Cơ hội mở cánh cửa cho người khuyết tật

00:00 12/10/2020

SDG Challenge là cuộc thi được tổ chức 2 năm một lần bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cùng các đối tác nhằm tìm kiếm và ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo ra tác động tích cực cho xã hội thông qua chuỗi các hoạt động đào tạo, tăng tốc khởi nghiệp, tư vấn kĩ thuật và kết nối đầu tư dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Nối tiếp thành công, SDG Challenge 2019 được phát động với ý nghĩa nhân văn cao cả, nhằm lan tỏa những giá trị về xã hội - cộng đồng, kinh tế - công nghệ, thu hút và tôn vinh các giá trị sáng tạo về giải pháp cải thiện tiếp cận cho người khuyết tật (NKT).

NKT có nhiều cơ hội tiếp cận bình đẳng

Lan tỏa theo tinh thần vì cộng đồng

Theo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF), có khoảng 7% dân số, tương đương với 6,2 triệu dân là NKT(thống kê với đối tượng từ 2 tuổi trở lên). Tuy nhiên, NKT vẫn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống: 2,3% số NKT có khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe y tế khi ốm đau; chưa đến 1/3 trẻ khuyết tật được đi học đúng tuổi; cơ sở vật chất cũng như dịch vụ tại trường học, cơ sở y tế, nơi công cộng để hỗ trợ cho người khuyết tật còn vô cùng thiếu thốn…

Theo đó, Việt Nam lãng phí một khoảng tương đương 3% GDP vì không thể tận dụng được lực lượng lao động là NKT. Trước những thách thức, sự phát triển của công nghệ những năm gần đây đã chứng minh rằng các giải pháp công nghệ giúp cho những người khuyết tật có thể dễ dàng tiếp cận và hòa nhập xã hội hơn. Với khoảng 3.000 startups hiện tại, Việt Nam đang dần trở thành một trong những quốc gia có tăng trưởng khởi nghiệp ấn tượng. Bên cạnh đó, xuất hiện ngày càng nhiều impact startup (doanh nghiệp khởi nghiệp tác động xã hội) với nhiều ý tưởng độc đáo và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, như Vulcan Augmetics, SCDeaf, MultiGlass, Enablecode, Imagtor, Penta… với các sản phẩm tạo điều kiện thuận lợi cho NKT dễ dàng tiếp cận và tham gia các hoạt động trong cuộc sống. SDG Challenge 2019 sẽ tạo môi trường tích cực, chuyên nghiệp và lan tỏa những giá trị trong tìm kiếm giải pháp sáng tạo cải thiện tiếp cận cho NKT.

Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và bà Caitlin Wiesen Đại diện thường trú UDNP tại Việt Nam

Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KHCN: SDG Challenge 2019 không chỉ là một cuộc thi đơn thuần về khởi nghiệp, đây còn là cơ hội để mọi người cùng chung tay tạo ra những giá trị tốt đẹp, bình đẳng, là cơ hội mở ra cánh cửa cho NKT được tiếp cận bình đẳng và an toàn với quyền lợi và các dịch vụ trong cuộc sống hàng ngày. “Cuộc thi có ý nghĩa nhân văn và xã hội vô cùng to lớn. Thay vì thương mến một NKT chúng ta hãy cùng với họ tìm ra giải pháp cho hơn 6,2 triệu NKT Việt Nam. Giúp họ cải thiện cuộc sống, tự vượt lên số phận. Tôi tin rằng trí tuệ của tất cả chúng ta có thể tạo ra được những sáng kiến hay từ lòng yêu thương và tính sáng tạo. Hy vọng những giải pháp này không chỉ áp dụng ở Việt Nam mà còn hướng đến các nước ASEAN”, ông Quất chia sẻ.

Cũng theo ông Quất, với mục tiêu lan tỏa nhận thức đó, đối tượng tham dự của cuộc thi sẽ không bị giới hạn. Những doanh nghiệp, tổ chức khởi nghiệp, tổ chức cộng đồng hay các nhóm sinh viên đều có thể tham gia cuộc thi. Thông qua cuộc thi, các bạn startup, thanh niên cũng như các doanh nghiệp sẽ truyền thêm cảm hứng, động lực và tiếp tục phát triển không chỉ trên khía cạnh kinh tế, công nghệ mà còn nâng cao hơn nữa trách nhiệm với cộng đồng; cùng nhau liên kết, chung tay vì một Việt Nam phát triển bền vững và không ai bị bỏ lại phía sau.

Đại diện thường trú UDNP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen chia sẻ: Chúng tôi rất vui được hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ khởi động TechFest 2019 với cuộc thi tìm kiếm giải pháp sáng tạo nhằm tăng cường sự hòa nhập của NKT. Cuộc thi sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của NKT và cho NKT, hướng tới tương lai hòa nhập và bền vững hơn. 

Doanh nhân Đàm Quang Huynh - CEO Imagtor

"Thách thức mang tính cấp thiết hiện nay, không những là trao quyền tiếp cận cho NKT, mà còn là cung cấp phương tiện để họ thực hiện quyền của mình, tham gia vào xã hội. Bên cạnh thách thức, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng mang đến nhiều cơ hội, đặc biệt là các ứng dụng công nghệ giúp xóa bỏ khoảng cách. Qua đó, SDG Challenge 2019 mong muốn hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, phát triển kinh doanh theo mô hình mới, tăng chất lượng cuộc sống của nhóm người dễ bị tổn thương. Với hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ 3 tại Đông Nam Á, khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam sẽ phát triển tốt các ứng dụng sáng tạo đổi mới, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về những thách thức, rào cản NKT phải đối mặt", bà Caitlin Wiesen bày tỏ.

Ươm mầm khởi nghiệp doanh nghiệp xã hội

Năm 2017, khi cuộc thi SDG Challenge được tổ chức lần đầu, trong số 12 đội vào đến vòng chung kết có không ít công ty do chính NKT làm chủ và những sản phẩm họ tạo ra đang từng bước được lan tỏa

Doanh nhân Đàm Quang Huynh - CEO Imagtor chia sẻ về thực tế lớn mạnh cùng sự đồng hành của doanh nghiệp sau cuộc thi: Imagtor là doanh nghiệp xã hội thành viên trực thuộc mạng lưới Trung tâm Nghị lực sống. Trong suốt những năm hoạt động, Trung tâm Nghị lực sống đã đào tạo nghề web design và chỉnh sửa ảnh cho hơn 700 em khuyết tật và trên 80% em đã có việc làm tốt và ổn định sau tốt nghiệp. Imagtor được thành lập với sứ mệnh cùng đồng hành với Trung tâm Nghị lực sống trong việc đào tạo nghề chuyên sâu cũng như tạo dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp, sáng tạo và hỗ trợ bền vững trong lĩnh vực chỉnh sửa ảnh chuyên nghiệp cho cộng đồng người khuyết tật tại Việt Nam. Năm 2017, Imagtor gặp nhiều khó khăn và có thể nói là thiếu đủ thứ như tiền, nhân lực và quản lý. Sau khi tham gia cuộc thi, chúng tôi nhận được rất nhiều giúp đỡ, tạo tiền đề để có được những phát triển vượt bậc về mặt tài chính, có lãi trong kinh doanh, nhân sự của Imagtor cũng đạt được sự lớn mạnh… SDG Challenge có thể coi là điểm mốc để Imagtor vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả như ngày hôm nay.

Doanh nhân Đỗ Hoàng Thái Anh - Giám đốc, sáng lập viên của SC Deaf

Còn doanh nhân Đỗ Hoàng Thái Anh - Giám đốc, sáng lập viên của SC Deaf, công ty phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu, cho biết, cách đây 5 năm, tôi được đến Hàn Quốc và lần đầu tiên thấy các dịch vụ tiếp cận cho người điếc. Tôi nhận ra người điếc có thể làm được rất nhiều điều nếu như được hỗ trợ đúng cách. Bởi vậy khi về nước, tôi ấp ủ kinh nghiệm và làm việc cùng các đối tác Hàn Quốc để xây dựng mô hình tương tự ở Việt Nam.

“Tôi nộp đơn tham gia cuộc thi năm 2017 nhưng không biết có làm được không. Khi thông báo kết quả, chúng tôi là những người cuối cùng được gọi tên và quả thực niềm vui vỡ òa. Đây là lần đầu tiên người điếc chúng tôi được nói lên tiếng nói với cộng đồng và nhận được đông đảo sự quan tâm. Hiện nay Công ty phiên dịch SC Deaf đang phục vụ 150 khách hàng giao tiếp trong nhiều tình huống xã hội và đã xây dựng được “không chỉ một đường dây mà cả một tổng đài nhận cuộc gọi”. Với những người khiếm thính hiện gặp nhiều trở ngại trong nhiều tình huống như đến bệnh viện mô tả tình trạng sức khỏe, hoặc khi dùng các dịch vụ hành chính công tại ủy ban nhân dân, công an phường, xã… các sản phẩm phiên dịch mà chúng tôi đang cung cấp đã mang đến sự hỗ trợ không nhỏ cho họ”, NH Thái Anh cho biết.

Trong cuộc thi năm 2017, ứng dụng D.MAP hỗ trợ người khuyết tật được UNDP đánh giá rất cao. D.Map là ứng dụng bản đồ dành cho người khuyết tật được thực hiện bởi Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD), cho phép người dùng khảo sát các địa điểm và đưa thông tin đó lên bản đồ, định vị và cập nhật các địa chỉ và danh sách các hỗ trợ dành cho NKT trong hệ thống các dịch vụ thông thường.

Người sáng lập ra ứng dụng D.MAP hỗ trợ người khuyết tật được UNDP đánh giá rất cao

Người sáng lập ra ứng dụng, anh Nguyễn Xuân Khánh cho biết: Tính đến đầu tháng 7/2019, ứng dụng đã có danh mục của 22 loại hình địa điểm như trường học, bệnh viện, quán café, nhà sách, địa điểm tôn giáo… Khi nhận được thông tin đưa lên, nhân viên điều hành ứng dụng sẽ có những kiến nghị gửi đến các công trình, tòa nhà đó để họ có thể cải thiện tùy mức độ nhằm khiến địa điểm thân thiện hơn với những người khó di chuyển. Hiện nay Hà Nội đã có hơn 1.000 địa điểm được cập nhật các đặc điểm vào D.MAP, ngoài ra còn có nhiều địa điểm tại Tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Định, Cần Thơ… cũng được người dùng đưa lên bản đồ, nâng tổng số điểm hiện có lên trên 3.000 điểm. Theo dự tính, sau chiến dịch Mùa hè xanh năm 2019, D.MAP kì vọng sẽ cập nhật được thêm 3.000 địa điểm nữa.

“Những thông tin về khả năng tiếp cận này không chỉ hữu ích cho NKT, mà còn giúp cho những phụ nữ mang thai, người già, những người cần cấp cứu hay gặp khó khăn, năng lực tạm thời có thể sử dụng. Việc tiếp cận cho người khuyết tật cũng chính là tiếp cận cho cả cộng đồng”, anh Khánh nhấn mạnh.

Luật sư Đinh Việt Thanh VP Luật sư Hoàng Hưng:

Qua quá trình hoạt động nghề nghiệp và thực tiễn liên quan đến lao động là người khuyết tật (Các hành vi bị cấm khi sử dụng LĐ là NKT - điều 178 BLLĐ 10/2012/ QH13), theo khoản 1, điều 35, Hiến pháp 2013 đã thừa nhận “công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc” đây là một quyền tự nhiên của con người, được Nhà nước bảo đảm, hoàn toàn phù hợp với tinh thần chung của Công ước số 122 - Công ước về chính sách việc làm mà Việt Nam chuẩn bị tham gia “mọi người đều có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi …”

Do đó, người lao động là NKT cần được bảo vệ nhưng cũng cần được hoà nhập với cộng đồng, trong đó, quyền được lao động vừa thể hiện nhu cầu hòa nhập, vừa là cách bản thân NKT thể hiện trách nhiệm bản thân và chia sẻ gánh nặng với xã hội về kinh tế, an sinh xã hội… để họ thấy mình không bị phân biệt đối xử.

Thực tế, không ít doanh nghiệp muốn nhận lao động là NKT nhưng lại bị ràng buộc quá lớn bới những quy định “cứng” của pháp luật, cũng nên để người sử dụng lao động tự lựa chọn người lao động cho mình trong đó có cả lao động là NKT. Dự thảo mới của Bộ luật lao động hiện nay cũng đã “mở” hơn về lao động là NKT. Hy vọng trong thời gian không xa Quốc hội sẽ thông qua để những vướng mắc trên sớm đi vào cuộc sống, người lao động là NKT sẽ có thêm ánh sáng mới trong lựa chọn và đóng góp xã hội.

Anh Thư