Cơ hội từ CPTPP (Kỳ III): Chile - thị trường đầy tiềm năng

00:00 12/10/2020

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Chile được kỳ vọng sẽ tăng mạnh sau khi CPTPP có hiệu lực.

Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Chile đạt 1,09 tỷ USD, giảm 15% so với năm 2017.

p/Chile nổi lên là thị trường xuất khẩu cá ngừ tiềm năng của Việt Nam.

Chile nổi lên là thị trường xuất khẩu cá ngừ tiềm năng của Việt Nam.

Thị trường tiềm năng

Giống như Peru, Chile dù là một thị trường nhỏ nhưng cơ hội lại rất rộng mở cho hàng hóa Việt Nam. Trong bối cảnh Hiệp định CPTPP dự kiến được thông qua tại Chile vào quý II/2019, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội hơn nữa để tăng cường xuất khẩu sang thị trường này. Bởi với việc thực thi CPTPP, số lượng sản phẩm của Việt Nam tiếp cận thị trường này sẽ nhiều hơn, thời gian giảm thuế của CPTPP cũng nhanh hơn so với FTA song phương Việt Nam- Chile. Theo đó, Chile cam kết cắt giảm 95,1% tổng số dòng thuế ngay sau khi CPTPP có hiệu lực, và 99,9% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ vào năm thứ 8.

Theo Bộ Công Thương, các mặt hàng ưu tiên thúc đẩy xuất khẩu sang Chile bao gồm: hạt tiêu, hạt điều, chè, cà phê, mật ong, nông sản, thủy sản sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi CPTPP; phần lớn các sản phẩm gỗ cũng được hưởng thuế suất 0%; giày dép, cao su được xóa bỏ thuế suất vào năm thứ 4; dệt may được xóa bỏ thuế suất vào năm thứ 8...

Lưu ý với doanh nghiệp xuất khẩu

Các ngành công nghiệp nhẹ, sản xuất hàng tiêu dùng của Chile kém phát triển và không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Hàng năm, Chile phải nhập khẩu trên 16 tỷ USD hàng tiêu dùng. Các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Chile chủ yếu mang tính bổ sung, không cạnh tranh lẫn nhau.

Khi xuất khẩu sang Chile, các doanh nghiệp cần có đủ các chứng từ cần thiết để xin phép nhập khẩu hàng hoá vào Chile gồm: Hoá đơn thương mại, do nhà xuất khẩu cung cấp theo đúng luật pháp hiện hành của nước xuất xứ; vận đơn tuỳ thuộc vào loại phương tiện vận chuyển được cung cấp bởi các hãng vận chuyển; giấy chứng nhận kiểm định sản phẩm do các phòng thí nghiệm hay các phòng kiểm định chất lượng cấp.

Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần lưu ý tới quy chuẩn an toàn do các cơ quan chức năng của Chính phủ cấp cho nhà xuất khẩu tại nước xuất xứ; Giấy phép đăng ký sản phẩm tuỳ theo chủng loại sẽ được cấp tại ISP hoặc SAG - Chile, hoặc cả hai (áp dụng cho hàng nông sản, thuỷ sản); Chứng nhận chất lượng hàng hoá do SGS, Bureau Veritas... cấp cho nhà xuất khẩu.

Quốc Anh