hóa thân nhân vật này ngoài đời lại là một nam diễn viên người Khmer vô cùng hiền lành, chất phát! Đó là diễn viên Thạch Kim Long.

1. Cũng xin nói ngay là để phỏng vấn được anh rất khó, khó không phải vì Thạch Kim Long mắc "bệnh ngôi sao" mà đơn giản là vì anh rất ngại gặp báo chí nên đều từ chối hầu hết các lời đệ nghị. Với truyền hình thì anh lại càng không xuất hiện bởi đứng trước máy quay và người phỏng vấn, anh vừa run vừa ấp a ấp úng. Anh vừa từ chối gameshow truyền hình “Lữ khách 24 giờ” cũng vì lý do này.

Diễn viên Thạch Kim Long.
Diễn viên Thạch Kim Long.

Để Thạch Kim Long nhận lời đã khó nhưng trong quá trình phỏng vấn, nếu không hiểu ý anh thì cũng rất dễ thất bại! Thông thường, phóng viên hay bật ghi âm để trước mặt và mang sổ ra ghi chép. Nhưng phỏng vấn “Chum Nốp” thì khác, khi nhìn thấy mấy “đồ nghề” đó của nhà báo, anh như bị khớp, không thể trả lời tự nhiên được. Vì thế, khi trò chuyện với anh, không còn cách nào khác ngoài việc bắt buộc nhà báo phải vận dụng tối đa khả năng nhớ chi tiết.

Nói điều này để bạn đọc hình dung ra người hóa thân “ông trùm” sới bạc Chum Nốp trong bộ phim truyền hình đang thu hút sự chú ý của khán giả - phim “Đồng tiền quỷ ám” là đặc biệt như thế nào!

2. Nếu tính từ thời điểm diễn viên Thạch Kim Long bắt đầu diễn những vai quần chúng vào năm 1996 đến hiện tại thì anh đã có tròn 20 năm vào nghề. Mà phải thừa nhận rằng, đời làm diễn viên của anh khá lận đận so với những những gương mặt cùng trang lứa. Năm 1995, Thạch Kim Long khăn gói từ Trà Vinh lên Sài Gòn học khóa diễn suất điện ảnh. Khóa đào tạo 9 tháng, học cùng với anh có thời đó diễn viên Chi Bảo, Trung Dũng, Cascader Quốc Thịnh, Hoài An… Tất cả những nhân vật này đều đã trở thành những người nổi tiếng trong giới điện ảnh hiện tại. Riêng Thạch Kim Long thì vẫn chưa!

Năm 1996, sau khi hoàn thành khóa học, anh vào nghề diễn bằng những vai quần chúng kết hợp với làm đủ thứ công việc khác để mưu sinh. Nhưng với một người rất đam mê và dành nhiều tâm huyết với nghề diễn như anh thì việc năm này tháng nọ chỉ vào những vai quần chúng thì dễ nản thật! Từ năm 1996 đến khi anh tham gia phim “Mùa len trâu” (ĐD Nguyễn Võ Nghiêm Minh) vào năm 2003 thì đều diễn vai quần chúng như vậy.

Nhiều lần thất vọng quá, anh lại bỏ về quê mấy tháng. Nhưng rồi sau đó, anh lại lên Sài Gòn và làm nghề. Nghề có vẻ hơi bạc với anh quá nhưng anh thì quyết không bỏ nghề được. Phần vì đam mê cứ thôi thúc không ngừng, phần vì mang tiếng lên thành phố học hành, đóng phim mà không làm ra trò gì, anh cảm thấy hổ thẹn với bản thân, gia đình và bà con chòm xóm.

Năm 2003, cũng nhờ kinh nghiệm mười mấy năm chăn trâu và gắn bó với ruộng đồng sông nước từ thời thơ ấu mà Thạch Kim Long được mời tham gia phim “Mùa len trâu”, dù trước đó, vai diễn này đã được giao cho người khác. Những tưởng sau phim này, cuộc đời diễn viên của anh sẽ thay đổi, nhưng Thạch Kim Long lại tiếp tục với những vai quần chúng. Lúc này, nam diễn viên mới thật sự gọi là tuyệt vọng. Anh bỏ về quê một thời gian và khi quay lại Sài Gòn, anh cũng quyết định tạm bỏ luôn nghề diễn suất mà chuyển qua làm thiết kế, dựng cảnh cho các đoàn phim.

Đến năm 2007, Thạch Kim Long tình cờ gặp lại diễn viên Kiều Trinh khi đang đi làm cho đoàn phim “Gọi giấc mơ về”. Cả hai quen nhau từ cái thời đóng phim “Mùa len trâu”. Và chính cuộc gặp gỡ này đã đưa anh trở lại với nghề diễn với vai chính Hoạt trong bộ phim điện ảnh “Rừng đen” (ĐD Vương Đức). Đây cũng chính là một bước ngoặc trong sự nghiệp của anh.

Với vai diễn này, Thạch Kim Long trở thành một trong những ứng cử viên nặng ký của hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất giải Cánh diều Vàng 2007. Rồi sau đó, anh lại vào tiếp một vai ấn tượng khác là người phiên dịch Huân trong phim “Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh...

3. Có lẽ, chính cái vẻ bề ngoài với nước da ngăm đen, khuôn mặt râu ria xồm xoàm của Thạch Kim Long mà các đạo diễn chỉ chọn anh vào hai loại vai, một là vai nông dân, hai là tay giang hồ cộm cán! Cũng chính vì nét cá tính đó mà Thạch Kim Long cũng chỉ phù hợp với những vai phụ, nếu là vai chính thì đó phải là vai diễn gai góc trong một dự án phim nghệ thuật nào đó, như “Rừng đen” hay “Đừng đốt” chẳng hạn.

Anh kể, suốt 20 năm làm nghề, tính đến giờ anh chỉ có được vài vai chính, còn lại toàn là vai phụ. Trong năm rồi, anh toàn vào vai giang hồ, đó là trong phim truyền hình “Dấu chân du mục” và phim 90 phút “Bàn tay đen”. Hiện tại là Chum Nốp trong Đồng tiền quỷ ám.

Có thể nói, so với vai diễn giang hồ thường thấy trên màn ảnh, Thạch Kim Long ngoài đời là một con người hoàn toàn khác biệt. Nếu chỉ nhìn thoáng qua thì vẻ ngoài có chút bặm trợn nhưng tiếp xúc rồi mới biết, Thạch Kim Long lại hiền khô. Anh đặc biệt rụt rè, ít nói, còn cách ăn mặc cũng không hề giống một diễn viên, nó giản dị đến mức xuềnh xoàng.

Có lẽ, cái chân chất của người nông dân và vẻ hiền lành của người dân tộc Khmer đã ăn sâu vào trong con người anh, nó không hề bị suy chuyển dù anh ở vị trí nào.

Riêng với những vai diễn người nông dân thì không phải chê, Thạch Kim Long có thể diễn một cách xuất sắc mà diễn như không diễn vậy. Bao năm trực tiếp gắn bó với quê hương ruộng đồng đã bồi đắp cho anh một tình yêu mãnh liệt và sự thấu hiểu sâu sắc về con người nơi đây. Cũng chính vì thế mà khi xem phim “Đất mặn” (ĐD Nguyễn Tường Phương), người ta bị “ám ảnh” bởi vai diễn lão nông Ba Mạnh do anh đóng quá thật, thật như là số phận của một người nông dân ngoài đời.

Và vai diễn này cũng để lại nỗi “ám ảnh” đặc biệt với chính người thủ vai, đến mức 3, 4 tháng sau mà Thạch Kim Long vẫn không thể vào một vai khác được. Mấy lần anh đi casting phim mới, anh đều bị loại bởi anh không tài nào thoát ra khỏi được hình ảnh Ba Mạnh.

4. Bây giờ, những ngày không đi phim thì Thạch Kim Long ở nhà phụ vợ bán cà phê, nước ngọt. Cái quán cóc bên lề đường Phan Kế Bính (Q.1, TP HCM) mà vợ chồng anh gầy dựng lâu nay chính là nguồn thu nhập ổn định hằng ngày của gia đình. Mỗi ngày chỉ kiếm khoảng 200 nghìn đồng, cộng thêm tiền cát-sê phim ảnh của anh là vừa đủ để vợ chồng anh trang trải cuộc sống, trả tiền thuê nhà trọ và nuôi cậu con trai đang học lớp 7.

Anh nói, nếu có vốn anh sẽ thuê mặt bằng, mở cái quán cà phê nho nhỏ để anh em diễn viên đến chơi có chỗ hàn huyên. Ước mơ đơn giản là vậy nhưng xem ra cũng khó mà thực hiện. Đời sống trọ nay đây mai đó, loay quay với tiền nhà, tiền điện, tiền nước. Phim ảnh thì thất thường, lúc có lúc không nên hầu như vừa xong vai nào thì tiền cát-sê vai đó cũng vừa hết!

Nhưng không vì thế mà Thạch Kim Long chán nản, anh quan niệm mình có ít xài ít, số còn lại hai vợ chồng dành dụm nuôi dạy cậu con trai. Anh mừng vì cậu bé cũng mê phim ảnh giống ba ngày trước, nghe đâu đã đóng trong mấy phim tốt nghiệp rồi, diễn cũng tốt!

Hôm ghé thăm nhà trọ của anh thì trời mưa tầm tã, thế là tôi có dịp ngồi nghe anh kể về những kỷ niệm của mùa mưa thuở nhỏ khi anh còn là đứa bé chăn trâu, thích tắm sông và tập bơi bằng chuồn chuồn cắn rốn…

Nhìn bên ngoài thì thấy mọi thứ còn chật vật, khó khăn nhưng dễ dàng cảm nhận rằng, Thạch Kim Long đang sống một cuộc sống hạnh phúc và yên bình. Yên bình như chính dòng sông quê hiền hòa hằng ngày trôi qua trước nhà anh vậy!

Theo VTV